Ả à ơi, ả à ời…
Thương con mẹ những khóc thầm
Hai hàng nước mắt ướt đầm cơn mơ
Thương con mẹ những thẫn thờ
Hạt cơm cũng trốn, biết mơ thế nào?

Cha tôi đã neo vào lời ru nghẹn đắng, xót xa của bà để vượt qua lằn ranh sinh tử. Lời ru như sợi dây ra sức níu lấy cánh diều mong manh chao đảo chỉ chực rời bỏ không gian bao la vì không đủ sức chống chọi với cơn bão nghiệt ngã của cuộc đời. Đôi tay xanh xao của người đàn bà gầy guộc cố xiết chặt lấy sợi hy vọng mong manh ấy.

Đôi lúc bà cũng mệt lả tưởng chừng như buông xuôi vi sức cùng lực kiệt. Mà mảnh quạt mo trên đôi tay bà vẫn cần mẫn phe phẩy đuổi bớt những giọt mồ hôi rịn ra thấm ướt mái tóc loe hoe vài sợi của cậu con trai bé xíu xiu…

Cậu bé chưa đầy năm, nằm thiêm thiếp ngủ trong chiếc võng đay buộc nối giữa hai cái cột nhà lấm chấm đầy lỗ mọt… Bà vừa đều tay đưa võng vừa hát ru cha tôi bằng lời ru trong veo, non nớt ngập đầy âu lo của cô thôn nữ tuổi đôi mươi sinh con đầu lòng vào đúng nạn đói lịch sử năm Ất Dậu 1945.

Trong chiếc võng nhỏ ông nội bện từ sợi cây đay, cha tôi nằm thoi thóp vì bệnh đậu mùa và vì đói sữa. Tiếng khóc của cha không thoát ra thành tiếng mà chỉ khào khào như con mèo nhỏ đói lả lại mắc bệnh hen suyễn nặng. Bồng cha đến đâu nhặng xanh vo ve bay theo mùi tanh của những nốt mụn đậu mùa chảy nước vàng khăn khẳn. Họ hàng thân quen ai nhìn cha cũng khẽ lắc đầu và lén lén quay đi chùi nước mắt. Ông nội dù đói vàng mắt vẫn đi đâu đó quanh xóm xin được ít mảnh gỗ cũ đóng cho cha cái hòm nho nhỏ. Vậy mà như có phép màu, cha tôi đã cố liếm láp những giọt sữa loãng lòe nhạt thếch được nặn ra từ người mẹ đói ăn và nương theo lời ru nức nở của bà tìm về miền yêu thương ấm áp.

Ngọn đèn dầu trước bão đã không tắt mà kiên cường lớn thêm mỗi ngày nhờ giấc ngủ bình yên luôn được bà ôm ấp, vỗ về bao bọc trong lời ru thấm đấm tình yêu thương và nhờ cả những củ sắn, củ khoai bé xíu bao nguời nhường nhịn. Tiếng võng tiếng ru hoà lẫn cả tiễng mọt gặm gỗ kẽo kẹt trong ngôi nhà Thuận Kẻ ba gian hai chái lợp rạ. Lời ru dịu mát những trưa hè oi bức ồn ã tiếng ve. Lời ru sưởi ấm những đêm đông buốt lạnh trong tấm chăn vá chằng vá đụp không đủ ấm.

”Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…”

Trong lời ru của bà cánh cò mong manh lam lũ nhưng luôn kiên cường, thanh sạch như chính thân phận của những người phụ nữ thôn quê nghèo khó.

Mười tám tuổi, dù không đủ cân lại thiếu chiều cao nhưng cha vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ như bao bạn bè cùng trang lứa. Trước ngày tòng quân cha nắm gối đầu vào lòng bà nghe lại những lời à ơi thủa ấu thơ. Bà nuốt nước mắt vào trong vừa xoa đầu cậu con trai mới dậy thì vừa đều đều cất lời ru ngọt ấm mà thấp thóm âu lo của người mẹ tiễn con ra chiến trường, Cha đi về nơi khói lửa để lại lời ru mong mỏi đếm từng ngày, từng ngày với bao nỗi nhớ mong. Lo tre khóc măng, lo trong nhà lại nhiều thêm lần nữa tấm bằng Tổ quốc ghi công đầy ám ảnh…

Rồi cha cũng vẹn nguyên trở về từ nơi chiến trường bom đạn, trở về trả nợ lời ru à ơi luôn vang vọng trong ngôi nhà nhỏ quen thuộc của mình suốt thời ấu thơ nghèo đói…..
Bà tôi con nhà nông, cũng không được đi học đàng hoàng nhưng chỉ từ những bài thơ lục bát giản đơn thời bình dân học vụ bài nào bà cũng biến tấu thành lời ru ngọt lành đưa đến giấc ngủ bình an cho con, cho cháu và cả cho đám chắt sau này:

“O tròn như quả trứng gà,
Ô thời có mũ Ơ thì thêm râu,
I thì như cái móc câu…”

Năm cha tôi bẩy ba tuổi, ông bị tai biến nặng. Sau cả tháng điều trị, bệnh viện Bạch Mai trả về với tiên lượng xấu. Bà nội tôi ngồi bên giường cha. Bà không khóc, giọng khàn khàn đứt quãng hát những lời ru quen thuộc đã trải dài cả cuộc đời bà…

Gió mang cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay

Cha tôi yếu ớt, nỏ khô như cây mạ non đem cấy xuống ruộng cạn ngày đông buốt giá lại gặp sương muối. Lời ru quen thuộc, nhẹ nhàng, ấm áp như làn mưa phùn gọi xuân. Lời ru kiên nhẫn thổi từng hơi gió nhẹ ẩm ướt chờ cây khô bật mầm xanh kỳ diệu. Như vẫn còn mắc nợ với lời ru của bà, cha tôi lại một lần nữa níu lấy sợi gió xuân ấm áp hồi sinh. Xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt đủ kiểu nửa năm sau cha dần khỏi bệnh và lại tập đi, tập nói. Trí óc nhớ nhớ quên quên nhưng không quên được trong ngôi nhà xây khang trang có cụ bà gần trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, thường nằm đong đưa trên cái võng xếp màu xanh vừa đều nhịp tay kéo sợi dây vải buộc gá trên vành nôi nhỏ ru cậu chắt nội vài tháng tuổi ngủ say sưa:

Ả à ơi, ả à ời.
Con kiến mày kiện củ khoai
Mày chê tao bé… lấy ai bạn cùng….

Rồi một ngày đông buồn lạnh giá bà gửi lại cả một thế kỷ lời hát ru mát lành giản dị cho đám con, đám cháu, chắt ngác ngơ để theo mây trắng về trời. Cha tôi từ ngày hồi phục sau bạo bệnh thường tập tễnh trốn nhà đi lang thang ngoài đường làng, đôi khi quên cả lối về. Vậy mà từ hôm bà trở bệnh nặng cha cứ lặng lẽ ngồi canh bên giường. Bà đi, cha ngây ngẩn mặc áo xô, chống gậy tre đứng đáp lễ bên linh cữu cả buổi ai khuyên cũng không chịu nhường chỗ cho các chú. Nước mắt chảy tràn trên giương mặt già nua nhăn nheo in hằn những vết rỗ huê nhắc về căn bệnh đậu mùa ngày thơ bé. Vẫn như vọng lại đâu đây lời ru tha thiết ngọt lành đưa bà vào giấc ngủ bình an:

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan.
Để mẹ đi cấy ruộng sâu chưa về…
Ả… ơi.

Nguyễn Hoàng Lược