À a à ời
À a à ơi…

Tôi vẫn chưa muốn dừng lời ru đang dang dở dù đứa con trai nhỏ bé trong vòng tay đã say ngủ tự bao giờ! Tôi chỉ sợ rằng, dừng lại lời ru lần này, sẽ khó bắt đầu lại cho những lần sau.

Đêm huyền diệu đã ru vũ trụ say ngủ. Gió phe phẩy quạt, hát lời thì thầm cho hơi thở vạn vật thật nhẹ, thật sâu. Chỉ những chú dế còn ru nhau thành giai điệu, khi thong thả, khi rộn rã râm ran!

Và nơi đây, có một tôi đang chìm đắm trong những khúc hát ru, lời còn, lời mất. Tôi đang cố gắng đánh thức tiếng ru của bà, của mẹ mà tuổi thơ tôi đã từng tắm mát. Tôi đang tìm lại mình trong cánh võng ban trưa, có bàn tay mẹ quạt mát, tiếng hát ru à ơi lẫn tiếng gà gáy ban trưa trong khung cảnh yên bình! Tôi đang tìm lại mình trong những đêm thâu uốn khóc, tiếng mẹ vỗ về, át tiếng mưa rơi! Tôi đã để lời ru theo cánh cò bay lả, bay la, bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng, bay dài đến hơn ba mươi năm, suýt chút nữa quên con đường quay đầu trở lại! Tôi đã vô tình bỏ rơi tiếng à tiếng ơi trên gánh rau mẹ để nơi con đê đầu làng, để nhặt lấy tiếng hát pha Âu, pha Mỹ, pha ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ của sân khấu tân thời! Tuổi trẻ sôi nổi, sẵn sàng băng qua cát bụi mù mịt của đèo dốc, sẵn sàng đương đầu sóng gió biển khơi, thì dĩ nhiên phải trang bị cho mình những gì mạnh mẽ nhất, cứng cỏi nhất ở trong tim. Đôi khi mệt nhoài, dừng chân nơi quán nhỏ ven đường, chợt giật mình vì tiếng ru con của người mẹ trẻ bên cạnh song cửa sổ khép hờ, bỗng thấy nhớ dáng bà, nhớ tiếng mẹ đến nẫu ruột gan! Nhưng con đường mưu sinh không được phép ủy mị, con đường tuổi trẻ cần rắn rỏi để bước tiếp, tôi lại vội vã lên đường để theo kịp những ước mơ!

Ước mơ cuộc đời rốt lại cái được cái mất; hoài bão con người, một đời khi thành khi bại! Những lúc thành công, người ta vui mừng trong men nhạc hương say, hoặc ngã vào những vòng tay xa lạ, chìm vào trong những lời chiều chuộng đến sáo rỗng. Chỉ khi buồn bã, thất vọng hoặc trắng tay, người ta mới lững thững quay về để được nghe tiếng mẹ ru…

À a à ời…. À a à ơi….
Làm trai cho đáng thân trai
Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan…

Lời ru của mẹ có sức chữa lành đến kỳ diệu. Chẳng cần tiếng đàn hay tiếng sáo đệm theo, những tiếng thì thầm của hơi thở quen thuộc lại vực chí khí của con dậy, xoa dịu những vết thương lòng của bao lần vấp ngã, để lần nữa lại tiếp tục dấn thân bươn chãi nơi chốn áo cơm! Cứ như thế đó, đã bao lần tôi quay về nghe tiếng mẹ ru, như uống chén nước cam lồ, dưỡng sức trẻ, rồi lại lên đường mưu sinh, để lại mẹ một mình với lời ru của mẹ. Tiếng ru của mẹ chứa đựng sự bao dung đến vô bờ bến, sẵn sàng bên con khi con buồn khổ, rồi tự ru mình khi con lại vội vàng cất bước đi xa…

À…a…à…ời… À…a…à….ơi….
Cây khô chưa dễ mọc chồi
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta
Non sông bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết, bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu

Nếu hôm nay không có đứa con, để tôi được ôm vào lòng, để tôi được thấy chính tôi trên khuôn mặt non tơ say ngủ, để tôi được thấy lại tuổi thơ của mình, dễ có khi suốt cuộc đời này, tôi sẽ đánh mất cả lời ru!
Những tiếng ru nhọc nhằn, nhát gừng vì rơi rụng theo năm tháng, giờ tôi đang vụng về cố chắp vá lại. Đôi khi quên bẵng lời sau, đành bịa thêm cho câu tròn vần nhạc. Giọng theo tuổi cũng đã khô dần hết những ngọt ngào ngân nga. Dù sao thì, tôi tự an ủi, đây cũng chính là lời từ trái tim của người cha yêu thương con, chắc chắn cũng sẽ ru dần cho con được ngủ nồng say!
Bà ru mẹ, mẹ ru tôi, tôi lại ru con! Những lời ru của nước non ngàn năm còn mãi.

À…a…à…ời. À…a…à…ơi….
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ múc nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…

Những lời ru như những trang sử hào hùng của dân tộc, là lời truyền thừa của bốn ngàn năm đất nước! Những lời ru nuôi dưỡng trong tôi tình yêu quê hương xứ sở, sưởi ấm trong tôi dòng máu Lạc Hồng. Tôi đã biết mình sẽ lại tiếp nối những truyền thừa ấy, để dòng máu hùng anh không ngừng chảy mãi đến muôn đời sau, cho giang sơn gấm vóc một dải vẹn toàn!

À…a….à…ời… À…a…à…ơi…
Mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu!

Người phụ nữ nghèo như cánh cò trong chiều đông ảm đảm, tự ru mình để xoa dịu cái lạnh mùa đông, dò dẫm mò cua bắt tép về nuôi con. Người phụ nữ ấy chưa một lần rời lũy tre làng thì làm sao biết cầu Ái Tử trong lời mình ru con ở đâu? Ôm con trong lòng lúc cái lạnh trở gió, hay khi mưa xối dột mái góc nhà, quạt mát cho con giữa trưa hè miền trung đổ lửa, mẹ chẳng cần đến cầu Ái Tử mà lòng mẹ yêu con lại bao la hơn thế!

Cha đi bộ đội, đi mãi không về! Một thân mình thay chồng nuôi dạy con thơ! Núi vọng phu ấy ở đâu xa? Núi vọng phu ấy cao mấy trượng non ngàn? Mỗi ngày ra ngóng vào trông, đã bao lần hoa mắt, tưởng bóng áo xanh ngang ngõ, lòng vội mừng nhưng lại khóc thầm một mình trong buồn tủi nhớ thương khi nhận ra đó chỉ là chiếc lá rung cây! Nỗi đợi chờ ngày ngày, tháng tháng, năm năm cao dần tựa núi, mà mãi chẳng thấy tin chồng đâu, đành khô héo cả một đời mong đợi, sừng sững giữa trời một hòn vọng phu!

Tiếng con trở mình rất khẽ, tôi lại xoa lưng nó, cất tiếng à ơi… Mẹ gối đầu vào bà, tôi gối đầu vào mẹ, con gối đầu vào tôi; bà ru mẹ, mẹ ru tôi, tôi ru con…, những lời ru à ơi ngân dài nối tiếp chẳng bao giờ dứt, như dòng nước mát nơi non ngàn, kéo dài mãi ra tận biển rộng mênh mang.

Nhật Lượng