Tôi sớm phát hiện ra tư duy mỹ thuật trong những tản văn của Nguyễn Hiên. Và  cũng từ đó tôi thường đem hành vi, thói quen thường nhật của tác giả để theo dõi đối chiếu mà cụ thể hóa những ảnh hưởng của nó đến tư duy ngôn ngữ, cách thức Nguyễn Hiên biểu đạt trong tản văn…

Một hôm tôi khen: “Em chụp ảnh đẹp lắm!”, cô gái có cái nick name “Gió” đơn giản mà đầy nội lực kia khiêm tốn trả lời: “Dạ. Em chụp theo bản năng chứ lười học lắm anh ạ.” Nhưng điều mà tôi nhận ra ấy đã được chứng minh khi Nguyễn Hiên xuất hiện trong một lễ trao giải cuộc thi “Ảnh đẹp với sách” tại Đường Sách Vũng Tàu.

Vâng, chính cái được gọi là “bản năng” kia sẽ trở thành thế mạnh nếu người nắm giữ nó biết vận dụng một cách thông minh trong sáng tác, bất luận nó ở một thể loại nào, một hình thức nào. Tư duy mỹ thuật vô hình trung tạo cho những tản văn của Nguyễn Hiên có những đóng mở đầy màu sắc, mà tác phẩm “Hình hài của nỗi buồn” là tập hợp những triết luận được khai mở từ tư duy hình khối và màu sắc ấy. Tôi gọi đó kà ký hiệu sắc màu trong một tản văn. Bất luận một tác phẩm văn chương nào cũng cần có những chìa khóa để giải mã nó, mà nếu như một bài tản nào đó không cần người đọc phải giải mã thì đâu có thể nhận dạng được một phong cách? Như thế đâu còn là sự thú vị của văn học?

Nguyễn Hiên trong lễ trao giải tại Đường sách Vũng Tàu

Chiều dài tản văn “Hình hài của nỗi buồn” là các giả lập về những hình hài, về những màu sắc của chúng, rồi bằng những liên tưởng thú vị, chân thực đến đôi khi ngây ngô kia lại cho người đọc những kết quả đầy yêu thương, đầy nhân ái, trong đó có cả những khát khao hướng thiện. Các ký hiệu sắc màu càng trở nên rõ rệt khi Nguyễn Hiên “đã bao lần muốn vẽ lại dáng vẻ của nỗi buồn. Đó có thể là đôi mắt đang long lanh ngấn lệ, là khuôn mặt thiếu vắng nụ cười thật sự, là vầng trăng khuyết hao gầy trên bầu trời vắng vẻ, là bông hoa đẫm sương như tôi nói ở trên… Tôi muốn vẽ để tìm cách xóa đi vì nếu nỗi buồn có một hình hài cụ thể, tôi có thể xua đuổi được nỗi buồn nhưng nếu không có dáng vẻ, mông lung và mơ hồ, nỗi buồn sẽ còn mãi ở đó, trở đi trở lại như một niềm ám ảnh dù cho ta có cố gắng xua đuổi như thế nào đi chăng nữa.”…

Cách tư duy giả lập đã cho phép tác giả tự do phát triển các suy luận, tự nhiên và có phần ngẫu hứng trong các lớp lang cảm xúc và dễ dàng bộc lộ được chiều sâu cái tôi của mình. Điều người đọc dễ dàng đón nhận mà không cảm thấy sự khiên cưỡng, hoặc cảm giác rằng những lý sự của trái tim kia đã có sẵn từ một ý đồ mang tính kịch bản.

Các ký hiệu sắc màu đã đánh dấu cho những khai mở tâm thức để cho bài tản cũng trong veo và chứa chan. Giá kể những giả lập và tự luận kia được phát triển theo logic một cách chặt chẽ hơn thì chắc chắn sẽ tiết chế được sự rườm rà đôi khi ở một vài câu, một vài đoạn. Nếu Nguyễn Hiên khắc phục được khiếm khuyết này trong những sáng tác sau của mình thì các ký hiệu sắc màu kia cũng là thứ để một tâm hồn văn chương nương náu tỏa sáng.

Hồ Huy