Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo lắm. Quê tôi làm nông, công việc hết sức vất vả cứ đầu tắt mặt tối quanh năm. Cha mẹ ông bà mỗi nam hai vụ chiêm mùa một nắng hai sương. Tôi và những đứa trẻ cùng làng lớn lên trong sự nâng niu ôm ấp của ông bà cha mẹ. Lời ru của ông bà cha mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi lớn lên theo năm tháng, theo chúng tôi đi suốt những dặm dài trong cuộc mưu sinh vất vả.

Từ khi còn nhỏ, nằm bên bà tôi được bà ru bằng những âm điệu đều đều đưa tôi chìm vào trong giấc ngủ say. Trong giấc mơ màng như thấy được cả một thế giới thần tiên xa lạ. Một thế giới con người và thiên nhiên hòa lẫn với nhau, chung sống với nhau hòa bình thân ái. Một thế giới con người và con người sống với nhau chan chứa tình người. Một thế giới con người và con vật hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
“ Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ụt ụt củ hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi củ riềng.”

Đầu óc ngây thơ của tôi lúc đó không nghĩ được gì nhiều mà cảm thấy cuộc sống mới tươi đẹp làm sao. Không những cuộc sống tươi đẹp mà còn chan chứa nhân văn vô cùng. Buổi trưa hè nắng nỏ, nằm đung đưa trên chiếc võng thiu thiu ngủ trong tiếng à ơi của bà. Con gà mái tơ ngoài vườn cục tác, tiếng gió xào xào trên ngọn tre có lẽ đây là khoảng thời gian thần tiên của tuổi thơ tôi. Trong giấc mơ màng nghe bà ru :
“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối về giổ cha chú mèo”.

Cuộc sống trong lời ru đẹp quá, thân thương quá. Tôi như say sưa uống từng lời ru ngọt ngào, trong lành như gió đồng quê tôi vậy.
Lớn lên một chút đã hiểu được lờ mờ ý nghĩa lời của bài hát ru, thấy mình được đi đến những bến bờ mới lạ. Các qui tắc ứng xử trong cuộc được truyền cảm qua lời ru của bà, từng ngày từng ngày đã lớn lên theo chúng tôi. Truyền thống uống nước nhớ nguồn, anh em đoàn kết được khéo léo răn dạy trong những tiếng à ơi.

“Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.”

Biết bao nhiêu cảnh đời vất vả của nông dân trong đó có cha mẹ tôi hiện lên như những bức tranh sống động.
“Nông cày bừa lật đật, lo chăm sóc bốn mùa
Đi sớm về trưa, nắng xiên hông phải chịu, mưa dầm mình phải chịu.”

Tuy chưa phải dầm nắng dãi mưa nhưng qua lời ru của bà tôi cũng cảm nhận được phần nào khó khăn gian khổ của cha mẹ.

Có những lúc được rúc đầu vào ngực mẹ, hít hà mùi mồ hôi chua chua mùi nồng của nắng mùi khét của mưa. Nghe mẹ vỗ về mới cảm nhận được an toàn và ấm áp làm sao. Lời ru của mẹ xa xăm chuyện nhân tình thế thái, nghe buồn như tiếng mưa rơi đều đều trên mái rạ.

“Đứng không thì chẳng ai nhìn, trèo lên cây ổi ba nghìn chị em,”
Nước khe chè núi củi rừng, công đâu mà lụy người dưng bề ngoài”
“Cậy rằng mình có than lim, phòng khi tắt lửa phải tìm diêm chăng.”

Cha mẹ tôi ngày đó hầu như không biết chữ, sau nay nhờ có phong trào bình dân học vụ mới biết bập bẹ đánh vần. Các bài hát ru được truyền miệng cho nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lời bài hát thường dễ hiểu, có nội dung giáo dục thực tiễn, có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống. Nhiều bài hát ru nói lên những ươc mơ chính đáng của người nông dân chân chất.

“ Đồn rằng cà cuống thơm cay, ăn cơm bát sứ rửa tay chậu đồng.”
Xuất thân là nông dân nhưng cũng gửi gắm qua lời ru cho con cháu những ước mơ hoài bão. Ông bà cha mẹ nào mà không muốn con cháu mình học hành đỗ đạt, vinh qui bái tổ làm rạng danh cho gia tộc gia đình. Ông bà, cha mẹ không được học hành nên gửi gắm ước mơ vào những câu hát ru tha thiết.

“Mốt mai ra thi cử
Đậu đôi chữ trạng nguyên
Nhà thập đạo xướng tên
Ai xen vô mà dạ.”

Cứ thế lời ru như một mạch nguồn bồi đắp tâm hồn chúng tôi như một cái hiển nhiên của cuộc sống làng quê. Lời ru nuôi dưỡng chúng tôi thêm yêu quê hương làng nước.
“Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục nước nhà vẫn hơn”.

Tôi nhớ có lần mẹ ôm tôi vào lòng ru những lời ru tôi nghe như ầng ậng nước. Cuộc đời không ai như ý cả. Tình duyên lứa đôi vì lý do này hay lý do khác mà nhiều khi không đến được với nhau, gửi qua lời ru nghe xa xót.
“ Anh đi lấy vợ cách sông, để tôi lấy chồng trước ngõ anh ra.”

Những lúc như vậy tôi thấy đôi mắt mẹ nhìn xa xăm ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Có nhiều cuộc tình đến với nhau bất chấp cả mọi lễ giáo phong kiến ngăn cản. Qua lời ru có cả những giọt nước mắt dầm đìa tuôn chảy.

“O út chưa chồng bồng con ai đó, nhiều tiền lắm lúa, để khó cho ai
khăng khăng cửa đóng then cài, anh vô không được đứng ngoài anh kêu.”
Rổi: “ Đến khi anh ra về o út khóc như mưa.”

Cuộc sống nó vốn thế, cái gì đến rồi cũng sẽ đến cái gì qua rồi cũng sẽ qua đi. Người nông dân như cha mẹ tôi không có thời gian để buồn. Ngoài công việc đồng áng lo kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình, cha mẹ còn phải lo lắng bao nhiêu là việc. Đêm đêm đi làm về mệt rã rời nhiều lúc còn tranh thủ ru tôi và những đứa em đưa chúng tôi vào giấc ngủ.

“Như khế với sung, khế chua sung chát
Như mít với gai, mít dai gai ngọt
Như chanh với lót chanh ngọt lót chua.”

Cuộc sống vất vả đó, chua xót đó nhưng lời ru không bi quan buồn tủi. Phía cuối mỗi con đường vẫn có nhưng tia sáng lấp lánh. Ngày bà mất đi, một không khí tang thương bao trùm lên ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi. Tiếng ru đều đều thoảng hơi trầu cay cay nồng nồng hình như còn vương vấn đâu đây nơi gốc cau bụi chuối. Thỉnh thoảng tôi nghe những lời ru của mẹ như dỗi hờn oán trách.

“Mẹ già như chuối chín cây, răng anh không liệu để em đây liệu cùng”.

Mẹ tôi bây giờ đã thành bà nội, bà ngoại. Mẹ được học hành đầy đủ văn thơ hiện đại có những bài thơ như bài Lỡ bước sang ngang của nhà thơ Nguyễn Bính bà thuộc lòng và thỉnh thoảng vẫn ru cháu. Nhưng hầu như những bài hát ru thời xưa vẫn là những hát ru thường xuyên của bà. Trong thâm tâm bài hát ru thủa xa xưa đã in sâu vào máu thịt của bà.

Làng quê bây giờ nhiều nơi phố hóa. Tiếng ru thưa thớt dần theo bóng lũy tre xanh. Đàn cò bay lả chỉ còn trong câu hát. Đâu đây trong tôi vẫn còn vẳng lên lời bà:

“ Ông trăng mà lấy bà trời, tháng năm ăn cưới tháng mười đưa dâu
Làng làm chín lợn mười trâu, làng ăn không hết đem xâu cột đình
Nghe ba hồi trống thùng thình, bao nhiêu con nít ra đình gặm xương.”

Thương nhớ ngày xưa đến nao lòng. Bù lại những trưa hè hay những đêm khuya tôi vẫn được nghe mẹ tôi cất lên những câu hát:

“Thằng cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời”.

Tôi như thấy bóng trăng tròn vành vạnh treo trên bầu trời, chú cuội ngồi bên gốc cây đa nhìn xuống tuổi thơ chúng tôi và cùng lắng nghe như uống từng lời ru của bà của mẹ.

Trần Lan