Đã lâu rồi tôi chưa nghe lại hát ru em, những câu hát ru tôi từng nghe thời thơ bé như lặng chìm vào ký ức mênh mông. Hôm nay, trong cái nắng trưa yên ắng, tôi bỗng nghe tiếng hát ru của ai ở vườn nhà bên, những câu hát ru buồn buồn, tha thiết khơi dậy trong tôi bao niềm nhung nhớ.
Quê tôi là một làng quê nghèo xa phố thị và ẩn sau bóng tre làng. Người dân quanh năm đầu tắt, mặt tối với ruộng đồng, nương bãi. Và trẻ con, trong đó có tôi lớn lên từ hạt gạo đồng quê và những câu hát ru. Những câu hát ru mang hình ảnh cánh cò cánh vạc chập chờn trong sương sớm hay còn lui hui lượm mót trong bóng ngả, chiều tà. Những hình ảnh ấy theo những đứa trẻ vào trong giấc ngủ.
Không hiểu sao những câu hát ru trong tôi bao giờ cũng mang nỗi buồn. Lúc đầu tôi nghĩ những câu hát ru phải buồn, có buồn mới dễ đưa ta vào giâc ngủ. Nhưng khi lớn lên, tôi mới nhận ra nó đọng kết những nỗi niềm của thế nhân khi họ trải qua dâu bể đời người.
Vâng, tôi yêu những câu hát ru em hiền lành, dung dị ngọt ngào, những câu hát ru em, những câu ca dao nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ bé. Những câu hát ru bắt đầu bằng tiếng à ơi … nghe dịu dàng tha thiết như vỗ về, như dỗ dành hòa cùng nhịp đưa nôi.
Tôi từng nghe bà tôi, mẹ tôi ru em :
Ru em em théc* cho muồi
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón , Mậu Tài bán kim
Tôi thấy trong câu hát ru hiện lên cả cuộc đời vất vả, lam lũ, lặn lội của mệ tôi, mạ tôi, các o, các dì sau những ngày đồng áng và bóng dáng của những địa phương ở quê tôi, xa xôi mà trở nên gần gũi vô cùng trong những câu hò điệu lục bát mênh mang
Đời người ai cũng có nỗi niềm riêng, có người giấu trong tim mình một trời thương nhớ, nỗi khổ đau, lòng biết ơn hay xót xa về phận mình …mà họ không dễ thổ lộ cùng ai. Họ chỉ mượn câu hát ru mà gửi gắm tâm tình.
Trong muôn vàn bài hát ru, những câu hát ru làm miên man lòng người là những bài hát ru về tình yêu đôi lứa. Tôi cũng nhớ mệ tôi, mạ tôi từng hát ru:
Thương ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Tôi thấy cả nỗi buồn thương và dáng vẻ “thất thểu” của người thương người mà chẳng được người thương trong câu hát ru cũng là hai câu lục bát:
Hay:
Thương ai rồi lại nhớ ai
Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng
Những hình ảnh được mang ra để so sánh gắn liền với những gì gần gũi chung quanh, gắn liền với ngọn rau, cây cỏ quê nhà mà diễn tả tận cùng nỗi buồn thương day dứt trong lòng người. Như mọi làng quê, dẫu không có đường gạch, giếng cổ, sân đình nhưng quê tôi cũng có những cánh đồng, những bến xưa và con đò cũ.
Mỗi lần nghe câu hát :
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa
Tôi lại thấy hình bóng quê hương tôi, thấy cái bến mà tôi đứng lặng hằng giờ để nhìn những quả sung trôi nổi và cũng thấy những đổi thay đến chóng mặt trong thế thái nhân tình. Có một bài hát ru mà tôi nhớ mãi. Đó là bài hát ru về một cô gái bị phụ tình :
Khi xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh
Bây giờ anh tốt anh lành
Anh vui duyên mới, anh tình phụ tôi
Có thịt anh tình phụ xôi
Có cam phụ quýt có người phụ ta
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn
Cứ tưởng ngang đó bài ca dao đã hết, đã đủ lên án kẻ phụ tình. Nhưng không! Câu hát ru còn tiếp :
Anh đi lấy vợ cách sông
Còn tôi lơ lửng lấy con ông chèo đò
Phòng khi giông lớn gió to
Sông sâu sóng cả, thiếp lo cho chàng .
Tôi nghẹn lại và thầm trách: Cô sao quá đa mang? Người ta phụ tình sao mình còn thương, còn đèo bòng. Nhưng khi ngẫm lại mới thấy lòng vị tha, tình yêu cao cả, thủy chung cô dành cho người mình yêu. Và cũng nhận ra người ta không chỉ sống với tình mà còn sống với nghĩa. Là cái nghĩa tình mà một đời người ta mãi đeo mang.
Nhiều lúc tôi cũng nghĩ những bài hát ấy để ru em? Hay để thổ lộ lòng mình hay là nỗi đồng cảm sâu sắc với người từng yêu và sống chết với tình yêu!
Xa hơn thì:
Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi
Đường đi cả lách với lau
Cả tràm với chủi bỏ nhau sao đành.
Nghe buồn thương và thiết tha, ân tình như lời nhắn nhủ trước sau
Rồi qua bao biến động, ba đào của lịch sử thì lại có những câu
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-mon
Ơi người lỡ hội chồng con
Vô đây kết nghĩa vuông tròn với tôi
Hay:
Đò Từ Đông Ba đò qua Đập đá
Đò Từ Vỹ Dạ thẳng ngã Ba Sình
Lờ đờ bóng ngã trăng chênh
Nghe câu mái đẩy nặng tình nước non.
Câu hò nghe mang mang tình đất nước và ẩn đằng sau câu hò là lời nhắn nhủ về trách nhiệm đối với Tổ quốc, với quê hương. Sau nầy, tôi ít nghe hát ru. Nhiều lần tôi đưa con mình đi nhà trẻ, tôi không còn nghe hát ru mà tôi thấy người ta cho trẻ nghe những bài hát qua máy hay tập dần cho trẻ vào giấc theo quy định trong tiếng mắng la hay vỗ về! Tôi thấy có gì nuối tiếc xót xa. Phải chăng, đứa trẻ đã mất đi một món quà dịu ngọt của tâm hồn!
Tôi nghĩ nghe hát ru không chỉ giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ êm ái, bởi nó là nhạc, là tình người. Những câu hát ru còn nuôi dưỡng tâm hồn như ai đó từng nói: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”
Tình yêu đồng nghĩa với dân ca, với hát ru. Bởi dân ca nói chung và hát ru nói riêng là đời sống tình cảm, tâm hồn người Việt Nam, hát ca luôn gắn với phận người, với mỗi buớc đi thăng trầm của lịch sử. Tìm trong hát ru muôn lời ngọt ngào, cay đắng của tổ tiên. Đó cũng là lời buồn , lời vui đã chắt lọc được trong vận mệnh một dân tộc giàu tình yêu. Hát một bài ca dao cũng nhằm ý hoài niệm về một tình yêu, ghi lòng tạc dạ người đã sáng tác giữ gìn những bài ca dao như chắt chiu, nâng niu bầu sữa ngọt ngào nuôi lớn đời ta. Nhớ hát ru cũng là nhớ về cội nguồn một dân tộc luôn yêu đời, khát khao vươn tới hạnh phúc.
Tôi đã đi xa, rời chiếc giường tre ấp ủ mảnh nôi mây, nơi tôi lần đầu tiên nghiêng mình chào mặt đất, và chìm vào giấc ngủ yên bình bằng những câu hát ru. Cứ nghĩ là sẽ quên tất cả nhưng rồi tôi đã không quên, những câu hát ru vẫn còn mãi trong tôi.
*Théc : là ngủ (tiếng địa phương)
Lê Phượng