C
ác bạn thân mến! Với mỗi người một người viết lách có lẽ nguồn cảm hứng là yếu tố vô cùng quan trọng trong sáng tạo. Và sự thực thì chẳng có ai không biết điều này.
Nhưng quan trọng là thời điểm ấy diễn ra khi nào, cảm hứng của chúng ta khởi phát ra sao và bằng cách nào để chúng ta chớp lấy nó.
Vốn liếng và kinh nghiệm văn chương của Hồ Huy không nhiều nhưng trong bài viết ngắn này xin được chia sẻ với các anh chị, các bạn về thời điểm Hồ Huy viết tản văn Sủng Là man dại khèn Mông. Điều đặc biệt như chủ đề đã vừa nói ở trên, đó là cách Hồ Huy đón và chớp lấy nguồn cảm hứng bất chợt này ra sao.
Hồ Huy nhớ đây là lần thứ 2 Hồ Huy chia sẻ về chuyện viết văn của mình. Lần đầu thì đã lâu lắm rồi, khi ấy Huy nói “Không có đề tài cũ mà chỉ có cách viết chưa mới”. Và để thuyết minh cho quan điểm này tản văn “Phù sa đàn bà” đã được Huy lấy làm ví dụ…
Trước khi chia sẻ nội dung chính Huy cũng nói với anh chị và các bạn một chút về đề tài miền núi, đề tài các dân tộc thiểu số. Đây là một đề tài rộng, có sức hút rất mạnh đối với cá nhân Hồ Huy. Tản văn Sủng Là man dại khèn Mông sau khi Huy viết và công bố thì nó được rất nhiều anh chị em bạn bè văn chương đón nhận cổ vũ. Có một số mối quan hệ bạn bè, quan hệ văn chương của Hồ Huy cũng mở ra từ chính tản văn này. Điều đáng kể nhất có thể nói đến là nhiều người đã rất thích thú khi thấy Hồ Huy đã sử dụng từ “phập phòe” để mô tả âm thanh tiếng khèn…
Tản văn trở lại với đúng nơi nó sinh ra, lần đầu nó được in trên Văn nghệ Hà Giang và như đã nói, sau đó là những người bạn mới. Người đầu tiên mà tản văn này dắt tay Hồ Huy đến, ấy là nhà văn Chu Thị Minh Huệ.
Thời gian sau tác phẩm cũng được một số báo đăng lại, trong đó có số chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi của tờ Đại Biểu Nhân Dân…
Bối cảnh và những vấn đề hạt nhân trong Sủng Là man dại khèn Mông xoay quanh văn hóa Mông, văn hóa khèn, văn hóa yêu… ở một địa danh mà Hồ Huy đã từng liên tưởng đến sự cô đơn của thế gian.
Nhưng thực sự Hồ Huy không viết ở Sủng Là, Hồ Huy chỉ âm thầm găm những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc vào trí não và rồi luôn luôn đón đợi một lúc nào đó nó sẽ bật ra.
Chúng ta chẳng lạ gì những câu chuyện thời ông bà ta xưa, không ít người đã trở dạ ngày khi đang một nắng hai sương trên những cánh đồng nhà mình, quê mình. Vì hoàn cảnh lúc Hồ Huy viết làm cho Huy liên tưởng đến những hình ảnh như vậy.
Sự thật là Hồ Huy không viết bằng giấy bút, cũng không viết bằng máy tính, vì khi đó Huy đang di chuyển trên một chuyến xe từ Sài Gòn trở về Vũng Tàu. Không thể lý giải vì sao lúc đó những âm thanh những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất với Hồ Huy về miền đất Sủng Là cứ thế tuôn ra trong trí não…
Phải làm sao bây giờ, điều mà mình hằng mong đợi đã và đang xảy ra, cảm hứng, tâm thế và đặc biệt là mạch văn đang tuôn chảy kia… phải làm sao?
Hồ Huy đã nghĩ nhanh rằng nếu chờ khi về đến nhà và yên vị để ngồi vào bàn viết thì khi đó có lẽ Sủng Là chỉ còn như sương khói. Và rồi không đắn đo Hồ Huy đã mở ứng dụng ghi âm tư chiếc điện thoại của mình lên và cứ thế đọc thành lời để thu lại.
Có lẽ hành động và cảnh tượng vừa khôi hài vừa gàn dở khó hiểu ấy đã làm một số người ngồi chung quanh trên chuyến xe nhìn Hồ Huy bằng ánh măt… chưa đặt được tên.
Tất nhiên khi về đến nhà Hồ Huy chỉ việc mở lại bản thu, nghe và chép. Một điều khiến chính Hồ Huy ngạc nhiên đó là Huy chỉ chép ra và đặt các dấu câu thôi, ý tứ và từ ngữ Huy không hề thêm bớt hay sửa chữa một chữ nào. Điều đó cũng để chứng mình với anh chị và các bạn 1 điều rằng khi cảm hứng sáng tạo và năng lượng sáng tạo đủ mạnh, đúng thời điểm là lúc mà chúng ta sẽ gặt hái được những giá trị thăng hoa nhất, tinh hoa nhất của chính chúng ta. Vì thế đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội của chính mình. Nói một câu dễ hiểu như ở trên Hồ Huy đã liên hệ bằng chuyện của những người đàn bà sinh nở trên cánh đồng.
Sau lần đấy Hồ Huy bắt đầu làm quen và rèn luyện với cách viết tâm tưởng. Nó giống như hồi học tiểu học thầy cô dạy chúng ta đọc thầm. Và khi rèn luyện được thói quen này Hồ Huy đã có thể viết trong đầu mình ở bất cứ đâu, ngay cả khi đang làm việc trên boong tàu chao đảo sóng gió, hay cả trong môi trường tiếng động cơ gầm rú hỗn loạn. Nghĩ đến đâu, nhớ đến đó, sửa từng câu hoàn chỉnh trong đầu. Hết giờ làm việc được nghỉ ngơi, hoặc đi hết quãng đường từ nhà đến nơi làm việc và chiều ngược lại thì bấy giờ Hồ Huy lại giống 1 con trâu bắt đầu quá trình nhai lại.
Tất nhiên đó chỉ là câu chuyện của cá nhân Hồ Huy và cho dù mỗi người có thể đón nhận câu chuyện ấy một cách khác nhau, nhưng nó là điều Hồ Huy muốn chia sẻ khi nói về tản văn này.
Sau cùng một lần nữa Hồ Huy gửi đến mọi người Sủng Là man dại khèn Mông bằng một video mà Hồ Huy vừa thực hiện cùng giọng đọc Vũ Bích Hảo ít ngày trước.
Cảm ơn nhà văn Chu Thị Minh Huệ đã chia sẻ với Hồ Huy một vài hình ảnh tư liệu sinh động về thứ nhạc cụ đầy sinh khí này!