Tôi bỗng thấy yêu nắng nhiều hơn, thương nắng nhiều hơn và muốn được kể về nắng nhiều hơn mỗi khi chiều gần cạn. Nắng đời, nắng tôi, nắng ai người từng trưa chiều nắng ơi…

Chạm tay vào cuốn Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều mà lật giở từng chữ lên ngắm nghía mân mê rồi thun thút vào bốn bề nắng trăm phương ngàn kế. Người ta đồn, có chàng phù thuỷ Hồ Huy đã gắn một lời nguyền lên từng áng văn, cũng có lời đồn rằng nếu người đọc có tấm lòng đủ thiện lương, có trái tim biết yêu thương, có nghị lực mạnh mẽ trên mọi nẻo đường thì lời nguyền ấy sẽ tự nhiên mà hoá giải. Và rồi những điều kì diệu, những ý niệm vô bờ cứ bày trưng la liệt, ú oà ráo riết. Khi chang chang nắng, khi nhập nhoạng chiều. Tôi theo chân Hồ Huy đi khắp các địa danh vùng miền mà phượt phiêu đắm say cùng duyên nợ. Theo chân anh mà niềm nở với những bất hạnh ngang trái đâu đó trong cuộc đời. Để cuối cùng tôi vỡ oà với tôi, thêm yêu nhân gian này từ những điều chưa một lần biết tới.

Tôi đã thử một lần nghe Hồ Huy kể về người đàn bà trong vũ trường, kể về họ với những nỗi niềm và uẩn khúc chằng chịt thẳm sâu, đã từng yếu đuối, đã từng tuyệt vọng đường cùng, đã từng thèm được vươn lên như bông hoa dại tự tại giữa hồng trần, chẳng biết ai cần, có ai sẻ chia hay vào hùa mà lọc lừa dối trá. Để rồi Người đàn bà trong vũ trường: “Mắt rơi, môi rơi, những bàn tay rơi… những cung bậc người ta ngỡ thiên đàng đã mọc cánh tay mình. Đêm như con ma đói cồn cào tiếng nhạc, đêm sôi cơ man nồng nàn trái ngang”. Bao lần như thế, bao người như thế và bao giờ thôi như thế. Người đàn bà quên mình như Những buổi chiều quên nắng, người đàn bà quên vun vén, quên thắp sáng rực rỡ cho mình, âm u nào nán lại, chiều nào bỏ mặc vàng tươi. “Có những ngày buổi chiều quên nắng, người đàn bà chang chang thừa mình trong xó vắng, rảnh tay thắt một cọng buồn…” để cho ai đó “ngã vào nỗi đau nhân tình”. Khi tác giả phóng đãng cho câu chữ mỗi lúc “thả rông sự rảnh rỗi” cho một vài buổi đi dạo đó đâu trong Người đàn bà cười. Thì những “ngoan hiền như gió thoảng, mềm mại như thủy triều lên” hay khi những buổi chiều đã cũ, những cơn mưa xanh xao đã lâu rồi, thì nụ cười người đàn bà trên bia mộ vẫn tươi nguyên “người đàn bà chìm vào đá, khâu vá những nụ cười mỏng manh cho đời sau” cho người con gái cũng đã là đàn bà một nụ cười truyền thần rạng rỡ. Và cũng là đàn bà, đâu đó cặm cụi thanh tân, say sưa mặn mòi mà bình thản xoay vần bên hình hài của đất. Người đàn bà của đất như “Những đoá hoa vẫn vươn lên từ đất, những nụ cười vẫn nở ra từ gốm…Những bông gốm Chăm Pa…những đoá hoa từ gốm”.

Một Hồ Huy lãng tử hào hoa, biết tung lời có cánh để lên ngôi cho mọi vẻ đẹp của thế gian. Một trái tim ấm nóng vỗ về những trái ngang ngoài kia, như bờ vai, như cánh tay ôm lấy nỗi buồn của người con gái mà trổ hoa trổ lá tự bao giờ. Ngôn từ lóng lánh màu hạ, huyền diệu màu trăng, mạnh mềm như gió, sắc ngọt như mưa, lãng đãng thu hiền, phiêu xuân căng nhựa. Thứ ngôn từ không tuổi đầy kiêu hãnh như người đàn bà đẹp soi mình trong gương, như người đàn ông nâng niu tỏ tường tâm hồn cô người yêu bé bỏng. Khác với sự dễ dãi ồ ạt và tuỳ tiện thì ngôn từ của Hồ Huy theo dòng cảm xúc cứ sinh sôi, tràn trề nhất mực tỉnh táo dù huyên náo thâm trầm, bay lên, bay mãi.

Để có những lần tung cánh ấy mà gặp, mà thương loài chim trong Chim báo bão vô tri mải miết chấp chới sự an bằng.“Làm đời một thân chim không giống làm tim một con người, lúc mày đập ai hay, lúc mày rộn rã ai biết, lúc mày báo bão càng ai người biết và lúc mày mê man yêu, cuồng say cống hiến chắc gì người biết…”.Giữa đại dương bao la, giữa sóng muôn trùng sóng cũng mang nặng những tâm tư chẳng kém gì loài cu gáy mà Chim trong phố được viết với muôn lời dồn dập, ngậm ngùi xót xa. “…con cu gáy đêm nào cũng hỏi bao giờ phơi thóc, bao giờ tra vừng, bao giờ ngập ngừng hỏi bạn tìm đôi. Con cu gáy ngày xưa đã dẫn tôi đi suốt những buổi trưa mẹ mắng. Con cu gáy ngày nay lại dẫn tôi đi suốt những đêm dài tìm vài cọng nắng mộng du. Con cu gáy mộng du, nó úp mặt vào nan lồng ngỡ là bờ tre vàng óng. Con cu gáy mộng du, nó soi mình trong cóng nước, ngỡ mùa xuân đang sóng sánh trở về.”. Những câu văn đẹp tới trong ngần, đời ai hay đời chim vỡ mộng bao lần khi tự mình phải trả lời nghiệt cảnh, xa xót.

Những đời chim ngoa dụ, những đời chim ẩn dụ hay những thậm xưng có khuếch đại một góc người, góc đời giữa giam cầm lẫn phiêu bạt. Là thật đấy! người ta thèm thuồng và khao khát tự do để tung cánh bay, để nhiệt thành mê say, để đồ sộ vùng vẫy. Thế nhưng ngay cả những thứ tưởng chừng như bất động với sự đời, thiêng liêng mà chạm trổ ý trời thì “ Sân đình như một nỗi bi ai từ ngàn kiếp đã chẳng mong manh một gánh tương phùng…Đó là khi tôi tha hương cơ nhỡ…Đời tôi đã có bao nhiêu mái đình tha hương…”, Mái đình tha hương cứ bồi hồi nung nấu tâm can muốn trở về quê xưa với tình cha nghĩa mẹ ấm áp, với thôn xóm í ới vui cười. Nhưng ước vọng khát khao ấy đôi khi là chiếc bóng của chính mình, chậm rãi theo mình, hổn hển cũng theo mình. Như thể bên đời chiều, đời người luôn có Cái bóng của hoàng hôn “Lại có những hoàng hôn khi con người ta đủ lớn, đủ nghĩ, đủ thao thức, đủ mặn nồng đủ thương đau…người ta nhớ về một hoàng hôn tuổi trẻ, và nhớ, và tiếc, mà mải miết bới tìm.”

Hồ Huy viết từ những chuyện đời, chuyện người hay viết bằng chính tấm lòng của anh dành cho những nơi đã qua, những người đã quen, những trắc ẩn rung lên ngay cả khi “thằng người đớn hèn” tự nhận mình “bàn tay khoả lấp bóng tối “. Những câu văn ngắn gọn mà khôi ngô tháo vát như giục giã, dồn dập, kéo người đọc mỏi mà không chán, ê hề mà chưa no, vẫn tứa thèm mà chực chờ đón đuổi tận cùng những lời đơn ngữ kép nhả buông điêu luyện. Tôi từng tưởng đó là những bước chạy khởi đầu để dành cho một cuộc đua bền bỉ để hồi sau chạm đích. Thì không, những câu văn dài đa nghĩa, phức hợp, bổ trợ khi thì vành vạnh lúc lại ỡm ờ, vũ điệu nhạc hoạ thi thơ cứ dại khờ, khôn lanh mà biến hoá. Chính sự tinh tế uyển chuyển, sự thật thà tới mức gian manh khiến cho những dòng văn như đang sải bước catwatl trên sàn diễn và thu hút mọi tầm cỡ của ánh nhìn. Anh ấy có vô tình, anh ấy có biết mình làm chủ cuộc chơi hay không mà cứ diễn một mình, cứ chơi một mình linh đình như thế. Anh tung tẩy, anh ngập ngừng, anh dửng dưng, anh ý nhị khiến người theo chẳng kịp, người đuổi chẳng vừa, nhưng chẳng thể dừng lại, chẳng thể giữa đường, chẳng thể nào ngừng nhớ, ngừng thương.

Ai thương Những con mắt Hà Giang, ai thương “những con mắt của em khi nhìn về phía anh khiến cho cao nguyên đá thêm một lần buông xuống chiếc áo trầm tư mà say đắm khiêm nhường” và hoa tam giác mạch “như con mắt cô gái Mông, như những con mắt tình tứ của thảo mộc chăm bẵm những buổi chiều yêu thương nảy mầm bên nương rãy”. Những câu văn mềm mại uyển chuyển tình tứ như thể thôi miên dẫn dụ người đọc theo suốt những vạt hoa, đồi này thung nọ ngập tràn hương sắc. Hà Giang đẹp mê mẩn kiêu sa, đẹp hiện lên trong mắt người và sứ xở, đẹp trong mắt người đi người ở, đẹp chấm phá rạo rực ngây ngất một Hồ Huy.

Chẳng thiên vị nơi đâu nhưng khi Ở lại Cao Bằng “Một ngày sống Cao Bằng, một ngày yêu Cao Bằng nếu không thấy điệu tính lời Then thì bạn đã bỏ bê hồn rừng hồn núi ở một chốn nào…Cao Bằng như một niềm đâm mê bất tận, ủ những buổi chiều vào muối, đằm những đêm hồng vào than, và những âm thanh đàn tính rủ rê khói nhang về chầu tiếng xập tiếng xeng…” hay một Pà Thẻn thoi đưa nơi có những người con gái dệt lên những bộ váy áo thổ cẩm hoa văn đủ mầu truyền thống làm của hồi môn, là mặc ngày về nhà chồng làm dâu hiền vợ đảm.

Vùng cao luôn có sức hấp dẫn đặc biệt khiến chàng Hồ Huy chẳng thể nào cưỡng lại nổi mình mà thốt lên nháo nhác:
“ Ô kìa bình minh nhen nhóm giữa những lớp lúa vàng đang độ thu hoạch, lúa ngả vào gió, lúa nắng vào mây, lúa bồng bềnh xếp vàng xếp bạc…Tôi từng ngã vào nụ cười của một cô gái Mông, đã ngẩn ngơ trong một vài lưỡi hái…”. Trầm trồ tới chết lặng, thương nhớ tới độ muốn được chết chìm trong thứ bùa ngải mùa thu, bùa ngải vùng cao. Ước được bắn tên lao đi trong vun vút, ước một điệu khèn để âm ba điệp điệp khắp cửa núi, thang rừng của Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, Pù Luông hay Ô Quy Hồ và Y Tý…cứ nhảy nhót vang thẳm, ngân sâu trong Thương nhớ vùng cao.

Và dẫu chẳng là vùng cao, mà vùng ngọt ngào nơi trái tim bao lần neo neo đậu đậu thì Thương lắm Phồng ơi là “Hải Phòng đó những ngày buông lửa, cơ man non tơ biếc biếc trên da thịt mùa hè, nhiều người tưởng phượng gian díu với loài ve trỗi lên bản tình ca màu đỏ, rạc nắng, rạc gió, rạc những đôi mắt học trò nhìn sâu vào đâu”. Khi yêu thương không nói nổi lên lời, cứ yêu hối hả, yêu cuồng nhiệt, “Phồng lên mà nhớ, Phồng lên mà thương và rộp lên nức nở những hồi còi tàu rục rịch đêm hường”. Con tàu ra đi, con tàu trở lại vì “những bàn tay vẫy” hay nỗi nhớ nhung khát khao bỏng cháy của tuổi trẻ của tình yêu được lên men bấy lâu trong“trái tim ủ đậy”. Để rồi chàng trai năm ấy đã trở thành chàng rể sứ Phồng, con dân sứ Phồng, máu thịt xứ Phồng, tình yêu xứ Phồng.

Và đôi chân ấy dù đi bất cứ nới đâu, trái tim lại hát lời thiện cảm. Ngỡ mình trên phá Tam Giang.“Có lúc Tam Giang như người con gái tắm phải dòng nước lợ mà nhan nhát phù du…Buông tóc ném gió, mắng cười gác chèo”hay như “người đàn ông đi hỏi vợ nhiệt thành đến quê mùa quá lố”. Cái cách miêu tả, so sánh, ví von hay những cụm động từ thi nhau đối xứng đã thực sự viên mãn hả hê cho một Tam Giang làu làu Huy kể, bung biêng ngơ ngẩn chính mình. Yêu Sông Lam trở dạ“Có lúc dòng Lam va phải đá núi mà cua gấp như một tay áo nhàu nhĩ, có lúc phình ra đổi hướng lại nuột nà phẳng phiu”.

Dòng sông lịch sử hào hùng, dòng sông chảy trong tác giả tới miệt cùng bằng lắng nghe và nín thở… Có lẽ vì thế mà đôi lúc Hồ Huy thú nhận với đời, với người với mình rằng Tôi nợ Quy Nhơn một tiếng thở dài “mắc nợ bạn bè, mắc nợ với xóm chài, mắc nợ những cô gái cá tôm”..hay hình ảnh Hàn Mặc Tử “ám ảnh tôi bão tố, một câu thơ suông, một đoạn nhạc mộc và một khúc độc hành đường lên dốc đá”. Hay nhớ chợ nổi ở bến Ninh Kiều, nhớ món ốc nướng tiêu còn dậy mùi đâu đây, xa gần thấp thoáng đâu đây như chiếc áo bà ba ai đó vừa mặc lướt qua nơi chòi xa huyền ảo. Ai đã “lấy cắp đi thời gian của mình mà lơ đãng như một kẻ tương tư cổ nghiệp. Và chết lặng…”một nỗi nhớ, nỗi thèm khát Ninh Kiều – Tương tư ở xứ Ninh Kiều. Khi“…cái duyên Nghệ tình Vinh cứ xoắn xuýt lấy cuộc đời tôi như một sân ga nườm nượp đi, bộn bề nhớ, ngổn ngang về, mà muôn trùng sấp bóng, mà hổn hển giăng tơ đợi chờ”. Nỗi niềm Thương Nhớ Thành Vinh “một hôm nào đó hay như bao hôm nào” cứ xối xả trào dâng, cứ cay xè bóng mắt, cay xè như vị ớt cứu dỗi bao linh hồn của những món ăn xứ Nghệ, là máu là thịt, là linh hồn của người đầu bếp nơi đây.

Qua những cung đường vòng xe miên man, thênh thang đâu đó Sài Gòn để tìm, để mỏi mong Những đôi môi cười ẩn hiển, lấp loáng một ngày sau“Con đường em nắng. Con đường em mưa. Con đường em gió. Con đường ban trưa…Này đôi môi hoa. Xin đừng khép lửa. Nụ cười. Bay xa. Môi cười, xinh hoa”. Những câu văn ngắn giục giã là thế mà sao cứ tha thiết dịu dàng, khẽ khàng khiến người ta ngẩn ngơ xiêu đổ, môi cười rạng rỡ những niềm riêng chung. Những đoá chữ cứ lên hương cho từng bài thơm vương bất tận. Văn của Hồ Huy là một vẻ đẹp hình khối toàn diện bởi những mảnh ghép đủ sắc màu.

Trong ấy có màu của nắng, màu của Tháng Mười bẻ nắng sau lưng chiều, “mùa thu như người đàn bà mãn vụ lẳng lặng gói ghém cánh đồng thảnh thơi. Tháng Mười bầy chim ngói tiếc hùi hụi bay tìm nắm xôi nếp mới…Ai về tháng mười cho tôi gửi mẹ chiếc khăn len, cho tôi gửi cha vò nếp cái, cho tôi gửi xứ sở chim ngói xôi đồ…”. Một Hồ Huy nhỏ bé, quê lành đã hoạ một bức tranh mà cuộc đời ai cũng muốn được nhiều lần tô vẽ. Mầu nhớ mầu thương suốt dọc đường thổn thức.

Cảm giác ấy có khác nào đứa trẻ chờ tết, người lớn đợi xuân. “Càng lớn con người ta càng hay huyễn hoặc bản thân mình với những nhọc nhằn này, những lo toan kia, với những nặng nợ muôn đời sinh kế, cũng bởi vậy mà tết Việt hồn quê cứ xa dần…Trong tôi tết vẫn căm căm gió, tết vẫn căm căm mưa, tết căm căm mưa nhớ lại ấu thơ cái bếp bé nhỏ của mẹ tôi lại tha hồ củi lửa, những làn khói tím ngơ tím ngắt, tím sum tím vầy, cứ thế bay lên” mà nhớ Tết Việt hồn quê.

“Không hiểu sao mỗi dịp cuối năm nỗi ưu tư cứ vụng về bám riết lấy tâm hồn. Nhiều lúc muốn vui, muốn ngóc đầu lên như cái máy bay chạy đà cất cánh, nhưng đến cuối đường băng lại ngã sõng soài vào những mấp mô kí ức…Tôi vụng dại nhớ mỗi độ xuân về, trên những nẻo đường thanh tân, hồn mực tàu giấy đỏ, bóng bút múa trên hè, áo the khăn xếp. Nhớ bác tôi áo nâu chân trần quang gánh nào tỏi nào hành thoăn thoắt đường xa chợ phiên. Nhớ tết. Nhớ con gà đất nung… nhớ bầy tò he xanh đỏ tím vàng…”. Những suy tư cứ ngây non vụng về bám riết lấy đời người khi đã “đầu hói, tóc bạc, mặt mũi trầm kha”.Thì ra những ân tình nặng sâu chính là những Yêu thương ở lại. Hồ Huy dặn dò mình hay nhắn nhủ người khi những giá trị đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất trong sâu thẳm mỗi con người chính là yêu thương còn mãi.

Tôi biết đến cuốn sách này của nhà văn Hồ Huy khá muộn so với nhiều người, nhưng có lẽ mọi ý niệm văn chương từ xưa đến nay có bao giờ là muộn chứ. Thậm chí những điều ấy sẽ còn lan toả đẹp đẽ với thời gian, với mai sau, như nắng vàng ươm mãi mãi một màu. Một Hồ Huy ấm áp.

Cuộc đời khóc, cuộc đời cười, cuộc đời vui, cuộc đời hát ca và cuộc đời bằng lòng cho Huy, mặc kệ cho Huy viết. Thì tội gì không nhón tay mà vê cả thiên hạ ấy thành muôn dặm hình hài. Anh ấy như có phép màu trong tay, dũa gọt, vần xoay, điều hoà âm hưởng ngôn từ thông điệp xuyên suốt các tác phẩm. Anh luôn công bằng khi chia đều những sâu sắc của mình cho tất thảy cung bậc dịu dàng và mạnh mẽ. Giống như một cái cây bám rễ sâu vào lòng đất để cứng cỏi giữa trời, những lời văn ấy còn vươn sâu, còn đoạt lấy lòng người thật lâu, đẹp xanh cao thi vị. Cảm ơn Tháng Mười bẻ nắng…

Mộc Nhiên

 

[su_button url=”https://payon.vn/tanvanhay” target=”blank”]MUA SÁCH[/su_button]