Lâu rồi không về thăm quê cứ ngác ngác ngơ ngơ như nghé con lạc mẹ. Làng quê đổi thay đến lạ. Những con đường láng xi măng phẳng lừ, nhà cửa hai bên san sát rực rỡ sắc mầu. Hương cây, hương hoa quẩn quanh trên mái ngói. Đã qua rồi những ngày mưa dầm gió bấc. Đã qua rồi những ngày rét thâm môi tím mặt. Mùa đông trọ nhờ một đêm như người lữ khách. Tháng hai đã về, nắng mỏng như tơ dịu vàng mặt đất, bồng bềnh trên tầng cây đang chuyển mầu xanh ngây ngất.

Người xưa bảo: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc”. Tôi hỏi mẹ: “Con không hiểu”. Mẹ tôi giải thích: “Tháng giêng tuy là mùa xuân vẫn còn rét lắm. Hoa rụng hết cánh trơ đài để chuẩn bị vào quả. Sang tháng hai rét chỉ còn se se, không gian ẩm ướt rất thuận lợi cho sự sinh sôi của cỏ cây”. Có lẽ mẹ tôi nói đúng. Tháng hai lúa vào thì con gái, khoai vào thì nuôi củ. Những hạt mưa tháng hai đã nặng hơn, to hơn giăng thành sợi nối trời với đất. Tiếng mưa rơi thánh thót ngân nga như khúc ca yên bình chan chứa.
Tháng hai với cái rét tê tê đủ làm cho người ta thêm đẹp. Một cái áo gió, một tấm khăn mỏng tang khoác hờ hững trên vai khiến người thiếu nữ thôn quê má thắm môi hồng. Ta tưởng như lạc vào một thế giới toàn ngọc nữ tiên đồng. Đàn chim di trú ríu rít trở về. Đã nghe tiếng cá đớp tom tõm, tiếng tôm búng lao xao mặt ao trong đêm vắng.

Tháng hai mẹ tôi vác cái cào ra làm cỏ lúa. Những sợi tơ nhện giăng trên lá lúa cong cong ướt đẫm sương đêm, nhưng không còn buốt giá như mùa đông. Không gian trong vắt như đẩy trời và đất xa nhau. Mùi thơm của lúa non, mùi ngai ngái của bùn như có như không. Buổi chiều tháng hai theo chân mẹ về đến tận bếp nhà. Ngọn lửa rơm bập bùng. Mùi thơm từ ngọn rau con cá lúc làm cỏ bắt được tỏa lan. Vài con cá trê nhỏ om với rau cần nhà trồng đãi khách. Một bữa cơm dọn vội mà tưởng như được thưởng thức bao nhiêu hương vị của đồng quê. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng người phố thị chắc gì được một lần thưởng thức. Tháng hai ở làng tôi là thế nhưng lại làm lòng người thật nhớ thật yêu.

Tháng hai không e ấp lộng lẫy như tháng giêng mà rộn ràng phơi phới tràn đầy sức sống, ngọt ngào tình tứ, ấm nồng hơi thở. Mỗi ngày trôi qua cỏ cây như xanh hơn, thẫm mầu hơn. Tháng hai ngày như dài hơn. Mảnh trăng non đầu tháng mảnh và mềm như một nét vẽ. Dạo trên đường làng mùi hoàng lan nồng nàn khiến tâm hồn thư thái ấm áp. Bất chợt tiếng gáy re re của một chú dế mèn cất lên dưới bụi cỏ ven đường, lòng bỗng dưng nôn nao. Ký ức tuổi thơ bật mở: Mùa chọi dế đã về.

Ngày ấy, những buổi trưa lũ trẻ chúng tôi không ngủ, đi lang thang ngoài vệ cỏ bờ ruộng tìm bắt dế. Tổ dế tìm rất dễ. Một dúm đất mịn và nhỏ đùn lên. Gạt lớp đất ấy, một cái lỗ nhỏ hiện ra. Chúng tôi dùng tất cả những gì có trong tay múc nước đổ vào. Nước ngập. Những ánh mắt trẻ thơ mở căng hồi hộp và hy vọng. Trái tim bé nhỏ trong lồng ngực như lạc nhịp. Thoáng chốc, hai sợi râu cong vút cùng cái đầu nâu bóng xuất hiện. Chú dế bị ngạt nước phải xộc lên. Đôi mắt nó láo liên đầy vẻ cảnh giác. “Sập”. Một thanh nứa nhỏ cắm xuống chặn đường lùi của dế. Chú dế hốt hoảng lao nhanh ra khỏi hang. Chúng tôi hò reo đuổi theo. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi đó là một chú “dế cụ”. Những chú dế này cho uống vài giọt rượu sẽ đá nhau chí chết trong sự cổ vũ của chúng tôi.

Tuổi thơ của chúng tôi vụt bay đi khi khói lửa chiến tranh lan tới. Đêm đêm nằm phục kích chờ giặc, nghe tiếng dế râm ran lòng nhớ làng quê da diết. Tiếng gáy của dế không hay, không mượt như loài chim, không lan tỏa âm vang như tiếng sáo diều. Mà nó như đang trải lòng với bao niềm sâu lắng cất lên từ đất khiến bao trái tim như tan chảy.
Ngày trở về tôi mang nặng tình quê ra phố. Trong đêm yên tĩnh một tiếng dế gáy re re dưới tầng tầng lớp lớp bê tông vĩnh cửu, lòng kẻ ngụ cư dấy lên muôn nỗi xót xa cho thân phận nhỏ nhoi của chú dế mèn.

Tháng hai chuẩn bị cho mùa soi cá, soi ếch. Những cây đèn, cây đuốc của cha tôi chỉ chờ mưa rào đầu mùa là bắt lửa. Những chú ếch ra khỏi hang tìm đôi, tìm cặp bắt ánh lửa ngồi im như tượng gỗ chờ người đến “nhặt”.

Cái đẹp của làng quê vào những ngày rét lộc hồn nhiên phơi phới, lòng người như muốn sống chậm lại, muốn thể hiện tình cảm của mình với những ngày xuân sắp cạn. Nhưng thời nay mấy ai sống chậm được khi phải đối mặt với cơm áo gạo tiền. Ngày xưa vào những ngày này mẹ tôi thi thoảng lại thở dài với nỗi lo ngày giáp hạt. Vẫn biết không thể lấy quá khứ so sánh với hiện tại. Như thế là khập khiễng, là chủ quan. Nhưng tôi lại yêu cái khập khiễng cái chủ quan ấy như trai gái yêu nhau, như vợ yêu chồng, như con yêu mẹ.
Xin đừng hỏi vì sao ngày xưa kham khổ là thế, niềm vui nhỏ nhoi là thế mà vẫn yêu vẫn quý. Khối người cao tuổi hôm nay thường kể lại cho con cháu nghe những ngày giáp hạt đói hoa mắt, như muốn nhắc nhở lời tâm huyết: “Được mùa chớ phụ ngô khoai”. Cuộc sống hôm nay tươi đẹp và tồn tại được là bởi những tình yêu như thế.

Nguyễn Sỹ Đoàn