Hội làng tôi năm nay đã mở nhằm ngày kỵ của thành hoàng. Thành hoàng làng tôi không phải võ tướng trong thời binh lửa, cũng không phải văn quan thời thịnh trị, lại càng không phải người đỗ đạt hiển vinh quyền cao chức trọng. Theo tương truyền rằng Ngài chỉ là một người nông đân bình thường nhưng có công dựng ấp mở làng, đào sông lấy nước tưới cho ruộng đồng. Phải mất ba năm con sông mới đào xong. Có lẽ vì thế mà hội làng tôi ba năm mới mở một lần và mỗi lần cũng chỉ kéo dài đúng ba ngày?
Sau ngày Ngài hoá, dân làng tưởng nhớ tới công ơn nên dựng đền thờ và suy tôn Ngài là thành hoàng. Cũng theo lời truyền, năm 1285 vua tôi nhà Trần nhờ con sông đào này mà thoát hiểm cuộc vây bắt của quân xâm lược Nguyên Mông. Ngày chiến thắng vua Trần ra Đạo sắc phong Ngài là Tam đẳng thần Đương cảnh thành hoàng. (Phúc thần). Lại ban thêm lọng tía khi rước cho thêm phần vinh hiển.
Lễ hội do hoàn cảnh, do kinh phí có thể thay đổi nhưng nghi lễ rước nước không bao giờ bỏ. Những ngày này cở tổ quốc, cờ thần bay rợp trời. Đường làng sạch như lau. Tôi đã nhiều lần thảnh thơi đi dạo trên đường làng, nhưng vào ngày hội mới thấy nó đẹp. Trời xanh mây trắng. Một vệt sáng mờ mờ hiện ra thoắt chốc lại mất đi. Hình như đó là đường chân trời. Nơi ranh giới giữa đồng lúa bao la với không gian vô cùng vô tận. Dòng sông của tám trăm năm trước như dải yếm đào tha thướt. Tự nhiên thấy lòng mình nao nao như lần đầu đi hội.
Đoàn rước xuất phát từ đền thờ thành hoàng. Những chiếc kiệu lớn nhỏ sơn son thếp vàng rực rỡ được nam thanh nữ tú khiêng trên vai. Nam quần trắng áo đỏ, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp. Nữ quần trắng áo dài đỏ, đầu đội khăn xếp vàng. Sau tiếng hô “Khởi kiệu” của chủ tế, đoàn người xếp hàng tuần tự tiến ra bờ sông. Phường bát âm cử hành nhạc điệu lưu thủy rộn rã. Hai bên đường dân làng bày nhang án dâng hương bái vọng. Mặt trời tỏa nắng mỏng mảnh, rét ngọt ngào. Hàng cây ven đường đã kịp hút nhựa, đã kịp nảy mầm, đã kịp khoác lên mình một mầu áo mới
Mùa này nước sông cạn lắm. Bờ cát mịn trải dài hai bên bờ mát lạnh dưới chân. Sóng gợn lăn tăn, tít tắp cho tới khi liền nhập với da trời mầu xanh mơ màng. Những con thuyền chạy bằng động cơ lướt nhẹ, tiếng máy âm âm loang nhanh trên mặt sông bắt nắng bừng sáng như gương. Trời chơi vơi, mây chơi vơi, ruộng đồng cây cỏ cũng chơi vơi. Tôi giơ tay hứng giọt nắng mới đang rơi, cảm giác bông bênh, bồng bềnh.
Một chiếc thuyền nhỏ được trang trí cách điệu như thuyền rồng chở một chàng trai khôi ngô tuấn tú ra giữa sông, chọn điểm trong nhất, tinh khiết nhất múc đầy cái bình nhỏ mang vào đặt lên kiệu rước về. Một điều không thể bỏ qua là những người khiêng kiệu luôn được kén chọn cẩn thận. Ngoài tiêu chuẩn khỏe mạnh, hình thức coi được còn phải là nam thanh nữ tú chưa vướng bụi trần, gia đình nề nếp, không bị tang gia.
Đường từ sông về đền chẳng bao xa, nhưng để tỏ lòng tôn kính, đoàn rước nước thường diễu hành qua mọi con đường của làng cho thêm phần vinh hiển. Như có phép lạ, những chiếc kiệu bỗng nhiên chạy như bay chân không bén đất, lúc lại quay tròn xuôi ngược như người nhập đồng. Khi tiến khi lùi. Lúc nghiêng sang trái, khi ngả sang phải như sắp đổ. Những cô gái chân yếu tay mềm phải vất vả lắm mới giữ được kiệu cân bằng. Guốc dép tuột khỏi chân, văng tung.
Hàng ngàn cặp mắt dõi theo lòng đầy lo lắng. Đó là những giây phút xuất thần mà người làng tôi gọi là “kiệu bay”. Đã nhiều năm rồi, nhất là trước khi có phong trào “nông thôn mới”, gặp phải năm thời tiết gió mưa, đường trơn như đổ mỡ gập ghềnh. Nhưng đoàn rước đều đi đến nơi về đến chốn an toàn. Sau lễ rước cũng có người đau vai, chân sái nhưng ai cũng nói cười hể hả. Những bàn tay chai sạn nắm chặt nhau như trao nhau cả mùa xuân hoa nở bướm bay.
Vì sao có hiện tượng lạ như thế? Tôi không biết. Mẹ tôi bảo: “Đừng nghĩ đó là dị đoan, là mê tín. Mà đó là sự hiển linh của Ngài “Hộ quốc an dân”. Và đó cũng là sự tôn vinh của hậu thế với tiền nhân. Mọi hoài nghi đều không thể nào tha thứ”. Có lẽ mẹ tôi nói đúng. Những “vũ điệu kiệu bay” đâu có được tập dượt từ trước. Cũng không có người trùm trò hướng dẫn. Bất thần xuất hiện, bất thần thăng hoa.
Những ngày tháng giêng chỉ lạnh se se. Mọi người đã trút bỏ những tấm áo dầy và nặng. Mùa xuân đang về. Những bông hoa khoe sắc trong rẻo vườn nhà. Ba ngày lễ hội thiên nhiên như phù trợ. Khách thập phương, người làng tấp nập không lúc nào ngừng. Biển người ấy dập dìu dập dìu trong sương mỏng giăng giăng. Những trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, bắt vịt… là thu hút khách đông nhất. Nhớ thuở còn thơ tôi từng đầu trần chân đất hò reo cổ vũ đến khản cổ rát họng.
Trong làn khói nhang bảng lảng nhiều cụ già phơ phơ tóc bạc vừa làm lễ vừa rưng rưng nước mắt. Trân trọng biết nhường nào có vài cụ mắt đã lòa, chân đã mỏi còn bắt con cháu dắt vào tận hậu cung để được tự tay dâng nén nhang thơm cầu mong thành hoàng phù hộ cho thuận gió hòa mưa, cho quốc thái dân an, cho con cháu gần xa chân cứng đá mềm. Sự linh thiêng khiến người đến tham dự đều xúc động kính cẩn. Ai cũng tin rằng ở cõi thiêng Ngài vẫn luôn dõi theo và phù trợ cho dân làng.
Người dân quê tôi quanh năm vất vả vì miếng cơm manh áo nhưng muôn thủa dịu hiền, tâm hồn trong sáng trọn nghĩa vẹn tình với các bậc tiền nhân. Những bậc cao niên trong làng rất trân trọng, rất tự hào về quá khứ. Những năm tháng lập làng, đào sông ấy luôn in đậm trong ký ức mọi người.
Khi yên tâm cây mạ ra lá, ruộng khoai bén rễ thì người làng tôi cũng vui chơi hết mình. Ai cũng vui, ai cũng phấn khởi, đôi mắt sáng hơn, đôi môi hồng hơn. Đàn bà con gái chẳng cần tô son điểm phấn mà vẫn đẹp vẫn xinh. Uống bát nước chè xanh hái từ vườn nhà vàng như hổ phách, hút một điếu thuốc lào say đến ngất ngây thấy trời cao mây trắng đong đưa. Thế là bao nhiêu hận oán, buồn phiền bay theo làn khói thuốc. Tựa lưng vào cột đền mà tưởng như được tựa vào bàn tay nâng đỡ của cha ông.
Cứ phải nói thật lòng mình mà không sợ ai chê trách, rằng lễ hội làng tôi là nhất. Ai cũng cảm nhận thấm thía cái tình người sống với người sống, người sống với người đã khuất. Để học lấy, để nhớ lấy cái ân cái đức của tiền nhân. Và để rồi truyền lại cho hậu thế mai sau. Thế hệ mai sau lại truyền cho thế hệ sau nữa, không có điểm dừng. Mặc dù đền thờ Ngài không có một nét chữ, không một hình ảnh nhỏ nào của Ngài. Tám trăm năm rồi còn gì. Cuộc sống hôm nay đổi thay quá nhiều nhưng công ơn lập ấp, đào sông của Ngài mãi mãi là mênh mông như biển đông, thăm thẳm như trời xanh mây trắng, vô cùng vô tận như thời gian năm tháng.
Đó cũng là cái hồn cái vía của lễ hội làng tôi. Để người đi xa, người ở gần hiểu rằng cái gốc gác quê hương trong lòng mình chưa bao giờ sao nhãng.
Nguyễn Sỹ Đoàn