S áng ba mươi đang loay hoay xếp gọn đống giấy tờ, sổ sách, tiếng chuông reo lên, đầu dây bên kia là giọng đồng hương ngọt xớt: “cậu giúp tớ chuyện này, tớ nhận đi mua mâm ngũ quả, nhưng ở quê toàn mẹ với chị tớ làm nên giờ đang không biết sao? cậu đi chợ cùng tớ đi, năn nỉ đấy”.

Giọng bạn ngọt hơn mía lùi khiến mình đâu nỡ chối từ. Thôi thì tạm gác công việc cùng cô bạn đi chợ sắm tết cũng vui. Thời ấy cũng khờ dại chưa biết đến chuyện hỏi chị Google. Thế nên đứng trước chợ với rừng trái cây đa dạng về chủng loại, màu sắc, đặc sản vùng miền khiến mình choáng ngợp. Chẳng trách miền nam được mệnh danh thủ phủ của trái cây nhiệt đới. Chúng tôi hoa mắt, chóng mặt chẳng biết lựa chọn thế nào. Thế là tôi vận dụng hết trí nhớ của một đứa não cá vàng để hồi tưởng lại ở quê bà tôi bày mâm ngũ quả ra sao và chỉ bạn làm theo.

Tôi nhớ đến những ngày Tết khi còn bé, hay lẽo đẽo theo bà đi chợ ngày Tết để chuẩn bị cho chiều ba mươi. Bà tôi là người rất ngưỡng vọng vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thế nên Tết năm nào bà cũng rất kỳ công chuẩn bị mâm ngũ quả để dâng lên gia tiên với tất cả tấm lòng thành. Bà tôi nâng niu từng thứ quả ngọt.

Bà nói rằng, mỗi quả dù to hay nhỏ nó đều thẫm đẫm nước mắt, mồ hôi, những nhọc nhằn của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thế nên, mỗi thứ quả ngọt đều là thành quả lớn lao mà người nông dân muốn gửi trọn tấm lòng vào đó để dâng lên ông bà tổ tiên và cũng thể hiện ước muốn của gia đình sẽ đạt được phú – quý – thọ – khang – ninh (may mắn, giàu có, sống lâu, khỏe mạnh và bình an) trong năm mới. Bà kể: ngày xưa, bố mẹ thường bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành, thế nên bà cũng học theo.

Mâm ngũ quả nhất định phải có nải chuối dạ hương xanh, lưạ chọn nải chuối nhiều quả và xoè rộng ra như một bàn tay để đỡ được tất cả những trái cây còn lại. Màu xanh ấy tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, màu xanh của hành Mộc, nên khi trưng chếch về đông một chút. Trái bưởi màu vàng của hành thổ, chọn trái nào da căng bóng, mịn màng, có cuống với chiếc lá xanh bên trên càng tốt, nên tẩm một chút rượu trắng cho thơm. Trái bưởi được trưng chính giữa, bưởi có nhiều múi, mỗi múi lại có nhiều tép cũng thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở, cho ước vọng con đàn cháu đống. Trái lê màu trắng đặt ở phía tây là hành kim, trái lê ngon ngọt thể hiện mong ước năm nay mưa thuận gió hoà, vạn sự như ý, cuối năm sẽ gặt hái nhiều thành quả xứng đáng. Trái thanh long với màu đỏ với làn da căng bóng, được đặt ở hướng nam là hành hoả. Trái hồng xiêm bà hái ngoài vườn, bà nói nó có màu nâu chính là tượng trưng cho hành thuỷ nên phải để nó ở phía phương Bắc. Mâm ngũ quả đảm bảo yếu tố về màu sắc tượng trưng cho yếu tố ngũ hành kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ. Sau một hồi tỉ mẩn, bà đã trưng bày xong mâm ngũ quả hài hoà và đẹp mắt. Bà cắt thêm một ít quất vàng, ớt đỏ ngoài vườn để tô điểm thêm, chỗ trống bố tôi bỏ thêm vài quả cam và quýt vào. Rồi bố cẩn thận giúp bà bưng lên bàn thờ gia tiên đặt chỗ trang trọng nhất.

Nhớ những gì học được từ bà qua bao năm đón Tết ngoài Bắc, tôi làm quân sư cho bạn. Hai đứa loay hoay mất cả buổi sáng đi chợ lựa trái cây, về khó khăn vất vả lắm mới bày biện vừa ý. Bạn vui mừng bởi mâm ngũ quả đảm bảo được yếu tố ngũ hành. Trong ánh mắt bạn lúc đó tràn đầy niềm hi vọng, niềm vui và khấp khểnh đợi mẹ chồng sẽ trầm trồ khen ngợi.

Thế nhưng nụ cười hai đứa tắt ngấm khi khuôn mặt mẹ chồng bạn biến sắc khi nhìn thấy mâm ngũ quả. Bà lắc đầu bảo rằng: “sao các con lại bày mâm ngũ quả kiểu này, thôi để mẹ nói Thanh nó chở mẹ đi mua mâm ngũ quả khác, sợ trưa rồi họ dọn hàng hết chắc khó mua”.

Bạn tôi mắt tròn xoe ngơ ngác, tắt ngúm mất nụ cười đang nở trên môi. Tôi bất ngờ, tò mò hỏi: cháu làm đúng như bà cháu hay làm mà bác, nó có vấn đề gì sao bác? Ba chồng bạn đi vào, nhìn mâm ngũ quả và hiểu ra mọi chuyện. Bác cười hiền từ: hai đứa bày mâm ngũ quả thế này rất có tâm, đẹp mắt. Thế nhưng trong miền nam thì lại không đạt rồi con ạ. Rồi bác từ tốn giải thích: Người miền Nam sẽ không trưng chuối bởi đọc chệch âm đi sẽ là chúi xuống, trái lê sẽ là lê lết, trái quất đọc là tắc, trái táo đọc là bom, còn cam với quýt gợi nhớ đến câu “quýt làm cam chịu”.

Lúc đó tôi mới hiểu ra mình đã sai, ở đâu âu đó, nhập gia tuỳ tục, tôi đã bỏ qua yếu tố văn hoá vùng miền mà tư vấn cho bạn một cách lạc quẻ. Hai đứa tôi chữa cháy bằng cách xin đi cùng mẹ chồng bạn để xem bà sắm mâm ngũ quả để còn học hỏi thêm.

Với người phương Nam mâm ngũ quả được lựa chọn từ là những loại quả rất gần gũi, thân quen được Mẹ thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng nhiệt đới: mãng cầu, sung, đu đủ, dừa, xoài với việc đọc chệch âm của người Nam “cầu sung vừa đủ xài” với ước muốn một năm đầy đủ, sung túc. Có nhiều người mua thêm trái dư, trái dưa-đọc chệch dả, với ước mong năm nay dư giả thêm một chút. Mân ngũ quả thể hiện tính cách của người Nam bình dị nhưng phóng khoáng, hài hước và hóm hỉnh. Tuy nhiên mâm ngũ quả thể hiện triết lý rất sâu sắc của những người Nam bộ xưa muốn gửi gắm lại cho con cháu, khuyên nhủ hậu thế phải biệt “vừa đủ” và tiêu xài đúng lúc, đúng nơi.

Cũng may là năm mới sắp sang, nên mọi chuyện không tốt năm cũ được xoá tan vào bữa cơm chiều ba mươi tết. Năm mới mọi người hướng tới điều tốt đẹp và an lành. Thế nên tai nạn ấy của chúng tôi bị mẹ chồng bạn quên ngay chiều hôm ba mươi năm ấy.

Nhưng suy cho cùng thì việc bày mâm ngũ quả theo phong cách nào, loại hoa quả bình dân hay đắt đỏ, điều đó chẳng quan trọng bằng việc chúng ta phải luôn biết ơn những thế hệ đi trước, biết ơn ông bà tổ tiên, biết ơn những người đã từng hi sinh cả xương máu của mình để cho chúng ta cuộc sống bình yên, tươi đẹp như ngày hôm nay. Mâm ngũ qủa là cách thức để thể hiện ước mơ, niềm hi vọng vào năm mới với nhiều niềm vui, may mắn, hạnh phúc.

Nguyễn Thắm