Nhà tôi đã ăn Tết ở Hà Nội cũng đã hai chục năm rồi. Nhưng Tết nào cũng ấm áp, thân thương cái không khí sum vầy như ngày còn ở quê. Vẫn những chiếc bánh chưng nghi ngút khói được vớt ra từ bếp củi, vẫn hàng xóm í ới gọi nhau, trải chiếu tụ tập những ngày cuối năm. Hồn Tết vì thế còn mãi dù tốc độ phát triển của đô thị có nhanh đến chóng mặt.
Quãng hai lăm, hai sáu Tết mẹ sẽ về quê lấy lá dong hoặc ra khu Trần Quý Cáp mua lá. Sát Tết, trước cửa ga Hà Nội cổng Trần Quý Cáp người ta chở về từng xe tải lá. Lá xanh mướt mát được xếp khắp nơi. Lá chuối, lá dong đủ loại, đủ kích cỡ. Người bán hàng cũng có sẵn những bó lạt đã được tước mỏng sắp thành từng túm nhỏ phù hợp với người bán. Mẹ thường mua cả lá dong loại to và loại nhỏ. Lá to gói bánh để bày bàn thờ, mang đi biếu, lá nhỏ gói bánh vừa ăn hay cho mấy đứa trẻ con làm quà cho thích.
Lá mua về mẹ tôi thường rửa sạch rồi bọc ni lông để ở góc sân qua đêm hoặc một, hai ngày mới gói cho ráo nước. Để bánh đẹp mẹ tôi cũng mua cả lá dong riềng để xay lấy màu nhuộm gạo nếp. Củi thì trong năm khi nhà nào bỏ đi đồ gỗ cũ từ cánh cửa đến dát giường mẹ đều xin tích dần. Nhà tôi vốn ở khu tập thể, các hộ gia đình ở đây đã gắn bó với nhau nhiều năm. Vì vậy, phong trào gói bánh chưng được cả con ngõ, cả ba đơn nguyên đều hưởng ứng. Mọi người thường hẹn gói bánh cùng nhau. Nhà nào chưa xong nhà kia sẽ sang hỗ trợ. Có nhà đồ đỗ xanh, nhà ướp thịt. Những ngày này cả con ngõ nhỏ náo nhiệt tấp nập tiếng í ới gọi nhau, tiếng gọi cho đồ này đồ kia. Cái không khí ấy làm tôi chộn rộn nhớ đến những ngày ở quê hồi còn bé. Cái không khí đông vui, nhộn nhịp ấy mới thân thương làm sao.
Khi nồi bánh chưng trên bếp sôi cũng là lúc nồi măng để ké bên sôi ùng ục. Mẹ thường tranh thủ bếp đun trước măng khô để đến lúc nấu cho tiện. Thời điểm này hàng xóm cũng bắt đầu trải bạt ra ngõ rủ nhau cùng ngồi lại trò chuyện, ăn cỗ lòng, miếng giò, làm lon bia, chén rượu hàn huyên câu chuyện trong năm qua. Bố kể những ngày này ở quê thường đông vui lắm, người ta hay đụng lợn không những ăn uống cùng nhau mà mỗi nhà còn có phần thịt mang về để ăn Tết. Bao nhiêu mệt mỏi, phiền muộn trong năm cũ cứ thế mà tan ra, theo tiếng cười, tiếng hàn huyên quyện vào làn hơi nước, mùi lá chín, mùi khói bay lên cao, biến mất trong không khí.
Tết để đỡ làm nhiều món kích rích, khu tập thể tôi ở mọi người còn phân chia công việc phụ trách mỗi nhà vài món ăn, thế là mỗi nhà đều sẽ có rất nhiều món để ăn trong dịp Tết. Có nhà nhận đồ xôi, nấu chè. Nhà nhận gói nem, nhà làm giò xào, nhà muối hành… Tết nào mẹ cũng làm giò xào. Có nhiều món ăn năm này qua năm khác đã chẳng còn thông dụng nữa nhưng món giò xào từ ngày còn ở quê đến tận bây giờ mẹ vẫn làm. Mẹ thường đặt mua tai, lưỡi lợn và thịt chân giò trước để có phần tươi ngon nhất. Nấm hương, mộc nhĩ mẹ lên tận chợ Đồng Xuân chọn hàng loại một về. Hạt tiêu sẽ là loại còn vỏ, xay tay để giữ được hương thơm nồng xộc lên mũi. Mẹ có một cái xoong rất to. Một đôi đũa rất dài. Và mẹ có bàn tay rất khoẻ. Năm nào mẹ cũng thái đồ thoăn thoắt, rồi xào cả một nồi to mà chẳng biết mỏi. Đầu tiên sẽ là mùi thịt xem xém sau đó là mùi mỡ lợn chảy ra ngầy ngậy, beo béo trộn vào mùi nấm hương, mộc nhĩ và hạt tiêu thơm lừng. Thơm đến nỗi nhà tôi cuối ngõ mà hàng xóm đi ngang qua đầu ngõ đã ngửi thấy.
Khi mùi thức ăn đã dịu đi là mùi của nước mùi già lan đi trong gió. Khi còn ở quê thì mùi già không nhà tôi trồng thì nhà hàng xóm có. Còn ở Hà Nội cứ sát Tết là những chiếc xe chở mùi già đi khắp nơi và bán cũng chóng hết lắm. Mẹ thường mua hai ba mớ to để cả nhà cùng đun nước tắm. Nhà không còn ám khói thức ăn và người sẽ thơm hương cỏ cây, vừa lành vừa dễ chịu.
Chợ những ngày Tết rất sặc sỡ, hoa quả loại gì cũng ngon lành và bắt mắt. Mấy mẹ con tôi thường sẽ đi lên chợ hoa Quảng Bá. Năm thì mua quất, năm lại mua đào hay chọn mấy bông hoa lay ơn kèm vài cành vi-ô-lét. Đi mua cây, mua hoa nhưng cũng là đi đón xuân về, gửi lời chia tay năm cũ.
Tết ở đâu, dù là ở quê hay thành thị miễn trong lòng còn chờ mong cái Tết thì Tết vẫn là Tết. Là thời gian mà mọi người xích lại gần nhau. Là khi trong lòng chẳng còn lo toan, chỉ còn lại niềm tin và hi vọng. Vậy là mỗi người sẽ đều có một cái Tết mong chờ cho riêng mình.