Ngoài mé sông, mùa này cơn gió chướng đã lần theo con sông thổi về tới quê tôi. Nó đi qua đám dừa nước, làm cả bụi hàng nghiêng ngả, lá cọ vào nhau nghe xào xạc suốt cả ngày, những chiều tối hơi mờ trời, trong nhà ngó ra tưởng chừng như chúng đang nhảy múa. “Chắc thổi ngược đời không giống ai nên gọi là gió chướng!” Ba hay nói vậy, tôi cũng chẳng biết vì sao, và cũng chẳng hỏi để làm gì vì từ hồi tôi mới lớn đến nay đã biết bao nhiêu năm, năm nào nó cũng về, gieo cái hương vị tết vào lòng bà con, vào lòng đám tụi tôi một niềm háo hức rất lạ.
Gió chướng về làm con nước lớn tràn bờ, gió thốc xuống mặt sông làm những con sóng gợn lên ngầu đục màu phù sa. Bụi lục bình vô định ở nơi đâu bị gió thồi về tấp vào đây, đơn độc, buồn tẻ, chao nghiêng cùng sóng nước. Nước lên mấp mé tràn bờ, con sông bên hông nhà nội cũng mênh mông hơn, chiếc xuồng ông nội chèo về chòng chành hơn, nắng loang lổ màu trên mặt nước, lấp lánh như sao khi mái chèo khua vào, thứ ánh sáng nhấp nháy ấy lan ra xa mãi, rồi lan luôn vào lòng tôi những hình ảnh đẹp khó thể nào quên.
Có hôm nước vượt qua cái ranh giới giữa sông và bờ, trườn vào sân nhà nội, mấy con cá lìm kìm tung tăng bơi trên sân, chúng háo hức ngắm nhìn một thế giới mới, một thế giới tạm thời nhưng đầy quyến rũ. Tụi tôi cũng giống mấy con cá lìm kìm kia, cũng háo hức khi nhìn con nước lan dần ra trên khoảng sân nhà, nước ăn đến đâu, đất đổi màu đến đó, đất và nước hòa quyện vào nhau tạo nên thứ cảm giác rất lạ khi chúng tôi đùa trong nước. Bọn cá lìm kìm rút lui, chạy trở ra sông, quay đầu nhìn vào quẩy đuôi đầy tiếc nuối, tụi tôi cũng vậy, tiếc nuối nhìn nước rút dần sau mấy tiếng nước ôm mặt sân êm ả, trong đôi mắt trong ngày ấy, chúng tôi thoáng buồn, vì chẳng biết ngày mai nước có lên không, con nước mát dịu ôm chân, ôm luôn cả những hồn nhiên đong đầy trong ánh mắt của chúng tôi.
“Thấy gió chướng là thấy tết!” Má hay khẳng định vậy mỗi khi bên hè gió thốc vào ầm ĩ. Chúng tôi hay chau mày nói với nhau “Gió mà thấy gì trời!”, nhưng sau này mới biết, vào khoảng tháng mười, tháng mười một, nó chạy về quê tôi, rồi mượn những thứ thân quen hiện hình giúp nó, bởi từ lúc mới sinh ra ở một nơi xa nào đó, nó đã chạy đến mất dạng hình, nghĩ cũng thấy thương. Vườn bông tết của nội là ảnh hình rõ ràng nhất trong tôi về cơn gió chướng, nó mượn mấy chậu bông vạn thọ xanh non, mấy chậu cúc vàng tươi, mấy chậu bông cát tường mỏng manh,… truyền cái màu của tết. Tuy vô hình nhưng với tôi gió chướng luôn hiện ra bằng những gì thân thương nhất. Nó mân mê da thịt tôi mát lạnh, thấm vào từng lỗ chân lông để đi vào huyết quản làm thịt da rắn rỏi, làm lòng nôn nao mỗi khi nó về ngang đám lá.
Mỗi trưa đứng bên này sông, ngó con nước lênh đênh dâng cao từng chút, ngó mấy chiếc lá bần già trôi nhẹ trên từng con sóng, ngó mấy con chuồn chuồn chao đảo vì cơn gió chướng lùa qua, ngó qua bên kia sông thấy cô Tám, dì Tư hối hả trở mấy giàn khô đỏ hồng trong nắng. Khô đón tết, mừng rơn vì nắng thét bên sông, nụ cười cô Tám cũng tươi hơn khi nắng rọi ngoài sân không thứ gì cản trở, khô tắm nắng đỏ au, cong mình trên giàn, nằm đều trên tấm lưới, hình ảnh này khó mà kím tìm ở nơi thành thị. “Để mấy bữa tết lai rai chơi bây!” câu trả lời gọn hơ của cô Tám khi có ai đi ngang nhìn giàn khô mà hít hà khen. Chẳng có chi là sang trọng, con khô tắm mình trong chảo dầu, vàng lên theo cái âm thanh xèo xèo nóng hổi làm người ta thấy tết quê nhà chỉ có vậy nhưng gần gũi và thân thương hết biết. Năm nào cũng thế, năm nay cũng y chang, vài tháng nữa là có món khô chiên nhâm nhi ngày đất trời mình sang năm mới.
Mùa giáp tết là mùa hối hả, bà con hối hả chuẩn bị hết năm, cỏ cây hối hả thay áo để đón mùa xuân đầy lộc, gió chướng cũng hối hả chạy về gieo những háo hức vào lòng bà con, gieo cái lành lạnh tê dại làm người ta thốt lên rằng tết gần về, chuẩn bị để ăn tết. Gió chướng mỗi năm mỗi về, nó reo ca ngoài đám dừa nước, nó làm nước tràn bờ, làm bông tết nở, nó làm giàn khô cong mình, nó làm bà con quê tôi nhớ tết, nó đến rồi đi, mang trong mình những dấu hiệu của mùa xuân, tuy chẳng thấy hình nhưng nó lại rất rõ ràng trong tâm tưởng.
Nguyễn Chí Thiện