V ậy là một cái tết nữa sắp về. Đào mai khoe sắc, phố phường như được thay áo mới. Mưa bụi, gió mùa đông bắc mang theo cái rét se sắt của tiết Tiểu hàn đưa tôi trở về với những tết xưa trong quá khứ.
Nói là quá khứ nhưng với tôi những kỷ niệm thân thương về tết quê chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Hồi ấy, cuối những năm 70 của thời bao cấp, chiến tranh chống Mỹ vừa mới kết thúc, cuộc sống còn nhiều gian khổ thiếu thốn. Trong dân gian vẫn truyền nhau câu ca: “Nghệ Tĩnh mình ơi trung ương gọi lấy mì” và: “Ta nghe trong nớ ăn cơm là chuyện lạ”. Các mặt hàng phục vụ tết hầu hết được phân theo tem phiếu hoặc bán theo sổ mua hàng công nghệ phẩm của cơ quan, và chỉ dành cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Lực lượng vũ trang đã có kênh phân phối riêng. Dân cũng có tiêu chuẩn gọi là, được phân về các cửa hàng hợp tác xã mua bán các xã.
Với cán bộ công nhân viên chức thì vui nhất là được vài ký thịt, chai rượu bít, vài gói kẹo bánh như kẹo chanh, kẹo sữa, vài bao thuốc lá bao bạc, Điện Biên hay Tam Đảo, gói trà 3-2 là đã sướng rêm. Sang hơn thì có thêm hộp mứt tết, hộp bánh bích quy của nhà máy bánh kẹo Hải Châu hay Hải Hà, Hà Nội có nhãn đề “Mứt Tết” hay “Chúc Mừng Năm Mới” in lồng hình cành đào với những nụ hoa đang khoe sắc. Lòng thầm nghĩ vài ngày nữa được về quê ăn tết với gia đình, với món quà này chắc bố mẹ và các em mừng lắm. Bởi những món này thì chỉ có nhà nào con cái thoát ly đi làm nhà nước thì mới có, còn dân ở nhà thì … chỉ có mơ. Chỉ nghĩ đến đó đã thấy lòng lâng lâng khó tả.
Những ngày giáp tết này dẫu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” nhiều nhà chưa lo đủ, nhưng ở khắp các vùng quê không khí tết cũng đã bừng lên trong các thôn làng ngõ xóm. Trẻ em cũng đã xúng xính trong những bộ cánh mới sột soạt. Người lớn từng tốp từng tốp mang theo dao, cuốc và những bó hương đi tảo mộ mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Chợ Nông quê tôi cũng đã nhộn nhịp tưng bừng cảnh các bà các mẹ mua sắm tết. Nhà có thứ gì ngon ngon có giá như mấy nải chuối chín cây, mấy bó chè, mấy liền trầu, con gà con vịt con ngan hay chục trứng cũng đem ra chợ bán lấy tiền sắm tết. Hợp tác xã cũng đã tổ chức mổ lợn, tát ao để phân thịt cá cho xã viên. Trên các ngả đường thôn rộn rã tiếng chào, tiếng hỏi thăm nhau nào là đã sắm tết được nhiều chưa? Tết nhất đến đâu rồi? Các anh các chị các cháu có về ăn tết không? Đã về chưa? Và có những chuyện xem ra đơn giản đời thường nhưng vẫn khắc sâu trong trí nhớ tâm hồn mọi người đó là cảnh con cái đi tết cha mẹ, để tỏ lòng hiếu thảo biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục. Với quan niệm “Sống Tết chết Giỗ”. Đồng quà tấm bánh chẳng là bao nhưng ẩn chứa trong đó tấm lòng của những người con: thương yêu, kính trọng và sự biết ơn vô bờ. Những nét đẹp truyền thống đó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã kết tinh thành bản sắc văn hoá truyền đời của người dân quê tôi, góp phần làm nên vẻ đẹp, sự huyền diệu thiêng liêng của tết cổ truyền dân tộc. Hân hoan, rộn ràng, háo hức. Đúng là vui như tết!
Hồi ấy trong xóm có hội bạn chưa vợ gồm mấy thằng thoát ly tết về hay đi chơi với nhau gồm tôi, Nguyễn Cảnh Hoàn, Nguyễn Cảnh Thìn, Lê Bình… không phải đi cưa gái mà là bạn chơi đồng cảnh ngộ. Người xưa nói: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu là vậy. Về tết vui nhưng ngại nhất là các ông các bà toàn nhắc và thúc giục chuyện vợ con, chuyện tìm người yêu. Nhất là các bà mẹ, thương các ông các bà lắm nhưng cả bọn chỉ biết cười trừ và đánh trống lảng. Nhà tôi khi đó cũng có một chú em trai đi bộ đội chưa vợ, tuy cũng đã cấp chỉ huy, nhà bạn Hoàn, bạn Thìn cũng vậy, mỗi nhà một cặp trai lừng lững, các bà càng thêm lo. Bà Vỹ mẹ bạn Thìn vốn là người họ Lê nhà tôi lấy chồng họ Nguyễn Cảnh nên tôi gọi bằng O. Mỗi tết đến chơi bà toàn nhắc chuyện ấy, còn giới thiệu cho đám này đám nọ, toàn các em xinh và đảm. Có khi O còn dùng chiêu khích tướng kiểu nhìn bay đứa mô cũng đẹp trai sáng láng vậy mà kém quá, năm này qua năm khác mà vẫn không tìm được vợ, mần choa ngóng mãi, buồn. Trong xóm trong làng thiếu chi con gái nỏ lẽ chịu à? O nói thật nỏ gái mô bằng gái quê ta mô, “nếp rền hết láng giềng chuộng, ruộng tốt hết anh em cày” các con ạ. Thật vai thật thột, gấy quê là nhất. Ngồi một lúc nghe O dượng phân giải và làm chén rượu vài cái kẹo chúng tôi lại kéo nhau sang nhà khác. Mấy chú em tuy cũng đã đến tuổi nhưng vì đang trong quân ngũ nên cũng ít có điều kiện tham gia, mà có muốn tham gia thì ngồi với các bậc đàn anh cũng chẳng dám mở miệng.
Phải qua trên dăm cái tết phòng không như vậy trong nhóm mới có thằng tìm được vợ, kể cũng kỳ công. Tôi là người nổ phát súng đầu tiên. Nàng, gái Đô Lương nhưng thuộc vùng hạ huyện, cũng dân nhà nước. Cưới vợ xong thấy tự tin hẳn và cũng ra dáng người lớn hơn. Đi chơi không sợ O mắng nữa. Thậm chí còn được khen. Chả là hồi đó sau khi cưới xong tuy là dâu mới nhưng bà xã tôi cũng “xung phong” quảy quang thúng đi nhận rơm ở kho hợp tác như thật, mẹ tôi thương con dâu chưa quen việc nên đi cùng. Nàng mặc áo màu xanh da trời tóc tết đuôi sam đến nhận phần rơm và quét tước sạch sẽ gọn gàng như bao cô thôn nữ ở quê, vẻ thành thạo. Mà nói thật suất rơm hồi đó quý lắm, bởi trong rơm còn có khá nhiều thóc lẫn trong đó cho nên gánh rơm mà phải đeo thúng. Mọi người không biết rằng tuy thoát ly nhưng nàng vốn con nhà nông nên việc đồng áng rơm rạ với nàng không có gì là xa lạ. O bảo O nhìn con nớ (bà xã tôi) được đó con ạ, ngoan hiền và đảm. Mày giỏi. Không biết O khen thật hay đây lại là chiêu khích tướng để cậu Thìn con trai O nhìn đó mà noi theo. Tết đó dù đã cưới vợ nhưng tôi vẫn xin nàng đi chơi với nhóm bạn cũ với lý do không đi chúng nó lại bảo có vợ quên bạn. Tuy vậy không chơi khuê như các năm trước. Tôi có vợ cũng thêm cái cớ để các bà mẹ thúc giục con trai mình. Hễ gặp, các bà lại cứ ca bài ca muôn thuở. Các bạn lại đánh trống lảng, còn tôi thưa với O là chuyện vợ chồng là cái duyên cái số O ạ, chuyện khi mô đến thì nó đến, muốn mau cũng nỏ được, O đừng lo.
Hồi ấy, làng quê chưa có điện, nói chi ti vi với in tơ nét… nhưng tết quê tôi làng nào cũng có cây đu, trò này chơi từ cuối chạp cho đến ngày Khai hạ và nó thu hút nhiều người xem nhất, kể cả nam phụ lão ấu. Đám thanh niên đi xa về chưa chồng chưa vợ cũng thường tụ tập tại đây. Ngoài ra còn mấy bàn cờ thẻ cũng hút khá nhiều tao nhân mặc khách, vì đó là thú chơi tao nhã trí tuệ. Tục ở quê tôi trưa 30 tết đã làm mâm cỗ cúng gia tiên. Sáng mùng một chào cờ tại trụ sở uỷ ban xã. Trưa cúng nhà thờ họ. Chiều đá bóng tại sân vận động giao hữu với các đội xã bạn đã lên kế hoạch trước. Sáng mùng hai tết yến lão, tức mừng tuổi tập thể các bậc cao niên. Chiều chơi vật cù giữa các làng trong xã. Trò này chơi ngay trên những ruộng mạ ruộng khoai đã được san phẳng trước cửa Phủ thuộc Phong Diên, vùng trung tâm xã. Thanh niên chia nhau thành hai đội thi đấu với tinh thần thượng võ tranh nhau quả cù bằng gộc chuối hột rồi chuyền tay nhau chạy bỏ vào cái hố coi là lỗ gôn bên đối phương. Thắng thua không quan trọng, vui là chính. Trời khô ráo còn đỡ, gặp năm mưa phùn thì người lấm lem như trâu nẹp. Nhưng được đông đảo người xem reo hò cổ vũ cho cả hai đội, rất vui. Chơi mệt nhưng nhiều người vẫn ham. Tác giả bài viết này cũng đã từng tham gia mấy trận nên nhớ mãi. Sáng mùng ba toàn xã tham gia tết trồng cây, cũng coi như là hội xuống đồng luôn thể. Cây con được lấy từ trại giống của các cụ phụ lão. Người đi xa về vẫn tham gia cổ vũ phong trào và cũng là dịp gặp gỡ giao lưu anh em bè bạn. Ba ngày tết đến đây coi như kết thúc. Cán bộ công nhân viên chuẩn bị trở lại cơ quan. Học sinh thì sáng mùng năm đi học. Tuy vậy lác đác vẫn còn có những đoàn dăm bảy người đi mừng thọ hoặc thăm anh em bà con ở những xóm làng xa mà dân quê tôi hay gọi là “đầu xuân đi phá ổ lá dong”.
Tết đã khép lại nhưng không khí tươi vui và dư âm của nó còn đọng mãi có khi đến hết rằm, thậm chí đến hết cả tháng giêng. Trong những buổi chợ hay buổi làm đồng các bà các chị vẫn còn bàn tán râm ran chuyện tết.
Đường về quê hồi ấy cũng khó đi lắm, toàn đường đất, gặp năm trời nắng còn đỡ chứ có năm mưa dầm gió bấc kéo từ tháng chạp đến ra tết, đường trơn như mỡ, xe ngã lại dựng lên đi tiếp. Từ thành phố về quê trên 50 cây số thì chỉ có 13 cây từ Vinh đến Quê Bác là có đường nhựa còn nữa toàn đường đất ổ trâu ổ gà lởm khởm. Với chiếc xe đạp Thống Nhất có khi bùn gắn vào gác đơ bu và hai bánh xe đặc quánh dẻo quẹo gỡ không ra đẩy cũng không được, nhưng vẫn quyết về bời trừ trường hợp phải trực cơ quan, còn được nghỉ không về không được. Không về nhớ không chịu nổi.
Tết là sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối tổ tiên với con cháu, kết nối người đi và người ở nhà. Tết là hồn dân tộc vốn đã thiêng liêng, nó lại càng thiêng liêng hơn với những người đi xa. Ăn tết, chơi tết, và càng ý nghĩa hơn trong thời hiện đại đó là Tết Sum Vầy – Tết Đoàn Viên!