Tôi được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê thuần nông. Cuộc sống của người dân lam lũ, nghèo túng bởi chế độ xã hội phong kiến, chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Trên cánh đồng mỏi cánh cò bay với hai mùa lúa chính (Chiêm, Mùa) và gối vụ rau màu.

Người nông dân hai sương, một nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng đời sống vẫn thường xuyên thiếu ăn, thiếu mặc. Cuộc sống bên cánh đồng xanh bát ngát, những ngôi nhà mái rạ ẩn dưới vòm tre. Uống nước ao tù, ấm nồng khói rơm ấy vẫn vẳng lên lời ru ngọt ngào cùng tiếng kẽo kẹt của võng đay, thi thoảng có tiếng “lạch phạch” của quạt mo cau đập muỗi hoặc tạo luồng gió mát.

Tôi là kết quả của một mối tình chắp vá mà người đời gọi là “rổ rá cạp lại” giữa thầy tôi và bu tôi. Bu tôi, người đàn bà đẹp, hoạt trong buôn bán hàng thúng, hàng mẹt chợ quê, của đất làng Hoa nổi tiếng ven sông Hồng tỉnh Nam Định. Vừa đoạn tang chồng, chiến tranh căng thẳng, theo chủ trương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bà cùng đoàn tản cư đưa anh tôi (cùng mẹ khác cha) tới ẩn dật tại làng tôi, một làng nghèo quê lúa. Bà ở nhờ người hàng xóm, buôn bán qua ngày để duy trì cuốc sống hai mẹ con trên đất khách quê người.

Thầy tôi, người đàn ông khắc khổ, toàn thể thân hình ông đã bị biến dạng do lao động cực nhọc, thiếu thốn từ miếng ăn, cái mặc, bệnh tật không thuốc thang. Ông sống độc thân trong một túp nhà rạ một gian hai chái, ẩm thấp như lều hoang. Ăn uống, sinh hoạt bằng sự đổi chác con tôm, cua, tép bắt được trên các sông, ngòi, rau cháo qua ngày…

Bu tôi thường nhờ thầy tôi xay thóc giã gạo để bà làm hàng xay, hàng xáo. Bằng kết nối ấy và sự mai mối của hàng xóm láng giềng …rồi hai người đến với nhau cùng nhà, cùng mâm. Bà sắm sửa cối xay lúa, cối giã gạo và thầy tôi nghiễm nhiên không phải làm thuê nữa.

Tôi được sinh ra khi cuộc chiến tranh Đông Dương chuẩn bị kết thúc. Bu tôi mải mê công việc chợ búa, tôi tha thẩn nghịch đất, nghịch cát quanh nhà, thầy tôi vì bệnh tật nên ông cũng chỉ quanh quẩn đan lát rổ, sảo cho bu tôi đi chợ. Mỗi khi buồn ngủ là tôi la cà đến bên “thầy ơi, ru con”. Không quan tâm đến sạch sẽ, dẫu tay chân còn đầy bùn đất…thầy vẫn bế tôi lên chiếc chõng tre…và giấc ngủ của tôi êm đềm theo lời kể chuyện của thầy tôi thay tiếng “ầu ơ” ít ỏi của bu tôi.

Thầy tôi mồ côi cha mẹ khi còn thơ ấu, 6 tuổi ông được một thầy đồ (gọi là ông Tú) cưu mang nuôi nấng trong nhà với vai trò là “ở đợ”. Trên bốn chục năm ở nhà ông Tú, từ khi chỉ biết coi đuổi gà trên sân phơi thóc đến khi là một canh điền thực thụ…. Ngoài công việc đồng áng ra, thầy tôi luôn được tiếp xúc với lời giảng bài của ông Tú với từng lớp học trò nơi thôn dã. Tuy không được học hành, không biết mặt chữ nhưng những bài giảng của ông Tú đã được thầy tôi nghe lỏm nhập tâm và thuộc lòng. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, biết tình hình thời cuộc nên ông Tú cho thầy tôi về nơi chôn nhau cắt rốn; khi ông đã trên bốn chục tuổi. Được họ hàng giúp sức, thầy có được túp nhà trên mảnh đất hương hỏa cho tới khi bu tôi về ở cùng.

Gần năm mươi tuổi thầy tôi mới có tôi, khi mà răng ông đã rụng gần hết. Ông gom nhặt tất cả những trí nhớ để gửi gắm yêu thương lên tôi bằng những câu: “nhân chi sơ, tính bản thiện”; “nhất là một, nhị là hai, tam là ba, gia là nhà, quốc là nước, tiền là trước, hậu là sau, ngưu là trâu, mã là ngựa, khuyển là chó, dương là dê…” “nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí…”; . Những câu chuyện ngụ ngôn như “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Trống Trân Cúc Hoa”; “Sự tích Mai An Tiêm” v.v.. được thầy tôi thuộc lòng và thầy gọi là “lời ru”. Tất cả những câu chuyện, bài học nhập tâm đó được lặp đi lặp lại gieo vào tâm hồn thơ bé của tôi. Sau này lớn lên, tôi cảm nhận được sâu thẳm trong “lời ru” của thầy tôi sự vất vả gian truân của cuộc đời, sự sần sùi của tâm hồn và thể xác mà thầy tôi muốn gửi gắm và hy vọng vào sự lớn khôn, trưởng thành của tôi. Những kinh nghiệm sống làng quê, cách đối nhân xử thế giữa con người với con người… mà thầy tôi học lỏm được đều trở thành “lời ru” mà tôi ghi tạc cho tới bây giờ về ý thức và thành quả lao động của người nông dân: “đời cha cho tới đời con/muốn vót cho tròn thì phải vót vuông”; “làm trai cho đáng nên trai/muốn có cơm trắng phải chai tay cày”; “gái kén chồng ra đồng mà ngó/trai kén vợ đi chợ mà trông”…

Buổi tối là lúc gia đình đoàn tụ, sau bữa cơm chiều bu tôi dành thời gian sắp xếp hàng bán hôm sau, lúc xong việc bà ẵm tôi vào lòng như một sự bù đắp tình mẹ trong những lúc bươn trải mà xa con. Tiếng ru của bu tôi dịu êm, ngọt ngào: “Cái ngủ mày ngủ đi nhe/mẹ còn đi chợ bán chè bán rau”; “Số khó làm chẳng nên giầu/Thức khuya dậy sớm mà đau mạng sườn”; “Bồng bồng mẹ bế con sang/Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo”; “Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy nhứng lời mẹ cha”; “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…” v.v… Cũng chỉ vài câu là lời ru của bu nhỏ dần rồi tắt lịm thay vào hơi thở đều đều trong khi tôi chưa ngủ. Dẫu ít ỏi được bu ru, nhưng lời ru được nhắc lại nhiều lần…rồi hằn vào tâm trí tôi cho tới tận bây giờ.

Lớn lên, ngồi trong ghế nhà trường, được các thầy cô truyền thụ kiến thức rồi sau đó trưởng thành, lời ru của bu tôi, câu chuyện của thầy tôi đã ngấm vào máu, trở thành ý thức hệ. Sau này tôi mới hiểu ý nghĩa và dụng ý của bậc sinh thành muốn trao cả khả năng và ước vọng của bản thân cho đứa con bằng cả tấm lòng chân thật, cũng như truyền đạt những ước mơ, những nỗi niềm thân phận để trở thành kiến thức và hành trang của con khi lớn khôn.

Khi được đứng trên bục giảng trước các sinh viên, mặc dù không phải trọng tâm truyền thụ, chỉ là câu chuyện ngoài lề cho tiết học bớt căng thẳng cũng như trao gửi kinh nghiệm học, kinh nghiệm sống tôi thường dùng câu của thầy tôi: “nhân chi sơ, tính bản thiện”; “nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí…”.

Trong cuộc đời có điều vui, điều buồn; cuộc sống có lúc gặp khó khăn, trắc trở thì hình ảnh thầy, bu tôi lại hiện lên trong tâm trí tôi. Sự thăng trầm, trải qua nhiều biến cố nhưng thầy, bu tôi vẫn dành cho tôi ngoài sự sống vật chất và gieo còn vào tâm thức tôi những điều tốt đẹp nhất, những ý nghĩa đạo đức, nhân văn mà mỗi con người cần phải có để hoàn thiện chính mình.

Lời ru là tấm lòng của bậc sinh thành, không chỉ là âm nhạc dễ ngủ mà còn là hình thức nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn con người. Nó mang lại cảm giác an yên, giảm căng thẳng và tạo nên một không gian trìu mến. Ảnh hưởng tích cực của lời ru có thể thấy rõ trong sự cân bằng tinh thần và tăng khả năng tập trung, góp phần hình thành nhân cách tích cực, là thứ không thể thiếu trong cuộc đời tôi.

Phạm Khắc Mã