“À ơi!
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào thì hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
À ơi!”
Chiều chầm chậm lan trên mặt nước xanh thẳm. Bàng bạc sương khói. Một mảnh thuyền chài lững lờ trôi. Và tiếng ru vời vợi theo nhịp sóng. Trầm bổng, da diết. Tôi tựa vai vào gốc gạo bên sông, lắng nghe những giai điệu vọng lên. Bỗng nhiên thấy miên man bao nỗi niềm.
Trên sông, giọng hát ru vẫn bay ra, hòa trong tiếng gió lùa đám lá ngô xào xạc. Tôi như nhìn thấy người hát ru bên dưới con thuyền. Dáng nghiêng soi bóng nước, vòng tay âu yếm ôm đứa con bé bỏng. Nhẹ nhàng lắc lư theo nhịp ru êm êm. Giữa mênh mông đất trời, chỉ có mẹ và em, chỉ có hơi ấm của tình mẫu tử tỏa ra từ lời ru ngọt ngào. Cò mẹ lặn lội ăn đêm, trong phút nguy hiểm vẫn chỉ mong đừng làm “đau lòng cò con”. Lời ru thấm tình mẹ và tình đời sâu lắng. Tôi nhìn theo những vòng tròn lăn nhẹ trên mặt sóng. Hình như có một đàn cá khẽ khàng lách mình bên thân thuyền. Vòng tròn sóng nước cứ dài mãi theo tiếng ngân nga dịu dàng. Tôi đã từng thấy người mẹ ấy trên bến sông vào một ngày xuân tươi đẹp. Người thiếu phụ hàng chài trở về sau phiên chợ chiều. Từng bước chân thoăn thoắt trên bãi cát. Hoa gạo đỏ rực triền đê, làm ửng hồng má chị. Màu xanh của nước, của cỏ và bầu trời ánh lên trong mắt. Người chồng tay ôm con, tay gác ván cho vợ bước lên chiếc thuyền chài – căn nhà của vợ chồng chị. Nụ cười của hai vợ chồng và niềm vui của đứa trẻ rộn ràng cả khoảng sông biếc.
Trong lần mải mê theo bước phiêu du ở miền Tây xứ Nghệ, tôi ghé vào một bản làng ven sông khi trời đã nhập nhèm tối. Ánh lửa bập bùng mang theo hơi ấm và mùi xôi chín thơm nồng. Đi hết con dốc, ẩn sau những rặng cây của thung lũng là các nếp nhà sàn nhỏ xinh. Thấp thoáng bóng người bên chân cầu thang. Tôi được người dẫn đường sắp xếp ở ngôi nhà ngoài cùng, nhìn ra nhà sinh hoạt cộng đồng của bản. Đêm ở núi, dường như bóng tối dày hơn và có chút se lạnh. Ngoài trời lác đác mưa. Dòng sông mải mê với khúc hát của mình giữa núi rừng. Tiếng nước reo bên triền đá. Tiếng nước róc rách qua kẽ đá. Tiếng nước ồ ồ từ các guồng tre bên bờ sông chảy vào máng. Thi thoảng tiếng chim gọi bạn cất lên trong đêm. Tĩnh mịch và yên bình quá đỗi. Tôi nằm lắng nghe tiếng đêm, nghe cây lá rì rào và những giọt nước tí tách. Bất chợt âm thanh ầu ơ cất lên từ phía mé sông. Giai điệu của lời ru. Tôi ngồi dậy, mở rộng cánh cửa sổ. Tiếng ru òa vào, như mừng vui, như trìu mến:
“Non xía nơ là ới, ói ới nha hày
Mế đầy dủ laz mế chẳng bải nơ
Mế đầy dủ đái kín đái chẳng ùm
Chẳng tùm phà lai noiz chẳng cỏm ói non
Non tẻ xâuz cừ họt chơ ngai
Non tẻ xái cừ họt chơ cặm
Ự, ừ, ư, ừ, ưz ….”
Trong đêm, âm thanh tiếng ru hòa cùng tiếng nước ngoài sông. Vừa quen thuộc vừa là lạ. Tiếng người mẹ ru con đầm ấm. Tiếng nước đa thanh hơn. Tôi hình dung cái âm trầm đục ấy chắc là nước đang đi qua một dải đá cạn, đáy thuyền sẽ chạm sàn sạt vào đá; âm thanh như đang sôi lên ấy là nước đang bị cuốn vào một cái vực ngầm nhỏ dưới đáy … Tiếng ru thả từng nhịp trên dòng sông, bay đến từng bậc cầu thang nhà sàn, gom lại dưới tán lá rừng trong bóng đêm đen thẫm. Tiếng ru làm người ta hình dung thấy cả lời dặn dò của mẹ dành cho bé yêu:
“Ngủ đi con đừng khóc
Mẹ được ở nhà mẹ mới bế nhé
Mẹ rảnh chân, rảnh tay mẹ mới bồng
Mới đắp chăn hoa mới đặt con nằm
Ngủ từ sớm tới trưa
Ngủ từ trưa tới chiều …”
Giấc ngủ của bé là giấc ngủ để lớn. Mẹ cũng phải rảnh tay, rảnh chân mới bồng bế được. Tôi cứ ngồi bên khung cửa sổ mở ra như thế, lắng nghe lời ru giăng kín gian nhà, nghe giai điệu thân thuộc ấy chạm vào âm thanh của núi rừng vọng lại. Người già trong nhà thấy tôi còn thức, bước lại: Ngủ đi chớ! Bên nhà ấy có em bé nên đêm nào cũng phải hát ru. Nhưng mà cả bản ai cũng thích vì mẹ của bé là người hát ru hay nhất đấy con ạ!
Người già ngồi ghé lại bên tôi, nhẩm theo bài hát ru đang vọng vào:
“Ngủ như vịt ngủ chuồng nhé con yêu
Ngủ như nước ngủ trong hồ
Ngủ đi nhé con ơi…
Mế oiz nhăng páy hạy tín phá
Mẹ con đang đi rẫy dưới chân núi
Mẹ con đang đi ruộng cuối bản nhé con yêu…
Mẹ đi rẫy mới lấy trứng chim về cho
Mẹ đi ruộng mới lấy trứng cá về cho
Mẹ mới bắt chim non về cho nhé con yêu.
Ngủ đi nhé con ơi…
Con gà con dưới sàn cũng ngủ rồi nhé
Ngủ như con ve ngủ chiều
Như rễ cây non ngủ ở núi cao nhé con ơi …”
Đêm đã về khuya, tiếng ru nhỏ dần rồi ngừng lại. Bên ấy chắc em bé đã ngủ say. Tiếng chim cũng không còn thổn thức nữa. Chỉ còn dòng sông vẫn mải miết chảy về xuôi, vẫn reo vui khi vượt qua bao ghềnh đá để tìm về với nơi đang đợi chờ nó. Âm điệu của tiếng ru trôi trong giấc ngủ mơ màng vì lạ nhà của tôi. Bé con ngủ say để mẹ đi rẫy, để mẹ làm ruộng. Mẹ đi làm sẽ mang về cho bé nhiều thứ ngon lành. Ngủ đi con yêu nhé! Cả một vùng núi non, bản làng bồng bềnh trong lời ru. Này ruộng, này rẫy, này bản, này chim núi, cá mương … đều thấp thoáng trong lời ru của mẹ. Nhiều việc lắm, chưa rảnh tay rảnh chân đâu nhưng lúc về mẹ sẽ có nhiều thứ cho bé. Hãy ngủ ngoan nhé con yêu! Tôi như thấy hình ảnh của mẹ lúc mình còn nhỏ. Mẹ thường kể, mẹ hay đặt tôi lên đầu gối mình, lắc lư và hát ru hết bài này sang bài nọ. Còn tôi, mở tròn đôi mắt, yên lặng nhìn mẹ cho đến lúc ngủ say. Sau này, như thói quen thuở ấy, cảm giác của tôi khi nghe những lời hát ru vẫn luôn ngọt ngào và bình yên.
Bên triền sông, hoa gạo đỏ in trên thảm cỏ xanh mướt. Con thuyền đã khuất sau khúc quanh bạt ngàn cây lá. Tiếng ru vẫn phảng phất trong gió. Giữa những tiếng cá quẫy, trong tiếng nước rì rào. Những năm tháng bôn ba với cuộc đời dâu bể, có lẽ con người vẫn muốn đằm mình trong tiếng ru của mẹ, đằm mình trong những giai điệu của thuở ấu thơ. Khoảnh khắc ấy, có lẽ là khoảnh khắc an yên nhất trong đời mỗi người. Phải chăng vì thế các bài hát ru, câu hát ru vẫn được những người bà, người mẹ cất lên khi vỗ về cho con cháu mình. Và khi giai điệu của những bài hát ru được cất lên, lòng người lắng lại, tâm hồn được gột rửa, thánh thiện, tinh khôi như thuở nhỏ. Để rồi qua bao đổi thay, câu hát ru vẫn được ghi nhớ và hát mãi cùng thời gian.
Trần Thị Hồng Anh