“Cô đơn, đi về nhà. Pheeng! Pheeng! Pheeng! Thành công, đi về nhà. Boong Boong Boong!Thất bại, đi về nhà. Mệt quá, đi về nhà…Mung lung, đi về nhà. Chênh vênh đi về nhà. Chênh ênh! Chênh ênh! Chênh êng! Đi về nhà…không có việc gì…Đi về nhà…Oh…Đi về nhà…là đi về nhà…Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần xa. Thất bại hay vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta. Nhà chúng ta ở buôn Leck …yea yea yeayea”.
Ca khúc tự chế ấy lũ bắng nhắng chúng tôi đã hát say mê cùng nhau mải miết, trong những cuộc hành trình vội vã ra đi, vội vã trở về của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở buôn Leck. Nhạc của bài không theo một trật tự nào cả, nó chẳng phải điệu Rock, Rap, Hip hop thời thượng đang thịnh hành…mà là theo những nhịp chiêng. Những nhịp chiêng cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở buôn Leck hát thâu đêm suốt sáng bên bếp lửa nhà dài, từ mùa đông dài đến tận mùa xuân, không ngơi nghỉ bao giờ.
Những nhịp chiêng nghiêng. Chiêng nghiêng bên đông mưa giông trời bão. Chiêng nghiêng bên Tây rám nắng trời nồng. Chiêng tuk chiêng tak mừng đón bạn đến chơi. Chiêng kuk, chiêng kok tiễn đưa người về thế giới nhà Yàng. Đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên ở Buôn Leck mà không nghe được tiếng chiêng. Những được và mất, khó khăn, thành công hay thất bại …tất cả đều được tỏ bày bên bếp lửa nồng trong ngôi nhà rộn rã tiếng chiêng nghiêng mùa xuân biêng biếc.
Thập thoong! Thập thoong! Thập thoong!
Trong không gian im ắng đó, từng tiếng chiêng ngân nga vang lên, như vọng lại từ một không gian xa xôi thần bí. Tôi nhớ những ngày xuân xưa theo cha cùng các già làng Ma Thép, Ma Nhau và lũ làng buôn Leck ra đầu nguồn con suối cúng bến nước, tiếng thập thoong được lũ thanh niên trai tráng trong buôn tấu lên suốt ba ngày bảy đêm. Tôi nghe như tiếng núi, tiếng suối, tiếng sông, tiếng ngàn xưa vọng về qua tiếng chiêng ngân.
Mừng ngày hạt lúa theo người về nhà, mùa ăn năm uống tháng của người Ê Đê, tiếng thập thoong phủ tràn núi đầy rừng. Mừng mùa bội thu, lúa tràn nhà, heo, gà đầy sân chật bãi nhiều như lá ngoài rừng. Tiếng chiêng ngân xa vang chín tầng trời, mười tầng đất cảm tạ ơn Yàng cùng các thần thương lũ làng buôn Leck cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi tà ma dịch bệnh.
Ngày già làng Ma Thép qua đời, suối ngừng reo, gió ngừng thổi, tiếng thập thoong ngân một tiếng dài báo cho người buôn gần, buôn xa theo tiếng chiêng mà về. Đứa con gái nhỏ là tôi, cũng lăng xăng hết tìm cây nguck luk đưa nhát rìu bé xíu chạm vào tạo thành khỉ sầu đời tay chống cằm tiễn đưa người về đất làng trời.
Chiêng dồn dập. Chiêng ngập mái nhà Sang. Người già ngồi hát kưt tiễn đưa người bạn cũ. Lũ trẻ tụ hội ca bài ây rây, tạ ơn tất thảy đã dựng xây buôn Leck đẹp tươi. Chiêng vang báo cáo tổ tiên nhận một linh hồn mới. Chiêng rộn rã mừng đứa trẻ chào đời, đứa ra đi học hành công thành danh toại…
Trong nhịp chiêng nghiêng ấy, lũ làng buôn Leck không ai quên được già A Ma Thưng, người được Yàng phái xuống buôn Leck làm sợi dây nối trời gần đất xa. Người gọi hồn chiêng, với đôi tay thần kỳ “buộc” chiêng phải theo nghe theo sự sai khiến, điều khiển của mình. Chỉ cần một chiếc búa nhỏ. Chinh! Bing!Một tay gõ, một tay già A Ma Thưng áp sát tai vào chiếc chiêng còn lấp loáng ánh đồng, cái mũi chun chun lại hít hít hà hà mà như đang rủ rỉ rù rì trò chuyện cùng chiêng. Cái ánh mắt khi già Ma Thưng nhìn chiêng, nó đắm đuối, khắc khoải, hoang hoải mà không một người nào ở buôn Leck có được. Khó lắm.Để có khi nữa đêm, đang giấc giữa chừng, tôi nghe tiếng chiêng vang lên đột ngột, cô đơn như một tiếng động vừa rơi lơ lửng giữa bầu trời mênh mông của núi rừng thâm u huyền bí. Tiếng chiêng xuyên qua khe cửa nhà tạo thành những vệt sáng dài, vừa run rẩy, vừa di chuyển chậm chạp men theo vách nứa trên tường.
Đã có bao nhiêu phận người đã được đổi thay nhờ sự giúp đỡ kịp thời của lũ làng, trong những tối quây quần bên bếp lửa cùng nghe những tiếng chiêng ngân nghiêng? Tôi không biết được. Nhưng tôi chắc chắn đã có rất nhiều câu chuyện được trao truyền theo cách như vậy. Để chúng tôi những đứa trẻ đi xa, mỗi mùa xuân sang đều vội vã trở về, quẩn quanh bên bếp lửa cùng nhau say sưa nghe người già kể chuyện, tấu chiêng. Những nhịp chiêng làm nên một tâm hồn Ê Đê bay bổng, một khí chất Ê Đê mạnh mẽ, một tình yêu Ê Đê sâu nặng với đất đai sông núi quê nhà.
Chiêng tiễn người đi. Chiêng đón người trở về. Tôi cứ thế men theo tiếng chiêng mà lớn dần lên theo ngày theo tháng. Tôi đã rất nhiều lần cứ thiếp đi trong lòng mẹ hoặc lăn ra cạnh bếp lửa, lúc nào tỉnh dậy lại nghe tiếp. Trong giấc ngủ của mình, tôi thấy mình biến thành một nữ tù trưởng dũng mãnh, để rồi khi lớn lên tôi luôn mang trong tâm trí hình ảnh cùng niềm khát khao trở thành những nhân vật dũng cảm đó.
Bên bếp lửa bập bùng trong không gian cổ tích của ngôi nhà dài, tiếng trầm trầm của chiêng Liêng Kon thầm thì với những ước mơ cháy bỏng trong ánh mắt trẻ thơ về một xã hội đầy những điều tốt đẹp và ấm no.
Thủy Vũ