M ột buổi sáng hiền như nàng thơ, một buổi sáng hiền như lời thì thầm thương của câu hát à ơi mẹ ru con say giấc, một buổi sáng dịu dàng như nhạc, một buổi sáng khi chuông Giáo Đường vang lên những hồi đón giáng sinh rộn rã, buổi sáng ấy của tháng mười hai đã ưu ái cho thành phố hai mùa mưa nắng Sài Gòn được chạm khẽ mùa đông.

Sau những ngày dài nắng nóng hanh hao, sau những ngày dài bụi trắng lẫn khói xe hòa vào nhau ngột ngạt, sau những ngày dài giữa vòng quay vội vã, bỗng đâu cái lạnh tràn về đậu lên từng khóm chuông vàng hoa. Từng cơn gió mang hơi lạnh ở đâu đó từ Miền Bắc, Miền Trung, hay từ biển cả mênh mông lùa vào làm từng cánh hoa mỏng manh cũng run lên từng đợt. Trên con đường quen thuộc đông đúc xe và người, sáng nay bỗng thênh thang.

Có lẽ, những người đi làm sớm như tôi càng được ưu ái hơn chăng, khi có thể chiếm hữu mùa đông cho riêng mình giữa thành phố mà một chút se lạnh thôi cũng như thể đang ban phát dè sẻn, còn người nhận chỉ biết nâng niu tiêu xài từng chút một, chắt chiu.

Mùa đông Sài Gòn, tôi ví như một người đàn ông kiệm lời lặng lẽ, như thể sợ yêu thương quá nhiều lại lưu luyến chẳng thể rời xa, như thể sợ yêu thương quá nhiều nhỡ mai khi rời xa sẽ để người ở lại những nhớ thương day dứt, những chờ đợi mỏi mòn.

Mùa đông Sài Gòn như một thứ tình yêu nhẹ nhàng tình nguyện, tình yêu ấy đến và khiến con người ta vỡ òa hạnh phúc, vui vẻ tận hưởng, một tình yêu không đòi hỏi, không chiếm hữu, không ràng buộc. Để khi rời đi, người đi không lưu luyến, kẻ ở lại không trách cứ giận hờn. Một khoảng thời gian đủ thương, đủ nhớ, đủ cho lòng người lắng lại, sống chậm đi.
Sáng nay, Sài Gòn đã có mùa đông rơi, và lạnh! Lần đầu tiên từ khi sống ở Sài Gòn, tôi nhâm nhi ly cà phê không đá, cũng là lần đầu tiên tôi không sợ từng viên đá bi tan ra làm mất hương vị cà phê, tôi từ từ nhấm nháp ly cà phê cuộc đời mình thảnh thơi như thế.

Một quán cóc ven đường bán thâu đêm, chỉ tôi và chị chủ. Sáng nay dường như lạnh nên chị cũng đã mặc áo khoác và ngồi nép sau chiếc bàn pha chế lỉnh kỉnh phin, không ra trò chuyện cùng tôi như mọi ngày nữa. Chỉ còn một tôi, một ly cà phê thơm và một mùa đông trọn vẹn giữa Sài Thành. Thỉnh thoảng có một vài cơn gió chạm vào mắt, vào môi, vào má, chạm vào mái tóc đã chớm chạm chiều phai của một người phụ nữ tôi qua tháng ngày bươn chải mưu sinh.

Tôi lạnh. Cái lạnh len vào nỗi nhớ thương cha mẹ già nơi miền Trung, chắc đang đón cái rét thấu xương, chắc đang ngồi bên bếp lửa, chắc đang ngóng con về. Miền Trung quê tôi chịu thời tiết khắc nghiệt nhất trong ba miền quê hương, quê tôi mùa hè nắng khét gió lào, mùa đông buốt giá cắt da nứt nẻ, mùa bão lũ tàn phá như một định kỳ không thể buông tha…
Bởi vậy mà tôi đã quyết tâm ra bến sông sau nhà, rửa sạch bàn chân lấm bùn và phèn đất, quyết tâm rời xa gốc rạ để lên đường học tập và lập nghiệp, hứa với lòng không trở lại với phèn chua. Mà sao khi rời xa, mà sao khi một mình ngồi đây trong cái lạnh khẽ khàng nơi vùng đất hứa này, tôi lại nhớ mùi bùn tanh gốc rạ ấy đến nao lòng, thèm hít hà vị quê để trở về những ngày vô tư thơ bé.

Những ngày thơ bé đón đông về trên mảnh áo chắp vá chẳng chịt, rét tím da tím thịt, mà vui vẻ, mà hạnh phúc biết nhường nào. Tôi nhớ, mỗi lần đi học về là mẹ đã nhóm sẵn một nồi lửa ấm trong chái bếp có bức tường trộn bùn thơm và rơm rạ, có mái che bằng lá cọ nẹp tre xếp chồng lên nhau cha thiết kế ở sau vườn. Mẹ kéo tôi vào lòng, hơ tay thật ấm rồi xoa xoa lên má, lên tai, lên cổ tôi, ấm áp vô cùng.

Cả nhà cùng quây quần bên bếp lửa, cha kể chuyện chiến trường, mẹ nướng mấy củ khoai đông tròn quay thơm phức, bọn trẻ tôi hít hà chờ món ngon. Giọng cha trầm ấm, tiếng than nổ tí tách, tiếng mẹ cười dịu hiền, mùi khoai thơm lừng, từng ngọn lửa như đang reo cười soi vào ánh mắt trẻ con cùng reo cười hạnh phúc. Vậy mà đã bao đông rồi tôi không về với cha mẹ? Công việc quay cuồng, những buổi học chính học thêm của con, và nữa, tôi sợ bọn trẻ con về quê vào mùa đông sẽ bị sốc nhiệt, sợ cái thay đổi thời tiết đột ngột giữa hai miền làm con ốm con đau. Thật lạ đời, chính tình thương của tôi đã ngăn cản quyền trải nghiệm của các con, quyền được trẻ thơ vui vẻ, như tôi tuổi trẻ đã từng.

Tự nhiên tôi thấy mặn trên môi, đâu đó nóng hổi những giọt nước mắt thi nhau rơi bên ly cà phê thơm chưa kịp uống, những giọt nước mắt có lẽ đã bị lãng quên, hoặc từ lâu tôi đã không cho phép nó được phép thoát ra khỏi căn phòng đã chốt khóa, niêm phong giữa Sài Gòn tấp nập.
Bước ra khỏi quán cà-phê, một lần nữa tôi tự cho phép bản thân được thảnh thơi thêm trong một cơn đông hiếm hoi vừa đến, tôi tản bộ một mình bên công viên Gia Định thênh thang. Tự hứa vời lòng, chút nữa thôi tôi sẽ đặt ngay một chuyến bay cho cả gia đình mình về quê đón tết, mặc kệ cái giá vé đắt đỏ những ngày cuối năm, mặc kệ rằng sau mỗi lần về quê như vậy, sau tết kinh tế gia đình tôi có thể phải bắt đầu lại từ đầu.
Còn bây giờ, tôi sẽ tận hưởng hết những cung bậc cảm xúc của mùa đông, tận hưởng hết cái lạnh đang len vào khoảng trời mộng mơ lâu rồi tôi giấu kín. Bởi chỉ lát nữa thôi, khi mặt trời đậu trên những ngôi nhà cao tầng chót vót, phố lại tấp nập người xe, mùa đông của tôi lại sẽ khiêm nhường lùi vào tận đáy tim để nhường chỗ cho nắng nóng, cho hanh hao, cho vòng quay tấp nập Sài Thành.

Đông ở Sài Gòn chỉ đến khẽ khàng như thế thôi, đủ cho con người ta nhẹ nhàng với nhau hơn, đủ cho con người ta sống chậm lại một chút, đủ cho con người ta sống thật với lòng mình, suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời, đủ để thương, để nhớ, để mỉm cười.

Nguyễn Mỹ Hạnh