Tôi quày quả trở về vì tôi đã đi xa lắm và lâu lắm và mùa xuân như tiếng gọi thôi thúc, giục giã kẻ xa quê trở về! Ở bến xe, người ra, kẻ vào tấp nập, những ba lô, túi xách của người trở về tràn khắp mọi nơi, chật cứng cả khu vào ra của bến xe, những món quà, những nhành hoa được gói trong bao bóng hay bao đựng hàng hóa như gợi thêm không khí Tết.
Rồi tôi cũng lên xe, chuyến xe chở người trở về thăm quê nhà trong dịp Tết nên tâm trạng mọi người đều nôn nao và háo hức như nhau, những bông hoa dã quỳ hai bên đường đong đưa như vẫy chào tạm biệt tôi và chúc tôi đi đường bình an.
Tôi về đến làng trong một buổi chiều mưa bụi bay, làng quê đã đổi thay nhiều sau bao năm tôi xa cách. Những con đường đất chạy dưới hàng tre ngày nào giờ đã được bê tông hóa, những cây non, ngày tôi đi chỉ cao cao bằng tôi, giờ đã thành cổ thụ đưa những nhánh gầy khô như bàn tay khẳng khiu dang ra giữa bầu trời để đón tôi trở về. Duy dòng sông vẫn như xưa, vẫn bốn mùa mưa nắng lặng lờ trôi. Gió chiều thổi qua cánh đồng mang theo mùi đặc trưng: mùi lúa hòa quyện mùi bùn đất tạo thành mùi của quê hương. Tôi đứng trên bờ đê cao một lúc lâu, nhìn về phía cánh đồng, ở đó có cồn mồ, nơi cất giữ nắm xương của tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi, lòng xao xuyến rưng rưng. Cha mẹ ơi, con đã trở về!
Tôi gặp những bà con quen đi làm đồng về, những con người với tấm thân hao gầy theo năm tháng, nhưng tình cảm nồng hậu, ân tình. Biết tôi về thăm nhà, họ nói “ Ừ, về nhà đi con! Mau về đi con!” Lời nói chân tình làm tôi ứa nước mắt.
Tôi lên đến xóm nhà mình, con xóm vẫn như ngày cũ, vẫn hàng tre bóng rũ, vẫn những tổ rột rột đong đưa suốt mùa hè, giờ còn lại cái tổ không. Và đây, cổng nhà tôi, cái cổng tre gầy guộc đón đợi những người trong nhà mỗi bận đi về. Tôi mới nhận ra cả tuổi thơ tôi nằm sau chiếc cổng và ngày tôi đặt bàn chân ra khỏi cổng là bắt đầu cho một hành trình dài. Hàng chè tàu, giàn đậu quyên với những chiếc lá hình tim in bóng xuống sân không còn nữa, nó chỉ tồn tại trong tâm hồn tôi vì tôi đã đi lâu quá.
Nhà tôi, vẫn căn nhà ba gian như ngày xưa, chỉ thay mái, tường vôi loang lổ, căn nhà đã giữ gìn và che chở cho chúng tôi lớn lên cùng cất giữ những kỷ niệm của chị em tôi. Mùi nhang trầm trong nhà tỏa ra dìu dịu gợi nhiều thương nhớ. Vẫn mùi hương xưa cũ, cái mùi nhang mà mạ tôi vẫn thắp trong chiều để không chỉ tưởng nhớ người đã khuất mà còn cầu mong cho con cái đi xa được sức khỏe, bình an. Mùi nhang trầm khiến sống mũi tôi cay cay!
Mưa bụi bay bay và cái lạnh cuối năm càng làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm xưa. Tôi như thấy bóng dáng cha mẹ tôi đâu đây. Tôi thấy cha tôi lom khom bên những bụi cây, bụi hoa, lau dọn bàn thờ hay ngồi chẻ lạt để gói bánh chưng, cha đã chuốt rất tỉ mẫn từng sợi lạt để buộc bánh được dễ và khéo. Cha tôi cũng chặt nhiều củi, là những nhánh nè (cành tre khô), cành khô trong vườn và đặt lên ở giàn bếp để mạ tôi dễ nấu nướng. Những thanh củi gồ ghề và gai góc đã làm cho bàn tay vốn chai sần càng thêm nhiều vết xước. Tôi lại thấy mạ tôi đi chợ về, trong thúng của mạ nào đồ khô như măng, miến, mộc nhỉ, hành tiêu tỏi bên cạnh những củ cà rốt đỏ tươi, su hào xanh biếc, củ cải trắng nuột cùng hương đèn mắm muối. Mạ tôi như gánh cả mùa xuân về nhà! Lại thấy hình ảnh mạ tôi trong căn bếp xưa, căn bếp với bồ hóng đen mờ cột kèo mái lá, bên kia bếp là chiếc cụi đựng thức ăn đứng trên bốn chiếc chén cũ có đựng nước để kiến khỏi bò vào và hình ảnh mạ tôi đang kho nấu những món ăn quen thuộc, mắt nhoèn vì khói nhưng nụ cười ấm áp,thân thương. Sao thương nhớ nhiều đến vậy!
Hình ảnh ngày làm bánh chưng, bánh Tét cuối năm vẫn in đậm trong tôi. Mạ tôi đã lựa loại nép dẻo nhất, vút sạch và ngâm kỹ. Khi vớt ra còn bỏ chéo hai dây lá chuối tươi nhỏ để khỏi bị ngâu vọc (kẻ âm vọc). Nồi đậu xanh hong chín tỏa ra mùi thơm ngát của đậu hòa cùng mùi của tiêu hành, mắm, muối làm chảy nước dãi. Chúng tôi ngồi quanh, thỉnh thoảng lấy tay vèn một chút, bị mạ la nhưng không thể ngừng lại cái ý thích của mình. Nếp và đậu còn thừa, mỗi đứa lại tự làm cho mình một đòn bạn Tét nhỏ xíu. Sau này, khi đã lớn có thể thưởng thức những đòn bánh to đẹp thì trong tôi đó vẫn là những đòn bánh đẹp nhất và ngon nhất của cuộc đời mình.
Những ngày gần Tết, khi mưa xuân rơi êm đềm, những ngày ấy, tiết trời như sắt lại, lạnh hơn, bếp nhà luôn đỏ lửa, ngọn lửa vừa giữ ấm căn nhà, vừa giúp mạ tôi nấu nướng. Những ngày Tết còn xa, mạ tôi nấu những món quen thuộc, mùi thơm bốc lên như xua đi cái lạnh, bữa cơm quây quần, ấm áp trong những hạt mưa xuân vẫn rây đều trên mái. Những ngày giáp Tết, trong ánh lửa đỏ hồng, nồi bánh chưng sôi sùng sục, mạ tôi khều than từ dưới nồi bánh để rim mứt, mùi gừng ngào đường thơm nồng tỏa trong không gian át cả hơi lạnh ngoài kia, cái mùi gợi nhớ, gợi thương để trong tâm tưởng tôi cứ nghĩ đó là mùi riêng của những đêm mưa xuân ngày giáp Tết.
Cây phượng cúng cha tôi trồng ở góc sân vẫn nở hoa thao thiết, vài bông rụng trên sân đẫm hạt mưa xuân lại khiến lòng tôi bồi hồi, hoa vẫn nở và rụng như ngày xưa, nở và rụng như đếm bước thời gian khi tôi vẫn còn lưu lạc xứ người, chỉ khác là ngày xưa cha tôi cắt bông để cắm bàn thờ, nay tôi về để cắt cắm lên bàn thờ cha mẹ tôi. Lòng thấy nhớ thương ngậm ngùi!
Về nhà, tôi mới thấy mình như được trở lại ngày xưa, được sống trong những giay phút êm đềm nhất, tìm được sự an tịnh trong tâm hồn. Tôi mới hiểu ra vì sao khi ta vấp ngã hay mỏi mệt trong đời, ta muốn chạy ngay về nhà. Nhà là nơi chở che , giữ gìn ta, là nơi an trú tinh thần sau bao lo toan, mỏi mệt.
Về nhà tôi mới thấy lòng dịu đi, mới thôi quay quắt khi nghe tiếng pháo giao thừa, được sống lại những phút giây Tết xưa dù thời gian có trôi, cảnh vật và cuộc sống có nhiều thay đổi. Tôi đã trở về, tôi đã về!
Lê Phượng