K hi trái đất chạm một vòng quay tròn đầy, ba trăm sáu lăm ngày năm cũ với bộn bề toan lo đã khép lại phía sau. Ấy là khi tết đến xuân về. Khắc giao thừa linh thiêng trộn rộn bao điều mê đắm. Vị tết lan tỏa trong không gian và lắng đọng cùng thời gian. Tết quê mênh mang hương xuân lộc biếc ngoài thiên nhiên kết hợp vớị mùi hương trầm ngát thơm trên ban thờ tổ tiên tạo thành một vị xuân đặt biệt lắng sâu tâm cảm mỗi người.

Quê tôi thuở ấy, từ chiều ba mươi khắp làng, khắp xóm đã lan tỏa mùi thơm no ấm của vị nếp mới ẩn trong từng chiếc bánh chưng xanh. Bữa cơm tất niên rộn rã mùi thơm của thịt mỡ dưa hành, cá nướng canh măng, giò lụa nem tai… Xen trong tiếng cười nói, lời chúc tụng là những quan tâm yêu thương săn sóc của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu. Bữa cơm tất niên thực sự là bữa cơm sum vầy.

Với tôi những mùi thơm trên mâm cơn tất niên chỉ để lại dư vị thoáng qua. Bởi hương vị ám ảnh nhất tuổi thơ tôi mỗi dịp tết đến là mùi băng phiến. Những bộ quần áo mới được cha tôi dùng tem phiếu mua ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh từ nhiều tháng, thậm chí từ nhiều năm trước, được bọc kín cùng băng phiến chống dán, mối, mọt… cất trong tủ, trong va li, cứ đến dịp tết mới được mang ra cho con mặc. Mùi băng phiến hăng hăng, ngai ngái, khe khé… kết hợp với mùi vải mới từ những chiếc quần xanh chéo, áo lon hoa là thứ mùi nửa quê, nửa phố rất đặc trưng mỗi dịp tết đến xuân về. Vị băng phiến lan tỏa khắp ngã bảy ngã ba, khắp đường xa ngõ gần, cứ chạm mặt đứa trẻ con nào trong dịp tết cũng thấy. Mùi hương ấy ám ảnh đến độ sau tết nhiều tháng nó vẫn len vào những giấc mơ của tôi.

Sau bao nhiêu háo hức chờ đợi thì khắc giao thừa cũng đã đến. Việc đầu tiên mà ông nội tôi làm là kính cẩn thắp nhang lên ban thờ tổ tiên. Những làn khói bảng lảng từ các vòng nhang hòa cùng làn khói trắng tinh của những cây nhang nguyên vị trầm hương làm cho khoảnh khắc giao thừa thật kì diệu. Khói nhang thoảng vị thanh cao, sâu lắng, đậm đà hòa cùng vị thơm ngọt ngào trên các phong bánh, hộp mứt, gói kẹo tạo thành một vị xuân thật linh thiêng, ấm áp. Được nội cho đứng hộ lễ bên ban thờ tôi thả sức hít hà mùi hương thơm ngát của các loại cây trái trên mâm ngũ quả: Vị chuối xanh đậm màu nhân nghĩa, vị bưởi đào biếc lòng hiếu thảo, vị quất vàng ngát hương may mắn, vị đu đủ tươi niềm sung túc, vị táo quê giòn niềm hạnh phúc. Hương vị tổng hợp của các loại quả đó là hương vị tuyệt vời nhất, nó hội đủ tất cả vẻ đẹp của tết Việt hồn quê trên mỗi ban thờ mà các gia đình người Việt luôn có ý thức gìn giữ và phát triển.

Sau phút nghiêm cẩn khấn vái tổ tiên phù hộ cho gia đình được khang thái toàn năm, nội sai tôi mang vàng mã ra hóa (đốt) với tâm niệm ở bên kia thế giới tổ tiên sẽ có lộc đầu năm. Vị khói và những tàn tro vàng mã bay lên mang theo những khát vọng về một năm mới nhiều đổi thay ùa vào những khuân mặt lựng đỏ của mấy đứa trẻ chúng tôi làm tôi thấy không khí giao thừa thật huyền diệu vô cùng. Lúc lửa tắt, cũng là lúc ông tưới nước, tưới rượu, tung gạo, tung muối vào đống tro đã cháy tàn. Ông bảo: “ Đã cung nghinh tiền vàng, hương hoa quả phẩm, phải dâng tiến cả rượu nước, gạo muối tới các cụ. Làm thế mới thể hiện tấm lòng thành khẩn của con cháu với ông bà tổ tiên và lộc đầu xuân của con cháu mới đủ đầy”. Chẳng biết nơi suối vàng các cụ nhà tôi có nhận được không nhưng lúc ấy tôi thấy trên khuân mặt nội tôi sáng bừng một niềm vui bình an, viên mãn.

Sau những thủ tục mang tính tâm linh của nội, cha mời cả nhà ngồi quanh chiếc Radio lắng nghe lời chúc tết của chủ tịch nước. Vừa nghe chủ tịch nước chúc tết cha tôi vừa lấy chai rượu chanh còn nguyên tem rót ra khai vị xuân mới. Do còn nhỏ nên tôi chẳng được thưởng thức rượu chanh bao giờ. Nhưng nhìn cái cách cha nâng hai tay kính cẩn dâng rượu mời nội, nhìn nội nhẹ nhàng nhấp một ngụm nhỏ, khà một tiếng nhẹ, rồi lim dim đôi mắt, vuốt râu thưởng thức vị rượu xuân tôi thầm mường tượng ra vẻ thơm ngon, thanh khiết mà rất thi vị của rượu chanh ngày ấy – Chắc nó phải đặc biệt vô cùng! Khi tôi lớn lên thì hãng rượu chanh do nhà nước sản xuất đã không còn nữa nên hương vị của nó mãi là điều bí ẩn trong lòng tôi.

Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng năm nào cũng đến một lần. Nó như bằng chứng đánh dấu sự khôn lớn, trưởng thành của mỗi người trong đường đời. Vị tết quê thời thơ ấu luôn lắng sâu, ẩn trầm trong tâm khảm, để mỗi khi xa lòng tôi luôn nhớ về gia đình, ông bà tổ tiên, làng xưa xóm cũ với mong ước được trở về nơi chôn nhau cắt rốn đời mình.

Lê Gia Hoài