Gian bếp nhỏ nằm ở một góc phía sau nhà ông bà. Tường bếp xây bằng đá trát vữa với hàng củi xếp cao. Mái ngói đỏ tươi ngày mới lợp theo thời gian đã biến thành màu thâm nâu.

Gian bếp nhỏ chứa cả một tuổi thơ no tròn của tôi. Tôi vẫn như ngửi đâu đây mùi khét lẹt của săm xe đốt nhóm lửa. Tôi vẫn như thấy bếp củi bập bùng những ngày đông giá rét, những ngày mưa ủ dột, những ngày hè nóng oi ả, những ngày tôi còn thơ vụng dại vùi củ khoai nướng trong tro bếp.

Tôi nhớ những hôm chẻ củi rộp phồng tay. Bàn tay tôi thì nhỏ mà con dao thì to quá. Một tay cầm dao đặt ngay trên thanh củi gộc, một tay cầm thanh củi tròn, tôi cố đập thật mạnh vào hai bên sống dao. Cán dao nẩy rung bần bật làm đau bàn tay nhỏ, lưỡi dao theo từng nhát bổ chẻ dọc xuống, thanh củi gộc theo thớ nứt toác làm đôi. Thanh củi chẻ đôi đã nhỏ hơn thì dễ dàng bổ làm ba làm tư. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đỏ hồng. Chiều bố đi làm về, đã có sẵn củi nấu cơm. Chỉ biết rằng nỗi nhọc nhằn làm niềm vui lan tỏa. Lúc đó tôi đâu đã biết, chính khi ta vô tư giúp đỡ người khác thì ta nhận lại chính niềm vui vô tư ấy. Tôi nghĩ đó chính là định luật 3 Newton trong cuộc sống.

Mẹ vắng nhà nên từ nhỏ tôi đã biết thổi lửa nấu cơm. Tôi xếp những thanh củi nhỏ dễ cháy xuống dưới rồi xếp chồng lên những thanh củi to hơn. Gần nhà tôi có hàng sửa xe máy nên tôi thường xin những chiếc săm xe hỏng để cắt nhỏ đốt lên nhóm bếp cho dễ. Những ngày mưa, củi ướt, nhóm bếp đã khó lại còn khói nhiều làm cay xè mắt. Những ngày hè oi ả, thanh củi cháy đượm, nơi phía đầu thanh củi xèo xèo hơi nước sôi những bọt li ti vui mắt. Lửa cháy như reo vui, hoa lửa lóe sáng bật kêu tanh tách theo khói bay lên rồi lụi tàn tạo thành lớp bồ hóng đen óng trên gác bếp.
Nấu cơm trên bếp củi thì phải ngồi canh kẻo cơm sôi tràn nắp vung, phải đảo cơm đều khi sôi cho khỏi bén nồi và giữ lửa liu riu khi cơm đã cạn kẻo cơm lại khê. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ với ống thổi lửa trên tay, tôi thường vùi vào trong tro vài củ khoai lang. Có lúc tiện tay tôi còn rút mấy sợi miến gạo mà hơ vội trên bếp lửa. Lửa liếm qua làm sợi miến phồng lên trắng đục và có khi quá lửa còn bị cháy khét. Nhưng mùi khét của miến gạo thơm dễ chịu. Sợi miến gạo cháy, củ khoai lang nướng ấy làm ấm lòng thằng bé con.

Bạn tới chơi, còn chỉ cho trò ném hành khô vào vùi trong tro bếp. Bóc hết lớp vỏ cháy đen bên ngoài đi thì lớp hành phía trong dậy mùi thơm phức. Tôi ăn ngon lành, nhưng chẳng dám nướng nhiều bởi hành khô trên chạn bếp không có là bao. Sau này đi ăn ngoài hàng phở, tôi thấy người ta cũng nướng hành khô trên bếp than hoa rồi bỏ vào nồi nước dùng để bát phở thơm hơn.

Gian bếp nhỏ, chất đầy củi và mùn cưa. Lửa đã nhóm xong rồi thì đổ mùn cưa quanh bếp để lửa cháy đượm và cháy được lâu. Nhà cô tôi gần đó có xưởng xẻ gỗ nên mùn cưa rất sẵn lại chẳng mất tiền mua. Cứ vài ba ngày tôi lại mang bì chạy xuống đóng mang về. Rồi tiện thể tôi còn nhặt thêm mấy thanh củi nhỏ. Có củi này nhóm bếp cũng dễ mà lại cháy đượm. Mùn cưa không phải loại nào đun bếp cũng được. Loại gỗ tốt thì mùn cưa cũng tốt. Còn gặp phải hôm nào xẻ toàn gỗ kè làm ván cốt pha thì chẳng bõ công, bởi mùn cưa ướt và khó cháy. Bì mùn cưa to, đặt phía sau gác baga chiếc xe đạp rồi chằng buộc dây thun. Tôi một tay giữ chặt bì, một tay cầm tay lái xe, khom người, chân nhích dần từng bước.

Gian bếp nhỏ ấy một lần suýt bị cháy. Một hôm lửa bén theo củi rồi cháy lan lên. May sao vừa cháy tới mái thì trời bất chợt đổ mưa. Thế là gian bếp được cứu. Chứ khi bếp cháy rồi, lại cháy lan lên nhà trên và nhà hàng xóm bên cạnh thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Ông nội tôi bảo đó là điềm lành, nên ông và bố quyết định xây một gian nhà ngói phía trước thay cho ngôi nhà tranh của ba bố con tôi.

Theo thời gian, cuộc sống dần khấm khá lên, tôi không còn phải thổi lửa nấu cơm trên bếp củi nữa. Bố mẹ tôi khi đó đã dành dụm mua được một chiếc nồi cơm điện của Thái Lan. Chiếc nồi tốt thật, nấu bao nhiêu năm vẫn không hỏng. Nấu cơm bằng nồi điện thì cơm dẻo trắng hơn. Nhưng nồi cơm không còn mùi khói bếp, không còn miếng cháy vàng giòn rụm nữa. Ôi chao! miếng cháy ấy mà chấm vào nước thịt kho thì còn gì ngon hơn nữa chứ.

Nhớ đâu đó năm tôi học lớp 9 thì ánh lửa đỏ bập bùng của bếp củi đã được thay thế bằng ánh lửa xanh của bếp ga. Bếp là nơi nấu những bữa ăn cho cả gia đình. Ngày hai bữa ăn là dịp gia đình sum họp quây quần bên mâm cơm. Nên cũng có thể nói, bếp là nơi giữ lửa cho cả gia đình. Bếp là cội nguồn văn hóa, là tình thương mến bao la. Ánh lửa xanh của bếp ga cũng là ánh lửa của sự đổi thay, của sự khấm khá dần lên theo năm tháng.

Lũ trẻ bây giờ nếu có hỏi bếp lửa rơm rạ củi ngày xưa, có lẽ chúng khó mà hình dung nổi. Bởi ngay như trong nhà tôi thì đâu còn bếp lửa, bếp ga. Mà thay vào đó là bếp điện, bếp hồng ngoại, bếp từ. Đâu còn ánh lửa bập bùng. Nhưng cũng may, dịp tết về, chúng vẫn còn được quây quần bên bếp lửa của nồi bánh chưng đặt giữa sân. Thế nên ngoài nồi bánh chưng, món bánh ngày tết của dân tộc, thì bếp lửa cho lũ trẻ biết được hình ảnh của những ngày xưa.

Từ bếp lửa bập bùng trong gian bếp nhỏ ở góc nhà ngày xưa, tới ánh lửa ga xanh trong gian bếp xây mái bằng, tới chiếc bếp điện với quạt hút mùi phía trên trong gian bếp cạnh phòng khách, là một sự thay đổi của cuộc sống sau hơn 30 năm. Đất nước từ thời kỳ đầu mở cửa thoát ra khỏi đói nghèo tới khi kinh tế bùng nổ và hòa nhập quốc tế sâu rộng hơn. Chỉ đơn giản hình ảnh bếp lửa thay đổi theo thời gian cũng hiển hiện cho thấy sự thay đổi của đời sống. Không biết sau bếp ga, bếp điện, bếp từ rồi sẽ còn tới loại bếp nào nữa? Biết đâu sau này bếp sẽ biến mất và thay vào đó là những cỗ máy, những con rô-bốt nấu ăn?

Tôi vẫn nhớ ngày mùa đông lạnh giá, mẹ đi làm về hơ vội tay trên bếp lửa. Bếp lửa ánh lên nét hồng, in cả trên khuôn mặt mẹ tôi.

Lê Sơn