Hạnh phúc là gì? “Hạnh phúc là đấu tranh” hay hạnh phúc đơn thuần là hài lòng với những gì mình có. Cả cuộc đời mỗi chúng ta đều luôn trăn trở với câu hỏi đó để tìm cho mình niềm hạnh phúc được sống trọn vẹn, sống có ý nghĩa. Hạnh phúc không ở đâu xa mà thật gần trong mỗi người. Gần đến nỗi, có khi ta chạm tới, ta đang nắm lấy mà không hề hay biết. Một nụ cười ngọt ngào, một ánh mắt chan chứa, một cử chỉ trìu mến, một hành động ấm áp… hơn thế nữa là lan tỏa một thông điệp yêu thương tới những người xung quanh. Tôi gọi đó là lan tỏa hạnh phúc. Và tôi đã chạm tới thông điệp ấy khi đọc tản văn “Giàn bầu hạnh phúc” của tác giả Mộc Nhiên.

Xuyên suốt tác phẩm là lối viết nhẹ nhàng, tình cảm mà không kém phần tinh tế, trữ tình, sâu lắng, tác giả đã cho người đọc thấy được triết lý về hạnh phúc. Tác giả thổ lộ: “Hạnh phúc luôn bắt đầu từ những điều giản dị, yêu thương, hạnh phúc là khi cho đi hay khi đón nhận những điều dù bình thường mà thiêng liêng, đẹp đẽ. Tôi tin trong cuộc đời này, còn bao hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ bé giản đơn mà đôi khi ta thờ ơ, ta bỏ quên hay chưa một lần nhận ra và lắng nghe cảm nhận. Mùa xuân đã thì thầm nói cho tôi về những điều tuyệt vời ấy…”. Tôi bắt đầu từ từ cảm nhận mạch văn, cảm nhận những gì mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm. Theo dòng cảm xúc ấy, những câu chữ cũng cứ thế bộc bạch một cách đơn sơ, giản dị, bình hòa, trong sáng. Không phô trương, bay bổng, chẳng cao siêu, sáo rỗng. “Giàn bầu hạnh phúc” cứ thế như lời thủ thỉ, tâm tình. Thì ra ngay từ lối viết mộc mạc, nhẹ nhàng mà cuốn hút, đi vào lòng người như thế, hạnh phúc bắt nguồn từ cảm xúc chân thực về một kí ức đẹp. Kí ức về quê hương có mẹ, có cha, có mái nhà ấm áp tràn đầy yêu thương. Thơm thảo, ngọt ngào là cây trái bên những ân tình nhắn nhủ sum vầy, đong đầy hạnh phúc. Như câu ca dao xưa thầm nhắc: “Râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Nếu ví giàn bầu như cha mẹ thì những trái bầu là bầy con trẻ thơ ngây. Dây bầu leo giàn vươn xa, quyện lấy như tình cảm cha mẹ bền chặt, gắn bó keo sơn. Bầu xanh rì, tươi tốt có bàn tay ân cần, trìu mến, có lời nhắn gửi dẫu có khó khăn, gian khổ chỉ cần một lòng một dạ sắt son bởi “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Để rồi những trái bầu cứ thế lớn dần, lớn dần, lúc lỉu, căng mọng, thuôn dài. Chỉ no đủ mới thế. Chỉ chăm bẵm mới thế. Chúng lớn như thổi. Như chính sự hồn nhiên, tươi tắn “Quả này cũng đẹp, quả kia cũng đẹp, của anh… của em…”. Những dây bầu xanh rậm phủ kín như vòng tay cha mẹ chở che, dìu dắt. Những trái bầu mọc san sát bên nhau như bầy trẻ biết quan tâm, đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau.”… Như những đứa trẻ rộn rã chơi trò đánh đu. Tiếng chuyền tre tí tách bên dóng chân nhỏ theo nhịp tung lên hạ xuống từ quả bưởi non vẫn còn he cay phảng phất, tiếng sỏi đá lạo xạo với trò chơi ô ăn quan, tiếng lách tách của những hòn bi ve hay tiếng hò reo khi gẩy từng chiếc nịt…”.

Những kí ức đẹp cứ thế hiện ra. Thật trong trẻo, dễ thương mà không kém phần tinh nghịch, như “Giọt nắng xuân chẳng thể bụm miệng được nữa mà lăn lóc ra khắp giàn bầu, rơi cả xuống đất vẫn chưa hết cười rung rinh nắc nẻ”. Quả thực, khi đọc những dòng này niềm hạnh phúc khẽ lan tỏa, ngấm dần vào tôi. Tôi tủm tỉm cười như chính tuổi thơ mình cũng đang ở đó. Một tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào mà tinh tươm quá. Nét vẽ về sự mộc mạc, ấm áp khiến trái tim tôi rung động.

Mộc Nhiên rất giỏi khi dụng chữ, khi mang đầy đủ cung bậc, niềm vui, hạnh phúc của mình vào đó. Vào những ngữ cảnh thật gần gũi, đời thường mà ôm trọn tâm tư, tình cảm con người. Tôi thích chi tiết “Dây bầu mập mạp khỏe khoắn ôm vai, bá cổ, quấn quýt không rời tấm lưng giàn vuông vắn như thể những đứa con bé bỏng được cha công kênh trên lưng mà dạo chơi khắp ngõ”. Đó! Đó chính là những thanh âm ngọt ngào của hạnh phúc. Niềm hạnh phúc quấn quyện, rất thật, rất hồn nhiên. Niềm hạnh phúc đến từ sự bình yên không dễ gì có được. Phải chăng chính niềm yêu thương, cần mẫn, chăm sóc, vun vén, sẻ chia bằng cả tấm chân tình của cha mẹ mà giàn bầu cứ thế tươi tốt, xanh um. Rồi từ đó lan tỏa sự no đủ, êm dịu, ngọt ngào vào đôi mắt trẻ thơ với niềm phấn chấn, tình thương mến thương trìu mến.

Hạnh phúc còn là cả sự hàm ơn. Người ân tình với cây, cây trả nghĩa cho người. Một bữa cơm đạm bạc, gặp lúc đói lòng “món ngon nhớ lâu” là vì thế. “Có những khi cha mẹ đi làm đồng về mệt tới rũ rượi như muốn lả đi, chỉ cần xì xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà còn luyên loang váng muối là tỉnh táo và khỏe khoắn trong người” Chẳng phải cao lương mỹ vị gì, “quả bầu đã tận hiến với những bữa cơm nhà nông, chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu”. Bầu gắn kết tình làng nghĩa xóm bằng những sẻ chia. Cũng chính từ những tận hiến đó mà đời bầu đã trao trọn tình cảm cho người không nuối tiếc. Đời bầu ngắn ngủi như những khoảnh khắc xuân sang, hạ tới tươi mới, thi vị chưa kịp vỡ òa thì thu dắt đông sang rồi tàn lụi dần vì đã dồn hết sức lực nuôi quả. Nhưng ta cảm nhận được niềm hạnh phúc cũng chính là tận hiến. Khi đã hết mình lan tỏa ngọt ngào, yêu thương thì cũng không có gì phải tiếc nuối. Hạnh phúc là hàm ơn đồng thời cũng là dốc cạn gan ruột để tận hiến, để đơm hương. Nếu nói thế thì hạnh phúc lẽ nào “ngắn ngủi chẳng tày gang”.

Nhưng không, với tác giả hạnh phúc còn là sự tiếp nối. Nó không đơn thuần là một mùa bội thu, hoa thơm trái ngọt rồi mãi mãi không còn nữa. “Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu khô dần, lá bầu lặng lẽ quắt đi. Cha tôi để dành quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy rồi sẽ xanh mầm, xanh cây và đơm hoa kết trái như chính tổ tiên của mình đã bao mùa xuân hiến trọn”. “Có biết bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng trưởng thành lẫn tuổi thơ của tôi”.

Vậy là, cũng chính bởi sự tiếp nối ấy mà tác giả trân trọng, gìn giữ, gọi tên cho niềm vui, ấm áp, đủ đầy bên gia đình thân thương bằng hai từ “hạnh phúc”. Thật khó để diễn tả bằng lời, chỉ biết rằng hạnh phúc không chỉ là vun vén, chăm bẵm, rồi bằng cảm nhận, bằng tình thương, có cả lòng biết ơn trong sự tận hiến, hi sinh. Mà hạnh phúc suy cho cùng không chỉ là cho đi nhận lại. Triết lý của hạnh phúc nằm ở sự tiếp nối, lan tỏa yêu thương. Giống như khi tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của người khác cũng là đang nhen nhóm, ươm mầm hạnh phúc có trong mình. Giây phút ta nhận ra hạnh phúc cũng là giây phút ta được nhắc nhớ về những kỉ niệm nào đó còn vương vấn, ngọt ngào, dư vị thấm sâu. Cách Mộc Nhiên nhấn nhá câu chữ, run rẩy câu chữ, tung tăng câu chữ, ví von câu chữ cứ như chơi một trò chơi thơ bé đầy hồn nhiên, tinh nghịch. Quả thực, tôi còn nhận ra từng câu chữ cũng đang đong đầy dư vị hạnh phúc. Nó khơi gợi, đánh thức mọi giác quan, nhận định về hạnh phúc trong tôi. Tôi sung sướng nhặt lấy mà tỉ mỉ xếp gọn lại, logic mà sâu chuỗi: Hạnh phúc chính là cảm nhận, sẻ chia, biết ơn, tận hiến, tiếp nối và lan tỏa.

Đọc “Giàn bầu hạnh phúc” tôi mường tượng ra tất cả khung cảnh yên bình thuở trước, nơi ở mỗi làng quê có hoa thơm, trái ngọt, cây trái đung đưa. Nơi có mẹ cha sớm nắng chiều mưa tần tảo, cần mẫn mà luôn vun vén, chăm lo cho niềm hạnh phúc nhỏ bé, đơn sơ dưới mái nhà. Tình cảm nồng ấm thân thương đến từ chính sự giản dị, gần gũi mà ấm áp. Hạnh phúc đơn giản như cách ta tiếp nhận cuộc sống. Mỗi sớm mai được hít thở bầu không khí trong lành dịu mát, lắng nghe thanh âm quen thuộc bằng tất cả niềm vui tươi, tràn đầy phấn khởi. Vươn tới ánh nắng mai như giàn bầu leo giàn quấn quýt, ngọn tua tủa lan xa. Từ đó hạnh phúc nở hoa, đậu quả. Và rồi lan tỏa đến với mọi người.

Dương Thắng