Hiếm còn con ngõ nào heo hút như con ngõ nhà tôi. Ngõ vắng ngoằn nghoèo chạy dài ra bờ sông, lầy lội ngày mưa, bụi bặm ngày nắng. Ấy vậy mà bà con trong ngõ xóm chẳng ai có ý định bê tông hóa cả. Chẳng đến nỗi chưa đủ kinh phí. Có chăng, ai cũng muốn gìn giữ nét chân quê, thân thuộc, đậm phong vị bờ bãi đã gắn bó với mỗi chúng tôi như hơi thở. Điều ấy tôi biết!

Với mỗi người dân trong xóm bãi, ngõ vắng đã cất giữ bao kỉ niệm vui, buồn. Ấn tượng về ngõ cũng khác nhau. Biết bao người trong xóm từ bùn đất lấm lem vươn ra ánh sáng thị thành nhưng mỗi lần về quê, đều không khỏi bồi hồi khi đặt chân trên ngõ nhỏ loang màu kí ức. Ngõ như người mẹ hiền hào phóng tiễn những người con thành đạt ra đi, rồi lại bao dung mở rộng vòng tay đón những mảnh đời lầm lạc trở về.

Riêng tôi, mỗi mùa con ngõ ấy lại có vẻ hấp dẫn riêng, diện mạo riêng. Mùa xuân, ngõ rực rỡ, quyến rũ như cô gái xuân thì mơn mởn nhựa sống bởi bao sắc hoa bung tỏa. Đẹp nhất là tháng ba. Sắc xoan tím mơ màng rợp lối đi, về khiến tôi ngẩn ngơ thả hồn nương mùi hương mộc mạc, thanh khiết mà vương vít lạ. Rồi hoa rụng, những cánh hoa mong manh lặng lẽ chao nghiêng để gió ru về mặt đất, xác hoa trải đầy lối nhỏ. Tôi xót xa nhặt những cánh hoa trên tay nâng niu, chân bước thật nhẹ sợ làm hoa đau nát. Đầu ngõ là cây gạo khổng lồ thắp lửa một góc trời, gọi chim chóc về làm tổ vui náo nức. Màu hoa đỏ nhức nhối, như màu máu con tim, màu của khát vọng tuổi trẻ, màu của tình đầu nồng cháy…của trùng phùng và chia ly. Bến sông ấy, dưới gốc gạo này, tôi đã nhìn giọt nước mắt long lanh của chị hàng xóm lặng lẽ rớt xuống ngõ nhỏ ngày vu quy. Mãn xuân, hoa rụng rợp sông, mênh mang nỗi nhớ. Hoa rụng đỏ cả gốc cây, tôi cùng bọn trẻ con trong xóm hò nhau nhặt hoa xâu thành chuỗi vòng đeo vào cổ.

Có lẽ tôi đã phải lòng những bụp gạo ấy từ tấm bé. Hạ về, ngõ ngan ngát mùi ngọc lan. Cây ngọc lan chẳng hiểu có tự bao giờ, ai trồng bọn trẻ chúng tôi không hay nhưng nó gắn bó, thân thuộc với xóm bãi như một thành viên. Mùa hoa nở rộ, chúng tôi thi nhau trèo cây hái hoa, đưa lên mũi hít hà khoái chí lắm. Các bà, các mẹ dùng chùm ngoèo những chùm hoa trắng muốt tinh khôi thắp hương ông bà ngày rằm, mồng một. Mùa hạ mang theo những cơn mưa rào hối hả đổ xuống, ngõ lầy lội, nước đọng thành vũng. Trẻ con đi học về, tay cầm dép, gấu quần lấm đầy đất, bàn chân bê bết phù sa sánh quyện. Tôi thương ngõ nhiều vết sẹo sau mùa mưa.

Thu! Ngõ liền sẹo. Sương mỏng hờ hững giăng mắc khiến ngõ hun hút hơn, mộng mị như cô gái tương tư mối tình đầu ban sơ. Bên đường, cây bàng già ngẩn ngơ trút lá. Bước chân xào xạc lá rụng, tôi thơ thẩn quét lá về đun, khói hun nhèm mắt.
Và mùa đông gõ cửa. Mặt đất nứt nẻ như làn da bà già cóc cáy. Ngõ âm u, buồn tênh, vắng người qua lại. Tôi ngậm ngùi đưa bàn tay nhỏ vuốt ve từng thân cây mốc meo đang âm thầm chắt chiu nhựa sống đợi xuân về hồi sinh.

Tuổi thơ tôi được ngõ nhỏ ru vỗ. Ngày tôi lẫm chẫm tập đi, mẹ dắt tôi từng bước trên con đường đất đỏ mềm mại. Và tôi ngã, tôi đau, tôi khóc, đất mẹ nâng niu tôi đứng dậy, hạt phù sa lấp lánh xoa dịu gót chân non.

Lớn lên, buổi trưa, tôi thường trốn mẹ, cùng lũ bạn thời để chỏm nô đùa dọc ngõ vắng làm xôn xao một vùng sông nước, dệt thành mảng kí ức vụng dại ngọt ngào. Rồi tôi đậu đại học. Ngày nhập trường, tiễn tôi ra xe buýt, mẹ lại cầm tay tôi dẫn đi dọc ngõ nhỏ như tấm bé. Ngõ hiền lành nở nụ cười tạm biệt tôi lên thành phố. Những cánh hoa cỏ may ghim vào gấu quần tôi nỗi nhớ chơi vơi. Giọt nước mắt trong veo của tôi rớt xuống, thấm vào hạt phù sa mịn màng. Tôi ngoái đầu nhìn lại, lưu luyến.

Thời sinh viên, sống ở thủ đô phồn hoa với những đại lộ thênh thang, những con đường rải nhựa hiện đại cùng hệ thống đèn đường văn minh, tôi vẫn không nguôi nhớ về ngõ nhỏ dịu dàng, bao dung chốn quê mùa, thèm quắt quay được chạy chân trần trên dải đất mẹ phù sa, lắng nghe tim mình thổn thức.Ngày tôi lên xe hoa theo chồng về phố thị, một ngày tháng ba có hoa xoan ngập lối nhỏ, hoa vương hờ trên tấm khăn von yêu kiều của tôi như gói ghém chút dư hương đồng nội để tôi biết nhớ hồn quê. Bên anh, tôi cúi xuống nhặt những cánh hoa trên tay, lòng òa vỡ. Tôi nhớ và tôi thương…

Làm dâu xứ người, làm quen với mùi thị thành cùng cuộc sống tiện nghi, hiện đại, tôi thấy mình lạc lõng. Bao lâu đây tôi mới hòa nhập được dòng đời hối hả, xô bồ nơi phố thị? Bao lâu đây nỗi nhớ quê nghèo, ngõ nhỏ mới dần vơi trong lòng tôi?

Mỗi độ xuân về, tết đến, tôi không còn cảm thấy hồi hộp, háo hức . Thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, trống rỗng đến vô cùng! Ngược miễn kí ức, trở về những năm tháng tuổi thơ với những cái tết ngọt ngào, nồng ấm. Thuở ấy còn khó khăn, thiếu thốn, cha thường cắt hoa đào bằng giấy điều, cắt thêm con ca chép treo đầu ngọn cây nêu, thế là ra dáng tết lắm rồi! Còn nữa những đêm thức khuya cùng cha luộc bánh chưng, vớt bánh ra, háo hức, nâng niu chiếc bánh con của mình – cha gói riêng mỗi anh em một chiếc…vui lạ lùng! Tết đến thật vui không phải vì được ăn ngon, mặc quần áo mới, mà vui vì không khí mùa xuân đậm hồn quê tưng bừng xóm nhỏ. Ngõ vắng xôn xao, náo nức bởi tiếng cười giòn tan của bọn trẻ con. Ngõ hân hoan đón những bước chân đi xa, về gần của những người con xa quê về sum họp bên gia đình.

Mồng Một Tết, đứa nào, đứa nấy xúng xính quần áo mới chạy hết ra ngõ khoe nhau. Tôi nhớ như in bộ quần áo rộng lùng thùng thơm mùi vải mới, hít hà mãi không thấy chán. Đứa nọ ngắm quần áo của đứa kia, rồi cười, những nụ cười đẹp tựa nắng xuân hồng. Lũ trẻ chúng tôi cứ hồn nhiên chơi, hồn nhiên lớn, hồn nhiên diện quần áo mới mỗi xuân về mà đâu hay những bận lòng mưu sinh của cha mẹ. Đâu hiểu được để có bộ quần áo mới cho chúng tôi diện Tết, bàn tay cha chai sần thêm, lưng mẹ oằn trĩu hơn gánh rau, củ, quả đất bãi từ mờ sương, đẫm cỏ.

Có năm, hoa màu mất mùa, những ngày giáp Tết là cả nỗi niềm cha mẹ. Làm thế nào để lo cho các con niềm vui trọn vẹn ba ngày Tết? Tiếng thở dài của cha kẽo kẹt nhịp giường tre. Còn mẹ, bần thần lén lau giọt nước mắt cơ hàn. Tôi đâu hay mẹ âm thầm bán chỉ vàng bà ngoại cho làm của hồi môn ngày cưới để sắm Tết cho chúng tôi. Điều ấy khiến cha day dứt lắm. Sau Tết, cha lao vào làm phu hồ cho người ta để kiếm tiền chuộc nhẫn cho mẹ. Khi cha đủ tiền, nhẫn đã bị bán cho người khác. Lần đầu tiên, cha khóc! Còn mẹ, gượng cười héo hắt an ủi cha: “ Mình à, của hồi môn thì cũng phải dùng lúc khó khăn. Lấy được tấm chồng như mình, tôi mãn nguyện lắm rồi.”. Cha mẹ tôi tuy nghèo mà thương nhau chân tình, nặng nghĩa phu thê. Cho đến tận bây giờ, khi tủ quần áo tươm tất, hiện đại của tôi mỗi ngày đầy thêm, tôi vẫn thầm cất giữ trong đó bộ quần áo Tết tuổi thơ nghèo để nhớ, để thương. Tôi mang theo nó như mang cả cội nguồn sinh dưỡng về nơi xứ người.

Tết nay, tôi trở về úp mặt vào triền sông khát nắng. Tung tăng chân trần trên cát mịn. Triền đê mềm mại uốn khúc xanh mướt cỏ hồi sinh sau cơn mưa xuân đổ bụi. Con đò tự bao giờ vẫn cắm sào đợi khách qua sông. Là đò đợi tôi hay đợi chị hàng xóm lấy chồng xa trở về? Ngõ nhỏ hồn hậu đón tôi bằng lộc non, chồi biếc mỉm cười. Cây gạo ven sông rung rinh lá cành hứa hẹn tặng tôi một mùa hoa thắp lửa.

Bọn trẻ con nô đùa dưới gốc cây gợi nỗi nhớ tuổi thơ trong tôi. Chúng chơi bịt mắt bắt dê vui đáo để. Tôi lại gần nhập cuộc: “ Cho cô chơi với nào!”. Bọn trẻ tròn mắt nhìn tôi tò mò, một đứa cất tiếng hỏi: “ Cô là người thành phố, sao biết chơi?”. Tôi nhoẻn cười thân thiện: “ Không, nhà cô trong ngõ này!”. Đứa nhỏ nhất có mái tóc đỏ hoe vì cháy nắng sáng mắt lên: “ Cháu nhớ rồi, cô là con gái bà Thìn đúng không ạ?”. Tôi gật đầu, rút phong bao lì xì cho bọn trẻ. Quần áo ngày Tết của chúng tươm tất hơn tôi ngày xưa nhiều nhưng hồn quê vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn bọn trẻ khiến tôi vui mừng, có chút nao nao kỉ niệm. Tạm biệt bọn trẻ, tôi rảo bước về nhà. Ngôi nhà tôi đây rồi! Hoang hoải, bờ sân rêu mốc như màu kí ức. Cha đã mất, mẹ theo anh cả sang xứ người lập nghiệp, ba chị em lần lượt theo chồng bỏ lại sau lưng thời con gái mau quên! Mỗi lần về thăm nhà, vội vã thắp nhang rồi lại vội vã ra về mà thấy lòng day dứt! Ai bảo mẹ sinh con là con gái để chút bổn phận làm con cũng chưa tròn đạo? Phận gái theo chồng làm dâu xứ người bến đục, bến trong…

Đặt bó hoa cùng đồ lễ lên bàn thờ, lòng tôi rưng rưng. Giữa sợi khói phất phơ, tôi bắt gặp nụ cười nhân từ của cha. Bước ra khoảng sân vắng, tôi ấm lòng khi thấy những khóm hoa sống đời đua nhau nở rộ, sắc đỏ li ti như những đốm lửa nhỏ đủ thắp lên mùa xuân ngọt ngào. Lặng nhìn ra đầu ngõ kiếm tìm một điều gì đó xa xăm, tôi như thấy bóng cha hao gầy, tất tả cùng nụ cười đẫm mồ hôi, trên tay là bọc quần áo Tết cho chúng tôi. Thương lắm ngôi nhà xưa hoang vắng, trống trải! Xót lắm bàn thờ cha hoang lạnh mỗi ngày! Nhớ lắm…con ngõ nhỏ hoang hoải tuổi thơ tôi mặn mòi.

Phan Thị Khánh Hà