“Khi hạt phù sa bật khóc là lúc con vừa rời lòng mẹ. Đỏ hoe như bùn non, nhuốm phù sa sông Hồng. Từ đáy sông con mang trong mình cuộn trào những khát khao và cả những ngọt ngào của dòng sông đang hát. Cho con thêm hiểu, nghìn năm đất Thăng Long lịch sử, mang đắng cay, ngọt bùi hòa quyện với vị nồng của biển. Từ ngàn năm vẫn thế, muôn đời vẫn thế, cứ reo ca sông Hồng, bồi đắp thêm mãi, thêm mãi… phù sa… để bốn mùa trù phú, thêm tươi, thêm tốt…”. Đó là đoạn mở đầu trong tản “Sông Hồng hát” của Lê Minh, người được mệnh danh “Người viết tản văn như tình ca”.
“Sông Hồng hát” là tập sách gồm 32 tản xinh xắn, gói trọn trong 171 trang, vừa được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành trong tháng Năm vừa qua.
Không phải lần nầy, tôi mới được đọc văn của Lê Minh. Tôi, thỉnh thoảng, được đọc nó trên Tản Văn Hay, trên trang cá nhân của Minh hay trên một số trang báo và tạp chí nào đó. Lần nào đọc, lòng cũng đầy cảm xúc. Và lần nầy, tôi được cầm trên tay tập tản của Lê Minh, thật vui mừng và cảm động!
“Sông Hồng hát” là tập hợp những tản Lê Minh viết khi còn lưu lạc ở xứ người để mưu sinh và buộc phải phải hy sinh nhiều thứ. Nếu không vậy, anh đã không tự hỏi mà cũng là tự khẳng định rằng: “ Có phải chăng sự mưu sinh cho cuộc sống của một con người luôn phải nằm trong một khúc quanh nào đó của cuộc đời khi phải hy sinh, khi phải đánh đổi ?”
Ta thấy sâu đằm trong Lê Minh là một nỗi thương nhớ khôn nguôi với mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên: “Tôi xa Hà Nội đã hơn ba mươi năm, ngần ấy thời gian càng làm nỗi nhớ và tình yêu của tôi đối với Hà Nội ngày một thêm dài, ngày một thêm rộng…”. Và trong lòng, người ấy luôn hằng nhớ: “Nơi mẹ sinh con ra huyện Đông Anh, phía bắc Thăng Long, nơi một làng quê nằm cạnh sông Hồng, hòa cùng lời ru của mẹ có cỏ chân đê miên man cùng gió, có sông Hồng như lật từng trang vở tuổi thơ. Sông dài rộng nuôi con dần khôn lớn”… “Trong giấc mơ nơi xa xứ của con đàn cò trắng trong hồn vẫn bay trên sóng nước”. Nơi đó có “ Ngôi nhà xưa” “Ngôi nhà ấy cất giữ những mùi hương thời thơ ấu”. Có “Âm thanh trong trẻo, tiếng mưa rơi, tiếng mẹ cha thân thương trìu mến. Và của những buổi chiều quây quần bên mâm cơm ấm áp không khí tình thân” Ngôi nhà giờ đây chỉ còn trong hoài vọng, trong những giấc mơ khiến lòng anh xa xót không nguôi. Để rồi anh tự nhủ: “Còn hơi thở con sẽ về với sông xưa, nơi sông Hồng vời vời vợi tuổi thơ, với phượng nở đôi bờ cùng tiếng ve râm ran hát. Về với tháng năm bâng khuâng, về với nồng nàn Hà Nội”
Có lúc quá thương nhớ, Lê Minh cũng vội vã trở về rồi vội vã đi!
Là người trầm tĩnh, sống nội tâm, thích những gì lặng lẽ yên bình, vì vậy khi trở về, anh đã một mình thả những bước chân trên con đường quen thuộc về đêm để cảm nhận cho hết cái hồn của Hà Nội trong thinh lặng: “Đêm. Rất yên tĩnh. Có lẽ chỉ khi đêm về tôi mới cảm nhận được một Hà Nội thanh bình với từng con phố, một Hà Nội vốn có của ngày xưa mà thôi”, “Tôi rất yêu Hà Nội khi đêm về, những con phố cổ của Hà Nội về đêm lại càng tĩnh mịch hơn bao giờ hết nhưng lại mang được cái hồn của Hà Nội. Những gì thanh lịch nhất, cổ kính nhất đều hiện hữu ở nơi đây”.
Chính vì yêu, vì thương vì sợ giấc mơ nào cũng tan, ước mơ nào cũng mong manh rồi vụt mất. Tất cả như chiếc cầu vồng đẹp sẽ tan sau cơn mưa. Nên khi đang về lại nghĩ lúc mình đang đi, để rồi yêu, để rồi nhớ và muốn ôm tất cả vào lòng: “Vài hôm nữa, tôi sẽ xa Hà Nội, biết bao giờ gặp lại. Tôi nhớ Hà Nội cả lúc trời mưa, nắng nhạt rơi thầm lặng, khi cơn mưa vừa dứt, cơn gió đi ngang chỉ còn bụi phố…”
Trong” Sông Hồng hát” còn là tình yêu dành cho mẹ, người mà anh luôn canh cánh trong lòng . Hay mẹ chính là một phần của quê hương đầy thương nhớ trong anh!
Mẹ anh, người phụ nữ một đời tần tảo và hy sinh vì chồng vì con. Người phụ nữ ấy có chồng là lính đảo Trường Sa nên cả đời sống trong lo lắng và chờ mong. Có lẽ, không ai hiểu sự hy sinh của mẹ bằng anh, anh đã xót xa khi thấy : “Con ngõ nhỏ nơi ngóng đợi bố về, nơi mùa thu Hà Nội đẹp đến say mê, mẹ vẫn run run khắc khoải chờ mong. Nghe thấy mùa hoa sữa nồng thơm lòng đầy trống vắng. Nhìn thấy liễu bên Hồ Gươm xõa tóc mà nuối tiếc từng sợi thanh xuân của mình cũng đang dần trôi qua”, “Mấy mươi năm chịu khổ thiệt thòi từ khi mẹ lấy cha. Ấy là lúc cha mang trong mình lời thề Tổ Quốc. Mẹ vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là bạn của con. Gió cứ thổi, mưa mãi giăng, thời gian bình thản đi qua suốt cuộc đời, gieo lên tóc mẹ màu trắng. Lại thưa … rồi lại rụng…”. Đọc những dòng chữ nầy lòng ta cũng không khỏi xót xa, cảm động !
Người phụ nữ ấy hết chờ chồng rồi lại đợi con: “Hà Nội của mẹ chỉ còn đón tôi về trong xác xơ của mùa đông, để rồi tôi lại ra đi trong vội vã… bao nhiêu năm của mẹ lại vẫn trong ngóng chờ, vẫn lại trong chia xa”
Cho nên Lê Minh yêu mùa xuân, yêu nụ cười của mẹ và ước ao: “Giá như mùa xuân của mẹ cũng như mùa xuân của đất trời thì sẽ hạnh phúc biết bao khi luôn có mẹ”
Bên cạnh mẹ là bà, người đã chăm sóc anh ngày còn bé. Tuổi thơ anh không may mắn ở bên bố mẹ như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngay từ lúc lên bốn anh đã sống xa bố mẹ mình. “Dường như ông trời cũng thấu hiểu cho điều đó nên đã bù dắp thiệt thòi ấy bằng cách cho tôi được sống vui vẻ hạnh phúc bên ông bà nội trong những năm tháng tuổi thơ” . Hình ảnh bà nội in sâu đậm trong trí nhớ, trong lòng anh. Mãi sau nầy, bà đi xa, khi trở lại nơi cũ, lòng anh đầy xót xa: “Tôi ngờ nghệch tựa mình vào cổng, nơi từng ngóng bà đi làm đồng về cuối buổi chiều hôm. Giờ đây rêu phong thỏa sức xanh rì cùng bóng thời gian sẫm in lên đó. Cuộc đời cho tôi người bà và mùa hạ yêu thương như thế. Chúng tôi đã cùng nhau đi suốt quãng đường dài. Sao không đi được cùng nhau đến đoạn đường cuối …Lúc “nghĩa tử là nghĩa tận” lại thiếu vắng nhau … Bà ơi … !” Ta, hình như, không phải đang đọc một đoạn văn mà đang nghe một tiếng khóc nấc nghẹn ngào!
Là người sống chân thành và ấm áp, Lê Minh yêu từng giọt nắng, hạt mưa và rung cảm với những gì xảy ra chung quanh, từ một bông hoa bồ công anh bé nhỏ, một màu hoa tulip xứ người hay bóng mùa qua (Bay đi bồ công anh, Tin ở tulip. Hai mùa hạ tím, Những cung bậc mùa thu, Giấu chân mùa thu), ta cũng thấy một Lê Minh thấu hiểu và đồng cảm trong ” Những màu xuân Sa Pa”, “Bình minh mùa vàng Mù Cang Chải” hay “Tình ca Tây Bắc”
Chín chắn và giàu tình yêu thương nên Lê Minh cũng hay suy nghĩ về những điều diễn ra chung quanh. Vì vậy, đọc những tản văn của Lê Minh, chúng ta cũng bắt gặp ở đó những suy tư, những chiêm nghiệm sâu sắc: “Hạnh phúc là gì?”, “Thư gửi con gái” , ” Cảm xúc”, “Tình người tri kỷ” …
Hãy nghe Lê Minh nói với con gái mình: “Con yêu, phụ nữ từ khi sinh ra đã phải chịu nhiều đau khổ, phải mang thiên chức làm vợ, làm mẹ từ khi lập gia đình. Sự công bằng giữa phụ nữ và đàn ông là không bao giờ có, trừ khi người đàn ông ây biết sinh con”
Hay khi nói về thời gian: “Ghê gớm và đáng sợ nhất cũng là thời gian. Hạnh phúc và vui vẻ cũng là thời gian. Liệu trong cuộc đời của chúng ta có bao nhiêu lần để cảm được vẻ đẹp của thời gian? “
Nói về tình yêu thì: “Cần bao nhiêu đêm dài mới gọi là thao thức, cần bao nhiêu thổn thức mới gọi là nhớ mong, cần bao nhiêu yêu thương trong lòng mới gọi là tình yêu mãi mãi”
Khi nói về tình tri kỷ có bao nhiêu là ý kiến, riêng Lê Minh đã nói một cách rất hình tượng và hay: “Tôi xòe tay ra và nghĩ… Tri kỷ trên đời nầy giống như một hạt nước được thả từ trên trời mà khi ta giơ tay ra hứng nếu như hạt nước ấy nằm trọn vẹn trong lòng tay ta, hiểu ta như bản thân ta, chấp nhận cả cái xấu của ta, bao dung , thấu hiểu, chia sẻ với ta thì đó chính là lúc đã khắc tạc vào lòng nhau rồi… Tình tri kỷ!”
Là người viết tản như “viết tình ca”, trong tản của Lê Minh có sự hòa quyện nhuần nhuyễn của tự sự, trữ tình pha một chút triết luận vì vậy tản rất thu hút và hấp dẫn, để lại dư âm trong lòng người đọc.