Cái hay của ngôn ngữ thơ ca là độ hàm súc, sâu lắng. Nói như cổ nhân “ Ý tại ngôn ngoại”, nội dung tư tưởng mà thơ ca biểu đạt vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của ngôn từ. Trên phương diện này, “ Những buổi chiều quên nắng” của Hồ Huy là một tản văn đẹp như thế. Một áng văn không dễ gì cảm, chẳng dễ gì hiểu tận cùng bởi sự đỏng đảnh của con chữ, bởi sự huyễn hoặc của hình ảnh, bởi cái chênh chao, phiêu hoang của cảm xúc.

Anh như kẻ lãng du giữa cuộc đời, rong chơi nhởn nhơ mà cảm, mà thu lượm, nhặt nhạnh để rồi gieo vào bài tản những lát cắt mê hoặc của cuộc sống:
Cách dùng từ, hình ảnh của Hồ Huy đắt lắm! Chẳng sáo ngữ, hoa mĩ mà lạ và sống đến nóng bỏng, nhột người: cọng buồn, đày đọa mưa tuôn. Mùi người ta cũ kĩ. Ngã vào nỗi đau, tựa vào nỗi đau, chen gió mà đi, lách mây mà vũ, hoang núi, hoang cây, vun vén lòng dạ, buổi chiều quên nắng, buổi chiều đói nắng…

Cái độc đáo của bài tản còn thể hiện lối dùng điệp ngữ, điệp cấu trúc: đứng tựa vào nỗi nhớ chiều nay, đứng tựa vào những thưa vắng của đời mình; người đàn bà của tôi, người đàn bà của bạn, người đàn bà của thế gian; những buổi chiều quên nắng, những buổi chiều thưa vắng, những buổi chiều tạc sâu vào nhau; hoang núi, hoang cây, hoang vu…để nhấn nhá những cung bậc cảm xúc chơi vơi, lai láng như hồn lãng tử.

Chẳng dễ đọc mà hiểu, có thể ta thấy nó ngây ngô, lạ lùng, khác dị, mơ hồ lắm. Có thể đọc hết bài tản, ta vẫn chưa thể hiểu được Hồ Huy muốn nói gì. Nhưng chính điều ấy làm nên hương vị rượu vang của bài tản khiên lòng ta chếnh choáng. Cái hay của ngôn từ là khi nó huyền hoặc chẳng thể hiểu hết, nó mơ hồ, hư thực như cái bóng liêu trai. Có lẽ nếu không điên khùng một chút, không mê mê, tỉnh tỉnh một chút…khó có thể rượt bắt được từng giọt cảm xúc đang lãng đãng rơi tung tóe, phiêu diêu. Cứ thế, Hồ Huy cuốn ta vào những buổi chiều quên nắng. Hình ảnh xuyên suốt áng văn khơi nguồn cho cảm xúc của Hồ Huy là “ nắng”. Mượn nắng thiên nhiên để nói tới “nắng đời”, nắng nhân gian, giọt nắng ấm ngọt trong cuộc đời mỗi con người. Cách cảm đầy triết lí, nỗi niềm của tạo vật hòa vào nỗi niềm nhân thế. Cảm xúc Hồ Huy rong ruổi từ miền xuôi đến miền ngược, từ những làng quê thôn Đông, xứ Đoài đến thành thị kiều Diễm Phan Thiết mộng thơ nhưng có điểm chung ta cảm nhận được ở anh là lòng trắc ẩn sâu sắc, là cái nhìn nâng niu, trân trọng, nhân văn vô cùng với những người đàn bà quên nắng.

Cái nắng trong áng văn là hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc, niềm yêu dịu dàng, là những giọt mật ngọt nồng nàn của cuộc đời, là nụ cười hoan hỉ, là viên mãn tâm hồn…Hồ Huy đã sáng tạo cặp hình ảnh sóng đôi: “Nắng” và “đàn bà”! Tiếc thay, những người đàn bà lại luôn gắn với những buổi chiều quên nắng, đói nắng, khát nắng để quay quắt tựa lưng vào bóng đêm oằn trĩu; để giọt buồn sóng sánh khóe mắt, bờ môi; để hạnh phúc vơi cạn; để niềm đau oằn sâu; để nỗi buồn mải miết tựa vào cuộc đời; để cô đơn gõ cứa. Nhưng điều nhân văn và giàu lòng trắc ẩn ở Hồ Huy dễ dàng nhận thấy đó là anh phát hiện được vẻ đẹp tỏa sáng, nhen lên trong tâm hồn họ: nghị lực phi thường, tin yêu mãnh liệt, vị tha hào phóng và hi sinh cạn đời.

Ấy là người đàn bà của thế gian này đã lẳng lặng loe lóe vòm đêm. Ấy là người đàn bà Tày của ai kia có thể quên nắng riêng mình nhưng chưa bao giờ quên nắng thắp cho những người thân kẻ yêu. Thế đấy, nắng quên sưởi ấm trên cuộc đời biết bao người đàn bà …nhưng họ tuyệt đối không quên thắp nắng, dệt nắng trên mọi nẻo yêu. Có một lần, duy nhất lần ấy, kẻ tọc mạch Hồ Huy lạc trôi vào xứ sở đầy nắng nhưng trời vẫn sập nắng xuống mái đầu xanh người đàn bà trẻ, để lứa đôi quên yêu nhau.
Sau cuộc rong chơi, phiêu lãng chốn nhân gian, Hồ Huy gửi đến chính mình, đến mỗi chúng ta thông điệp nhân văn: Đừng ngắm nhìn một người đàn bà tắt nắng. Kiếp sau, đừng quên nắng những buổi chiều…

Đọc: Những buổi chiều quên nắng

Hoàng Khánh Linh