– Hôm nay con về chụp ảnh cho cha mẹ. Mẹ nói với cha, hai người chuẩn bị quần áo đẹp vào nha mẹ!
– Thôi, chụp chi. Tốn tiền.
– Máy ảnh của con mà, không có tốn tiền chi hết.
– Ờ, rứa thì được.

Trời giáp Tết se se lạnh. Tôi chạy xe hơn sáu mươi cây số giữa màn mưa bụi lất phất. Mưa đậu trên xe, trên kính chiếc mũ bảo hiểm, trên quần áo những hạt li ti, trong suốt. Hai bên đường bạt ngàn những rừng hoa mía vươn cao, núi rừng trải dài, chìm khuất trong màu hoa mía bàng bạc đang lay theo từng đợt gió nối nhau không ngừng nghỉ. Cảnh đẹp mà buồn, nơi đây đẹp nhưng nghèo. Tôi cứ vừa chạy xe vừa miên man theo dòng suy nghĩ…
Ngôi nhà giữa cánh đồng lúa hiện ra trước mặt vừa đúng lúc đôi bàn tay của tôi đã cóng đi vì lạnh, tưởng không thể nào chạy xe tiếp được. Cổng nhà cỏ dại mọc đầy hai bên, lâu lắm rồi tôi chưa về nhà. Vườn rau của mẹ đang mỡ màng, tươi tốt, lúa ngoài đồng mới nhú lên xanh màu non tơ khác hẳn với vẻ già nua của những cây mía đang thì trổ hoa tôi vừa gặp.
– Mẹ mặc áo nào được?
– Áo dài đi mẹ.
– Thôi, mẹ ngại lắm.

Thế rồi, cha không chịu khoác áo vest, mẹ chẳng xúng xính áo dài. Cha mẹ ngồi bên nhau trên băng ghế đá cạnh hiên nhà trong bộ đồ quen thuộc, giản dị. Hai người cũng chẳng nắm tay tình cảm như trong các bộ phim gia đình mà thỉnh thoảng tôi có xem, chỉ lặng lẽ ngồi bên nhau và nhìn vào chiếc máy ảnh tôi đang cầm trên tay. Tôi bấm máy mà tay run run và cố không để mắt mình rưng rưng nhòa lệ. Những tấm ảnh được chụp trong khoảnh khắc ấy ghi lại rõ nét khuôn mặt nghiêm nghị của cha, nụ cười tươi pha ngại ngùng của mẹ, ánh nắng hanh của buổi chiều đầy gió lạnh, những nếp nhăn hiển hiện trên khuôn mặt tuổi già và hai mái đầu pha sương…

Cha mẹ của tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc ra hiệu ảnh và chụp cho mình những bức ảnh đẹp để lưu giữ kỷ niệm. Chúng tôi cũng chưa khi nào hẹn thợ ảnh đến nhà trừ dịp đám cưới của chị gái và của tôi. Kể cả những lúc ấy, cha mẹ cũng không có thời gian để chụp chung với nhau một tấm hình. Họ cứ tất bật hết việc nọ đến việc kia cho đến lúc tàn tiệc. Vì thế trong nhà, chỉ treo có hai tấm ảnh cưới của chị em tôi. Tôi cũng không rõ có bao giờ họ tủi thân khi nhìn ngôi nhà của người khác luôn có những bức ảnh gia đình treo nơi trang trọng nhất ở phòng khách hay không? Tôi chỉ ân hận một điều: Đợi đến tận năm cha mẹ tôi đều bước qua tuổi lục tuần tôi mới nghiêm túc mà chụp cho họ những tấm hình mà khi nhìn vào tất cả mọi chi tiết đều gợi lên sự chồng chất của thời gian. Cha mẹ thường hi sinh trong âm thầm, con cái lại thường vô tâm cho tới khi giật mình ngoảnh lại…

Tai của cha tôi nghe không tốt. Nhiều lúc chúng tôi phải nói to khản cả cổ thì ông mới nghe câu được câu mất, vì thế tivi bật trong nhà, đi ngoài đường vẫn nghe tiếng rõ mồn một. Mắt của mẹ tôi đã mờ lắm rồi, chẳng còn nhìn thứ gì được rõ ràng. Có lẽ, khuôn mặt của bốn người con cũng chỉ còn rõ ràng trong ký ức của mẹ. Ngày còn có thể chữa được thì nhà chẳng có tiền, đến khi chúng tôi có điều kiện để đưa mẹ đi điều trị thì hầu như đã muộn, chỉ có thể cải thiện được một ít mà thôi. Mọi sự thiệt thòi, vất vả, cực nhọc của họ làm thế nào chúng tôi có thể bù đắp được. Thời gian trôi qua, gánh nặng lớn dần rồi bắt đầu nhẹ bớt đi từng ngày. Đến bây giờ, cha mẹ chỉ cần khỏe mạnh đã là món quà của đàn con. Nhưng ai trả lại cho cha mẹ sức khỏe? Ai có thể khiến cho tấm lưng của cha mẹ bớt còng? Ai đủ sức nhuộm lại mái tóc bạc thành mái tóc đen xanh ngày trẻ?

Chẳng một ai đủ sức làm nên những điều kì diệu ấy. Chúng tôi nợ cha mẹ một hình hài. Chúng tôi nợ cha mẹ một tuổi thơ tuy nghèo nhưng được học hành đầy đủ. Chúng tôi nợ cha mẹ mình những lời xin lỗi vì đã chẳng thể trưởng thành sớm hơn như Thánh Gióng trong một ngày vụt biến thành tráng sĩ. Chúng tôi nợ cha mẹ một món nợ đời mà dù có dùng cả đời cũng không sao trả hết tuy cha mẹ chưa một lần bắt chúng tôi trả lại họ bất cứ thứ gì.

Tôi ghi lại hình dung của cha mẹ và lưu trong những bức ảnh quý giá, với riêng tôi và chị em chúng tôi. Ngắm nhìn họ tôi thấy mình thật nhỏ bé, càng nhỏ bé hơn khi đặt bản thân trong dòng chảy vùn vụt của thời gian. Nhìn vào đôi mắt nhuốm màu năm tháng của bậc sinh thành, tôi lại thấy mình là cô bé chiều nào cũng mải chơi đợi mẹ gọi rát họng mới chịu rời chúng bạn, rời cuộc vui để về nhà; lại thấy mình là đứa trẻ tha thẩn chơi bên cha khi ông đánh tranh lợp nhà rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay khi là đứa trẻ vừa tròn bốn tuổi.

Tôi chợt nhớ lại hình ảnh rừng hoa mía bạt ngàn bên đường mà tôi đã nhìn đến ngẩn ngơ vì đẹp. Cái màu bàng bạc như khói như sương ấy sao mà giống với màu tóc trên mái đầu của cha mẹ đến thế. Đẹp và buồn. Điều đó nhắc cho tôi nhớ về sự hữu hạn của đời người, về thời điểm cha mẹ của tôi đã có thể yên lòng mà nghỉ ngơi sau hơn nửa đời người làm bạn với bão giông nắng gió. Thật may, buổi chiều hôm ấy và rất nhiều những năm tháng trước và sau đó, trên khuôn mặt của cha mẹ vẫn chưa bao giờ mất đi nụ cười, có nụ cười vô ưu, có nụ cười hạnh phúc tự hào, có cả những nụ cười phảng phất nỗi buồn hoặc chất chứa nỗi niềm khó đoán. Chỉ cần còn cười được, là cuộc đời này còn đáng giá và đáng sống, phải không?

Tôi chụp hình cha mẹ khi Tết đang cận kề, lúa non phủ khắp cánh đồng. Đường tôi đi về không chỉ có hoa mía mà còn có hoa mai, hoa đào, hoa hoa cúc và rất nhiều loài hoa khác đang khoe sắc trên phố để đón đợi mùa xuân. Sau giây phút rưng rưng tôi thấy mình hạnh phúc. Còn cha mẹ là còn hạnh phúc dẫu cuộc đời có khó khăn, trắc trở bao nhiêu. Còn cha mẹ là còn một ngôi nhà để trở về, là còn được che chở, yêu thương.
Còn cha mẹ là vẫn còn mùa xuân để đón đợi. Tôi đón đợi mùa xuân bắt đầu từ nụ cười của mẹ, của cha. Tôi bâng khuâng nghe nỗi nhớ cựa mình. Tết này nhất định sẽ là Tết đoàn viên!

Nguyễn Hiên