T ôi đọc tản văn anh nhiều, từ Quán Chiêu Văn rồi Tản Văn Hay và nhiều bài báo khác nữa. Chỉ thoảng khi trao đổi trên mạng xã hội bởi khoảng cách là nghìn trùng chân mây. Nhưng, vẫn quý nhau qua câu chữ. Nên khi anh gửi tặng cuốn tản văn “Sông Hồng hát”, tôi nghĩ mình phải chọn một lúc nào đó để đọc, không thể vội vã, bởi tôi tin với một người viễn xứ khi viết về cố hương là tấc lòng đã ngấm những dâu bể xa khơi. Ngấm, và nén chặt để khi trải ra bằng câu chữ nó thao thiết và khắc khoải.

Tôi chọn mùa này để lần giở tập tản văn bởi nó đã là chạp. Là thời khắc mà lòng người cô lữ hay hoài vọng những bước trở gót về lại với đất mẹ. Như chính tiếng thốt lên đầy day dứt trong bài “Hương Tết quê xưa”: Con muốn được thấy lại hương Tết quê xưa…

32 tản văn gói gọn trong 170 trang giấy chỉ như một phần của nỗi vọng quê thèm xứ của một người đã định cư nước ngoài, tạo dựng một gia đình và bận bịu công việc. Ngày về đôi khi tính bằng quãng ngàn ngày, chứ chẳng thể dễ dàng như một chuyến xe để nối liền hai miền không gian.

Lê Minh viết tản bằng một kí ức của người đã đi qua quá nửa hành trình cuộc đời. Trải nghiệm dày lên trong tâm thức, và chính trải nghiệm đó khiến nỗi nhớ chất chồng lên cao vợi trong tâm khảm người đàn ông này. Chọn tản văn “Ngôi nhà xưa” để mở đầu cho tập sách của mình là Lê Minh dụng ý nhắc nhớ khởi đầu của chuyến đi, cũng như là sự dẫn dắt bằng câu chữ, độc giả sẽ đi cùng anh trên chặng hành trình hoài niệm này. Chặng hành trình ăm ắp những kí ức. Mỗi kí ức đều có một giá trị nhất định trong cuộc đời này. Riêng với Lê Minh, tôi nghĩ kí ức Hà Nội trong anh như ngọn lửa sưởi ấm anh trong những tháng ngày bôn ba xa xứ.

Văn cũng như người, tôi luôn tin phía sau câu chữ là lấp lánh hình ảnh của người viết ra nó. Trầm mặc trong cách xây dựng không gian của các bài tản văn thể như anh đưa người đọc quay về những biên niên sử của phố, của làng, của Hà Nội và cả chính mình. Ai cũng có cho mình một biên niên sử ghi lại cuộc đời. Chậm rãi kể lại những kí ức như một gã trai trung niên thong dong bên tách trà giữa lòa xòa tuyết trắng, hứng từng bông tuyết mà ngỡ đó là đào, là mận, là sữa của đất Hà thành. Nồng nàn trong cách diễn tả cảm xúc, như chính tháng tháng năm năm khắc lên hình hài gã đàn ông độ phong trần nhưng đầy quyến dụ. Nhưng tổng thể là sâu lắng, như lúa chín biết gục đầu, như người xa quê biết thương xứ, như câu chữ biết thương kí ức, và người viết biết thương người đọc. Thương tràn trên các bài tản văn. Thương nên nắn nót, tỉa tót và cẩn trọng đem đến những câu chữ ưng bụng mình nhất.

“Khi hạt phù sa bật khóc, là lúc con vừa rời lòng mẹ. Hoe đỏ như bùn non, nhuốm phù sa sông Hồng. Từ đáy sông, con mang trong mình cuộn trào, những khát khao và cả những ngọt ngào của dòng sông đang hát…”. Đoạn mở đầu của bài tản văn “Sông Hồng hát” dạt dào cảm xúc, có thể nói đây chính là lối viết đặc trưng dễ nhận biết của Lê Minh. Anh luôn trau chuốt những câu văn và biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ bằng các động từ. Nhưng, cái cơ bản để nhận ra văn của Lê Minh nhất chính là sự cảm thán bằng tiếng gọi. Tiếng gọi cất lên tận tâm can của một người thao thiết nhung nhớ. Của kí ức dội về. Của trái tim rung cảm. Hơn hết là của chính một con người vẫn đau đáu về quê hương cội nguồn. Bài tản văn nào của anh của cất lên tiếng gọi, tiếng gọi đánh động vào người đọc, truyền đi một ý niệm. Câu chữ kì thực lúc bây giờ chỉ như một phương tiện nối liền người viết và độc giả.

Tôi chọn đọc tản văn của một người viễn xứ trong khoảnh khắc khắp dải đất chữ S đang xôn xao mùa sum vầy là có ý. Bởi tôi biết, đất nào cũng luôn là ở, chỉ có quê mới là nơi mình về. Tôi tìm đâu đó trong câu chữ Lê Minh những vọng cố xứ trong bước thiên di và tôi thấy: “Liệu có còn thức giấc hạt mầm ngày đó, khi mùa về cứ bỡn cợt trên mái tóc của ta?” – Trích Ngôi nhà xưa.

Tôi tin hạt mầm luôn nảy nở trong tim Lê Minh và mùa sẽ thôi không bỡn cợt khi trái tim Lê Minh biết hát lời sông chảy về đâu?

Tống Phước Bảo