Vẫn là phong cách quen thuộc của Hồ Huy, ào ạt, ứ tràn, thăng hoa, mãnh liệt, có cảm giác khi viết, anh khó có thể ngồi bình lặng bên bàn, cần mẫn và nhẫn nại. Với giọng văn, hơi văn, khí văn như trước giờ chúng ta vẫn thấy, không chừng tác giả tay cầm điện thoại, tay gõ, bước chân lãng tử bay lượn theo nhịp dặt dìu trùng điệp của xúc cảm, câu chữ…

Hồ Huy có biệt tài tạo tính nhạc cuốn hút, ma mị cho văn chương, tính nhạc ấy có từ các cấu trúc từ ngữ, câu, đoạn trùng điệp, như “Những đôi mắt sóng sánh, những nụ cười sóng sánh, những ánh bạc từ lòng sông bay lên sóng sánh…”; từ hệ thống hình dung từ cùng các từ láy tượng thanh, tượng hình, biểu cảm – hệ thống từ vựng đặc biệt này nhiều khi kết hợp với những phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác bất ngờ đã tạo những hiệu ứng liên tưởng, mở rộng nghĩa, độc đáo tới ngỡ ngàng, ví như “nghêu ngao hát, thấm thoắt guitar […] họ chang chang nắng, họ trong veo gió…”.

Có bạn đọc từng bình và nhận xét: văn Hồ Huy không có cao trào, bởi tất cả đều là cao trào – tôi cho rằng đó là sự thấu cảm tinh tế của tri âm vì văn Hồ Huy quả có như thế – khi văn không có cao trào, nó nhàn nhạt, buồn buồn, như buổi chiều buồn, như tà dương úa héo; còn khi tất cả là cao trào, nó cuốn người ta đi, không kịp nghĩ, không kịp thở, như sóng, như gió, như cuồng phong bão tố, bạo liệt và say mê. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ một so sánh đã tới với tôi nhiều lần khi đọc tản văn Hồ Huy nói chung, Cây cầu cô đơn nói riêng: văn Huy như tình yêu, lụy tình tới nhiều khi bất tri lý – mà nói cho cùng, từ thuở khai thiên lập địa tới nay, mấy tình yêu là có lý, chẳng thế mà ở nhiều nước, Thần Tình yêu Eros không chỉ là một đứa trẻ (vì tình yêu đích thực luôn ngờ nghệch, dại khờ), có cánh (vì tình yêu luôn rất nhanh, dù bay đến hay bay đi), có cung tên (vì tình yêu thường khiến tim ta đau đớn), mà còn có cả dải băng đen bịt mặt (vì trái tim ta luôn mù lòa khi đứng trước tình yêu)! Sẽ hoàn hảo hơn nếu để “những bản nhạc made – in Hồ Huy” có thêm nhiều dấu lặng của thông điệp tư tưởng, văn cần lôi cuốn, nhưng cũng cần neo giữ người đọc dừng lại với những suy tư, điều đó giúp văn anh đằm sâu hơn, dù cũng vì thế mà sẽ “nguy hiểm” hơn với những trái tim yếu đuối!

Riêng tản văn này thì hơi khác, vẫn tính nhạc mê man cuốn hút lôi kéo dẫn dụ, nhưng lõi sâu trong tư tưởng của tác phẩm lại khiến tôi bàng hoàng mà dừng lại bởi tứ được gợi ra từ hình tượng Cây cầu cô đơn, một tứ đặc biệt có sức dẫn dụ cả những bước chân ngại ngùng nhất đặt lên cầu, chiêm nghiệm, suy ngẫm. Trong Tràng giang của Huy Cận, nhà thơ buồn bã trước không gian chỉ có những con đò dọc “xuôi mái nước song song”; còn là “Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật…” – cây cầu hay những chuyến đò ngang là những phương tiện nối liền hai bờ sông, khi dòng sông “không đò/ không cầu” thì có nghĩa là sự cô đơn ở đó đã ngự trị tuyệt đối tâm hồn con người, bởi họ không thể hoặc không có nhu cầu lại qua, giao cảm!

Nhưng tới Cây cầu cô đơn của Hồ Huy thì kể cả khi có cầu rồi, bước qua rồi, con người vẫn cô đơn! Tôi đặc biệt yêu phát hiện này: “…chỉ vài sải chân thôi đôi khi, mà từ bên này cầu để đạp đất bờ bên kia, có cảm giác tôi thấy mình đã bước qua nỗi cô đơn thế gian”. Thì ra cầu hay đò ngang, hay cáp treo… cũng chỉ là những phường tiện phụ trợ bên ngoài, khi tâm hồn con người lạnh lẽo trong nỗi cô đơn thì dù vượt qua mênh mông, tới được với nhau, vẫn chỉ là hai nỗi cô đơn bên nhau, ngoài nhau, không thể sẻ chia, xâm nhập, quyện hòa, “Em là em, anh vẫn cứ là anh/ Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành/Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật”.

​“Nỗi cô đơn thế gian”, nỗi cô đơn nhân gian, đó là nỗi cô đơn mang tính bản thể của nhân loại, là nỗi cô đơn vừa đau khổ, vừa sang trọng của con người –phát hiện này khiến tôi nhớ tới câu thơ “Mỗi con người ra đi- một thế giới mất đi” của Yevtushenko. Con người đến và đi khỏi nhân gian như một thế giới khép kín với những bí mật; kể cả tình yêu cũng bất lực trong nỗ lực chia sẻ, tỏ bày… – tuy nhiên, chúng ta vẫn không bao giờ chối từ những cây cầu, dù là “cây cầu cô đơn”! Bởi cô đơn khiến ta khao khát, và niềm khát khao luôn đem lại hạnh phúc, và tình yêu!
Cám ơn Cây cầu cô đơn và chàng lãng tử bay lượn trên cầu!

Trịnh Thu Tuyết