Tôi đọc tản văn của người bạn, thấy những dòng chia sẻ của bạn “khi còn cha mẹ, còn quê hương thì còn có những mùa xuân tươi đẹp”. Tôi tần ngần gấp trang sách, sụt sùi khóc một mình. Đúng là tết đến xuân về, ai cũng muốn trở về nhà sum vầy cùng gia đình, hưởng trọn vẹn những mùa xuân bên mẹ cha.
Nhưng cuộc đời đôi khi không dễ dàng như những điều mình muốn, hoà với dòng người mưu sinh ngoài kia, tôi nhận ra rằng: con đường xa nhất chính là con đường về quê mẹ của những kẻ lỡ lấy chồng xa xứ, kẻ đã lỡ dứt chút tình vương vấn mà bỏ lại chốn quê nghèo đi xa vạn dặm. Khi hi vọng vào tương lai tốt đẹp, tươi sáng nơi xứ người, dù có chút thành tựu, niềm vui ấy chưa trọn vẹn khi đấng sinh thành ngày càng già đi, đang ngóng trông mình mỗi dịp tết đến, xuân về, mà mình thì bất lực vì không thể về. Đôi khi thấy con đường trở về xa xôi cách trở muôn trùng.
Sự cách trở ấy không hẳn là khoảng cách về địa lý, khó khăn trong phương tiện đi lại. Mà muôn vàn sợi chỉ mong manh, rối bời đang níu giữ bước chân của kẻ đi xa, làm những bước chân ấy trở về khó nhọc. Ai mà chẳng mong tết đến xuân về được đoàn viên. Nhưng mỗi lần về ngổn ngang bao cảm xúc vui buồn. Vui khi được sống hạnh phúc trọn vẹn vài ngày tết. Buồn gạt nước mắt để sắp xếp hành lý lên đường đi xa. Mỗi lần về tết ấy, sao thấy thời gian trôi nhanh hơn bình thường, chưa đi hết làng trên xóm dưới, chưa kịp hỏi thăm người bạn học cùng thời cấp hai, cấp ba, đã vội vội vàng vàng khăn gói lên đường tiếp tục đi xa.
Những năm cận tết, hai mẹ con ôm nhau đi bệnh viện, con trai bị bệnh viêm phổi cấp. Một tay xách đồ, một tay bồng con mà nước mắt lã chã chẳng thể nào ngừng rơi. Thương cho chính bản thân mình, ước ao giá như ở gần mẹ, hẳn lúc này đây được an ủi đôi phần. Mẹ sẽ cười hồn hậu mà nói “con nít đứa nào chẳng phải trải qua vài trận ốm đau quặt quẹo, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi con”. Đó là năm vì bận công việc mà lỡ chuyến tàu, một mình bần thần ngồi sân ga lòng rưng rức buồn. Có năm mua đất, xây nhà, đến cuối năm trả nợ, trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn, nhìn cái ví đến sầu thảm, thấy đường về quê xa lại càng xa. Hai năm Covid 19 ập đến, vé đã mua đành phải huỷ, vì mình đâu thể sống ích kỷ cho riêng mình. Nghe tin cha ốm đi bệnh viện lúc nửa đêm canh tàn, lòng khắc khoải chẳng yên, như ngồi trên đống lửa. Ước gì ở cạnh nhà, chẳng có tiền bạc, nhưng chạy qua xoa đầu, bóp chân cũng cảm thấy mình đỡ bất hiếu. Những lúc đó tôi ước tôi chưa từng đi xa.
Năm nay vì bận dự án còn dở dang nên đành ở lại. Khi gọi điện cho con mẹ dặn: “thôi tết năm nay đừng về con ạ, đường xa đi lại vất vả…cha mẹ vẫn khoẻ, đừng lo”. Nhưng khi bạn tôi ăn tết vào lại, cafe hàn huyên hỏi thăm tình hình ở quê, bạn đưa tôi xem tấm hình bạn chụp vội mẹ tôi chiều ba mươi tết. Ảnh mẹ tôi đứng bên gốc đa già ở đầu làng, mẹ tần ngần dõi mắt về con đường quốc lộ xe tấp nập qua lại như chờ đợi điều gì đó rất mong manh. Mẹ tôi đang đứng đó, với cái bóng lẻ loi trong buổi chiều cuối năm, mặc cho mưa xuân bay lất phất đọng hạt sương mỏng manh trên mái tóc đã bạc của mẹ. Mặc cho dòng người hối hả trở về với gia đình trong đoàn viên. Bóng mẹ tôi mờ đi trong buổi chiều ấy, hay chính giọt nước mắt đang tuôn rơi khiến tim tôi đau nhói.
Bạn nói: “cận tết rồi không dám gửi, sợ cậu thấy lại đổi ý vội vàng về quê, mà lúc đó đi lại cực khổ, vất vả quá, giờ bớt việc rồi về chơi với ông bà mấy hôm, thấy cha cậu dạo này cũng yếu đi nhiều đấy”. Tôi thấy lòng mình ngổn ngang và rối bời. Ánh mắt ngóng trông của mẹ xoáy vào lòng tôi như ngàn mũi kim đâm, sao tôi thấy mình vô tâm đến thế. Thế rồi tôi chẳng kịp nghĩ, quyết định mua vé về nhà chơi mấy hôm. Dù sao thì chỉ cần có mặt ở nhà, được ăn cơm cùng cha mẹ trong tôi mùa xuân vẫn luôn hiện hữu.
Cổng nhà tôi luôn mở, tôi bước vào thật nhanh, thấy mẹ đang lom khom trong bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, cha đang trồng cây quất từ chậu ra vườn. Thấy tiếng tôi chào từ đầu ngõ, cha mẹ chạy vội ra, nước mắt của mẹ không ngừng rơi lã chã trên khuôn mặt đã hằn dấu vết thời gian. Cha tôi nở nụ cười hiền hậu: “về rồi à con, mau vào nhà đi”.
Bữa cơm chiều rộn ràng trong tiếng cười đoàn viên. Bỗng chốc bao nhọc nhằn lo toan, bao khốn khó ngoài kia đã tan biến trong tôi. Mùa xuân đến với cha mẹ tôi tuy muộn màng, nhưng vẫn ngập tràn những thương yêu.
Nguyễn Thắm