Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, một mảnh đất khô cằn nắng lửa nhưng giàu truyền thống cách mạng với nhiều làn điệu dân ca nổi tiếng. Trong đó có Ví, Giặm đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Tuổi thơ của tôi trải qua những năm tháng êm ả, thanh bình ở thành phố Vinh và cả những năm tháng bão lửa của chiến tranh ở những vùng chúng tôi sơ tán như Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Yên Thành, v.v… Ngay từ khi còn nhỏ, những lời ru ngọt ngào của bà nội, bà ngoại và của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi:
“À a à à ời … À a à à ơiii …
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải ớ ơ cành mềm, lộn cổ xuống ơ ờ ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có ớ ơ lòng nào ông hãy xào ơ ờ măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục ớ ơ đau lòng cò ơ ờ con …
“À a à à ời … À a à à ơiii …”
Khi tôi đã lớn hơn, được ở cùng ba mẹ, lời mẹ ru em cũng đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm sau những buổi lao động mệt nhọc hoặc sau những giờ học bài căng thẳng.
Có những đêm ở nơi sơ tán, chúng tôi đang ngủ ngon lành thì nhiều ánh chớp lóe lên như xé toạc cả màn đêm, kèm theo những tiếng nổ đùng đoàng đinh tai nhức óc. Em gái út khóc ré lên. Mẹ tôi vội vàng bế em chạy xuống chiếc hầm chữ A nửa chìm, nửa nổi ngay trước cửa nhà. Tôi và em gái thứ hai cũng chạy theo ba mẹ xuống hầm (Em trai thứ ba và thứ tư đang ở cùng bà ngoại và cậu mợ tôi ở Diễn Phú, Diễn Châu). Bên ngoài, tiếng phản lực gầm rú, tiếng bom nổ chát chúa kèm theo những tiếng lụp bụp của đạn pháo phòng không ta bắn lên. Trong hầm, mẹ tôi vẫn ru em nhưng với những lời ru thổn thức, bồn chồn, đầy lo lắng. Những âm thanh hỗn loạn bên ngoài căn hầm dội vào át cả tiếng mẹ ru và không để cho em tôi ngủ yên. Khi máy bay Mỹ đã đi xa, chúng tôi lại vào nhà và những lời ru em ngọt ngào của mẹ lại đưa anh em chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm như thể trước đó chưa có chuyện gì xảy ra.
Rồi tôi lớn lên, đất nước vẫn còn chiến tranh. Vừa mới bước vào năm học cuối cùng của Cấp 3 Vinh (THPT Huỳnh Thúc Kháng), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi xung phong lên đường nhập ngũ. Những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ vẫn theo tôi đi suốt chặng đường hành quân. Có những đêm hành quân lặng lẽ qua những ngôi làng vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh, tiếng chó sủa, tiếng trẻ em khóc và đặc biệt là tiếng hát ru của những người mẹ, người bà vẳng ra từ những ngôi nhà ven đường làm cho tôi nhớ nhà quay quắt.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 5/1975, từ một đơn vị bộ binh thuộc Quân khu 4, tôi được chuyển sang Quân chủng Hải quân tiếp quản Căn cứ Cát Lái của Hải quân ngụy Sài Gòn.
Đến tháng 7/1975, đơn vị tôi được chuyển ra Cam Ranh để thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126. Rồi tôi đi học sĩ quan Hải quân năm 1978. Ra trường năm 1983, tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Đến đầu năm 1984 tôi lập gia đình thì cuối năm đó, con trai đầu lòng của tôi ra đời. Tôi đặt tên cho con là Hồng Sơn, bí danh của ba tôi trong kháng chiến chống Pháp khi ông còn là Trưởng ban Quân báo. Ông đã bị thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tôi muốn con trai tôi tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình.
Vợ chồng chúng tôi và cậu con trai ở trong khu tập thể của Hải đội 9, một hải đội tàu thuộc Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân). Một căn phòng nhỏ hẹp chừng mười lăm mét vuông được ngăn làm đôi, nửa ngoài vừa là chỗ tiếp khách, vừa là nơi nấu nướng với chiếc bếp điện bằng dây may xo. Nửa bên trong đặt chiếc giường ngủ mà ba mẹ tôi mua tặng. Đến bữa ăn, nếu cậu con trai ngủ thì chúng tôi ăn cùng. Nếu con còn thức thì tôi thường trông con và ru con để cho vợ ăn trước. Một hôm, cô ấy vừa cho con bú xong, đặt con xuống thì cu cậu khóc ré lên. Tôi nghe thấy tiếng ru con:
“Cái cò, cái vạc, cái nông … à a à ời, à a à ơi …
Đang ăn chưa được nửa bát cơm, tôi sốt ruột đặt bát xuống rồi chạy vào vỗ vỗ vào mông con và ru:
“À a à à ời … À a à à ơi …
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mà tịt mít ớ ơ … Mẹ không thuộc ơ ờ rồi …”
Vừa ru đến đây, tôi nghe thấy mấy cậu lính trẻ của Hải đội 9 ở phòng bên hàng xóm cười như nắc nẻ. Thì ra mấy cậu này đến thăm nhà vợ chồng anh bạn đồng hương cũng mới sinh con nhỏ. Nghe tôi ru con như vậy mấy cậu không nhịn được cười.
Tám năm sau (1992), con gái tôi cất tiếng khóc chào đời. Những lời ru của bà, của mẹ năm nào lại được tôi cất lên để đưa cô con gái rượu vào giấc ngủ êm đềm:
“À a à à ời … À a à à ơi …
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày dẫm lúa ớ ơ ruộng ông hỡi ờ cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó ớ ơ đổ ơ thừa cho ớ ờ ơ tôi …
À a à à ời … À a à à ơiii …”
Rồi các con tôi cũng trưởng thành, dựng vợ, gả chồng. Dù đang sống và làm việc trong Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng con dâu và con gái tôi khi sinh cháu đều về ở nhà tôi tại Nha Trang chừng ba tháng. Lần lượt với tư cách là ông nội rồi đến ông ngoại, tôi lại có cơ hội để thể hiện khả năng ru cháu của mình. Mỗi lần các cháu khóc, mẹ các cháu chỉ biết thực hiện một hành động quen thuộc và cũng là “sở trường”, đó là “cả vú lấp miệng em”. Nhưng khi các cháu đã no mà vẫn khóc thì các mẹ đành phải “bó tay chấm com!” Và đó cũng chính là lúc ông nội/ông ngoại được phép “trổ tài”. Chỉ cần lời ông cất lên mượt mà sâu lắng, các cháu như biết “luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”. Có nhiều hôm, quán ăn vỉa hè đối diện nhà tôi, nơi tụ tập của các “anh tài bợm nhậu” sau giờ tan tầm. Họ cứ nâng ly rồi “Zô! Zô! Uống!” làm các cháu tôi đang ngủ ngon lành trên tầng hai cũng phải giật mình thon thót rồi khóc ré lên. Nhưng nghe thấy lời ru ngọt ngào của ông, các cháu lại chìm vào giấc ngủ ngon lành và các “bợm nhậu” ngoài kia hình như cũng “biết lắng nghe và luôn thấu hiểu” nên chỉ còn là những tiếng thì thầm nhỏ nhẹ để được thưởng thức lời ru ngọt ngào như rót vào tai của một ông già ở độ tuổi sáu mươi nhưng vẫn còn cường tráng?
“À a à à ời … À a à à ơi …
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy ớ ơ còn trông nhiều ơ ờ bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng ớ ơ trông ngày, trông ơ ờ đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng ớ ơ mới yên tấm ơ ờ lòng
À a à à ời … À a à à ơiii …”
Giờ đây, ông đã ở độ tuổi “cổ lai hy” và cổ họng đã khò khè. Nhưng nếu như có thêm đứa cháu nào, và thậm chí cả khi có chắt, ông vẫn sẵn sàng làm “Lời ru trên nương” hay “Lời ru bên cánh võng” cho cháu, chắt của ông có một hành trang nhân ái trước khi bước vào cuộc đời đầy bão tố, phong ba.
Đặng Thanh Bình.