Cứ như là hẹn trước. Mỗi dịp xuân về, trong nhà đào Tết vẫn còn đương nở, thì ngoài ngõ xóm lại xuất hiện hình ảnh những chiếc xe đạp chở hai sọt tre và tiếng rao văng vẳng quen thuộc : “Ai mua muối không” hoà quyện vào không gian yên bình.
Từ xa xưa các cụ đã quan niệm: “Muối là sự kết tinh ngưng đọng của nước biển mênh mông không xú uế. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, hạt muối mua đầu năm là hạt muối lộc”. Vì vậy trong giao dịch mua bán thì hai bên đều vui vẻ, nói cười, hỏi thăm, chúc nhau sức khoẻ bình an phát tài. Người “Bán cái mặn mà” thì không so đo tính toán, tay nhanh thoăn thoắt cơi thêm cho ống muối thêm đầy có ngọn. Người “Mua cái may mắn” thì không kì kèo trả giá, hào phóng mừng tuổi thêm đồng tiền lẻ dư thừa, không cần trả lại.
Muối thể hiện sự no đủ. Một số triều đại phong kiến kiểm soát chặt chẽ muối, coi muối là thứ yếu chiến lược và xây dựng hẳn kho dự trữ bảo quản. Nước ta không có mỏ muối, muối chỉ được sản xuất tại một số vùng có bờ ven biển thoai thoải, nên thời kì nhà Hán & Pháp đã dùng chính sách độc quyền phân phối muối để cai trị bóc lột dân ta.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thì muối cũng đã đi vào ca dao, dân ca, tục ngữ, những câu thề nguyền hẹn ước. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường chắc hẳn nhiều người đã thuộc lòng bài ca dao dễ nhớ:
“ Muối đã mặn ba năm còn mặn
Gừng đã cay muôn thủa còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Cổ nhân thật là tinh tế khi lấy hình ảnh tượng trưng mộc mạc để nói lên tình cảm vợ chồng “ Đôi ta” qua những gian nan vất vả mà vẫn sâu đậm, chung thuỷ keo sơn khăng khít “Tình nặng nghĩa dày”. Rồi cả câu tục ngữ :
“Cá không ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”
Hình tượng không cầu kì mà gẫn gũi, đó cũng là đạo lý ứng xử căn bản, đúc rút từ kinh nghiệm sống để nhắc nhở: “Phải kính trọng, vâng lời, lắng nghe cha mẹ dạy bảo khuyên răn cho đúng bổn phận”. Con cái cãi lại, trái lời cha mẹ giống như cá mà không được ăn muối, sẽ trở thành thứ hư hỏng, bỏ đi, khó có thể trở thành người tốt được .
Trong âm nhạc, muối cũng đi vào lời nhiều bài hát. Nổi tiếng nhất có lẽ là ca khúc “ Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” với câu từ tha thiết. Mỗi ca từ cất lên bằng tất cả tình thương gắn bó, trân trọng tự hào. Đó cũng là lời mời, nhịp cầu kết lối bè bạn bốn phương, chắt chiu từ những điều giản dị:
“Những cánh đồng muối trắng
Tình sâu mấy nghĩa nặng”
Hạt muối cũng gian nan vất vả ví giống như thân phận những người dân nông nghiệp quanh năm phơi nắng phơi gió trên những ô ruộng nghèo mà dâng hiến.
Trong tâm linh muối cũng là vật phẩm dâng cúng cùng gạo và nước. Muối dùng trong phong thuỷ thu hút tài lộc, làm sạch không gian sống, chống năng lượng tiêu cực. Cũng nhờ duyên với hạt muối mà người con gái Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh tại trang Quang Lang vùng đất Thái Bình lên duyên cùng đức vua Trần Anh Tông được phong làm Tam Phi, sau được sắc phong làm Phúc thần với tên gọi quen thuộc là bà chúa Muối. Phủ Bà Chúa Muối hiện lưu giữ hai bức cuốn thư cổ “Tinh hoa của Trời”, “Trí tuệ của Đất”, ngụ ý chất tinh túy
của Trời và Đất kết tinh trong hạt muối Tam Đồng.
Muối là nhu yếu phẩm rất quan trọng đối với sức khoẻ. Con người không thể sống nếu thiếu muối. Muối dùng hàng ngày, bổ sung vi chất+vi lượng trong mỗi bữa ăn và muối dùng trong y học. Muối được coi như “Thần dược” là khoáng chất giúp chuyển hoá rất nhiều chất cân bằng điện giải, thanh lọc độc tố trong cơ thể. Ngày trước những vùng sâu xa hẻo lánh, đường xá đi lại khó khăn, muối khan hiếm và đắt người ta phải tạo ra muối tro bằng cách đốt tre, tranh, lứa, lồ ô bảo quản cẩn thận để ăn cả năm cho có vị mặn. Ở nước ta hiện nay một số tỉnh được nhà nước có chính sách hỗ trợ, trợ giá đối với mặt hàng muối cho vùng cao. Đó là chính sách thiết thực mang lại những hiệu quả nhất định giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Muối cũng là hạt tình nghĩa trong văn hoá ứng xử. Có lần tôi đọc bài viết “Nhớ thời cái nắm chặt tay, cắn đôi hạt muối”có lời phỏng vấn của ông Ngô Văn Thức cựu tùi chính trị Côn Đảo ở Mĩ Tho nói : “Hạt muối cắn đôi là chuyện thiệt đó nghe, không phải hình tượng chi cả”. Ông kể về những đợt tuyệt thực, không phải là bụng đói chân run mà chân tay cứ lả dần, đầu óc cũng mụ mị, mơ màng, máu huyết hình như mỗi phút mỗi khô cạn… “Khi đó, người bạn nằm bên cạnh giấu đâu đó được hạt muối, đặt lên đầu lưỡi cho mình liếm qua. Muối mà thấy ngọt như đường phèn. Chỉ thế thôi là đủ để cứu mạng.”
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận định “Gạo và muối là an ninh lương thực Quốc gia”. Đúng vậy, không nói đâu xa, ngay trong gian bếp gia đình thì muối đã giữ vị trí quan trọng đứng thứ 2 sau gạo, là linh hồn của ẩm thực. Với nghệ thuật chế biến người ta khéo léo biết dùng muối để bảo quản lâu hơn sản vật: Cà muối, dưa muối, cá tôm ướp muối để làm mắm … Tôi còn nhỡ những con tôm rang bọc muối trắng hay những đáy xoong phủ dày một lớp muối. Đó là tính cẩn thận, ăn uống đơn giản dè sẻn trong ý thức từ thời kỳ khó khăn gian khổ. Việt Nam là nước nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt thì thiên tai khắc nghiệt nên ác cụ đã đúc kết từ bao đời, phòng xa: “ Khi có thì chẳng ăn de, đến khi lúc hết thì dè chẳng ra” Để dành lo công to việc lớn mà những việc lớn đó là xây nhà “Đầu năm mua muối- cuối năm mua vôi”(Mua vôi xây nhà)
Ngày nay hạt muối đã được đi sâu về nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất chế biến, qui hoạch lâu dài. Hạt muối được nâng tầm thành mặt hàng xuất khẩu vươn mình toả khắp năm châu với đa dạng chủng loại: muối ăn, muối làm đẹp, muối chăm sóc sức khoẻ…. Trải qua bao thăng trầm những diêm dân đã kiên trì gìn giữ phát triển và nhiều người đã giàu lên từ hạt muối. Thương hiệu muối đã bay cao bay xa, khẳng định vị thế vững chắc trên thương trường hội nhập. Nghề truyền thống làm muối sẽ là di sản quốc gia, trường tồn mãi mãi.
Qua hình tượng hạt muối mộc mạc gần gũi và mỹ tục mua muối đầu năm. Tôi thấy cha ông gửi gắm vào đó khát vọng vươn lên, niềm tin tươi sáng cho sự khởi đầu như những ngày xuân mới. Hạt muối màu trắng tinh khôi sạch sẽ là kết tinh của đại dương, chuyển từ mặn chát thành thơm, cứng thành mềm rồi tan hoà vào tất cả. Hạt muối biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn chung thuỷ, hướng đến đạo lý, ước mơ thuận lợi no đủ, chứa đựng ý nghĩa văn hoá thiêng liêng ngay từ những thứ nhỏ nhất từ cuộc sống quanh ta.
Duy Dương