Khác với những bài tản đầy triết lí và rất cá tính của nhà văn Trịnh Thu Tuyết, Hoa vườn mẹ đúng là một đoá hoa nhỏ dịu dàng, rực rỡ và trong veo bung nở sau một cơn bão dữ dội của lịch sử.

Bài tản xoa đi những xót xa của mất mát, ươm những yêu thương và hi vọng cho những ngày nắng lên. Nhà văn dung dị kể câu chuyện về mẹ, một người mẹ “rất tư sản” lại có một bàn tay rất “thuần nông” trong việc trồng cây, nuôi gà, nuôi lợn và cả nuôi những đàn thỏ khó tính không bao giờ ăn lá ướt.

Người đọc hình dung về một người mẹ đảm đang và khéo léo – một người mẹ mát tay nuôi trồng để tăng thêm thu nhập gia đình, nuôi những đứa con ăn học những năm tháng cả nước còn đói nghèo, kham khổ. Sẽ vẫn là một câu chuyện cũ nếu không có chi tiết cảm động về đàn thỏ trắng tinh sắp đến ngày được bán để mua sách vở, mua áo quần, mua đồ ăn … cho các con lại bị trộm sạch. Chuồng thỏ trống hoắc trống hơ, mấy chị em hụt hẫng không nói nên lời. Vừa buồn vừa thương khi tác giả so sánh giá như trộm ăn cặp cái đài, cái xe còn đỡ xót xa hơn!

Từ ngôi nhà ở Nam Định một thời, nhà văn dẫn dắt chúng ta đến những ngày tháng tản cư của mẹ, mẹ vẫn thế – vừa chỉn chu “tư sản” vừa rất mát tay để trồng rau, trồng hoa, được bao lời khen của các đồng nghiệp.

Rồi năm tháng trôi đi, như bao nhiêu bà mẹ khác, mẹ về hưu và rời Nam Định lên Hà Nội ở với con, trông nom cháu. Bàn tay “thuần nông” của mẹ đã cho ban công khu tập thể tầng 3 của nhà con gái một chậu hoa móng rồng ngan ngát hương, mơn mởn xanh. Dường như mẹ đi đến đâu, cây cứ lớn đến đấy, chỗ nào có mẹ là chỗ ấy có cây xanh, có hoa thơm. Phải chăng mẹ là một vườn hoa và vườn hoa như một kí ức về mẹ!

Cho nên, dù mẹ không còn, chậu hoa móng rồng thiếu bàn tay mẹ mà thôi đơm hoa, tác giả vẫn chăm chút chậu cây như chăm chút kí ức về mẹ. Hình ảnh chậu cây bị chặt đi, bị bỏ vất vưởng giữa nền vôi vữa giữa những người thợ xây khiến chúng ta ngậm ngùi. Người đọc thấy dáng dấp của mình trong đó – sự bận rộn và mệt nhọc khiến chúng ta bỏ bê một cái gì, một ai đó vốn dĩ quan trọng với chúng ta. Nhưng kì diệu là những yêu thương giữa cuộc đời không vì sự bận rộn bỏ bê đó mà mất đi, chết hẳn. Chậu cây sau bao nhiêu mùa mưa mùa nắng, sau cơn bão Yagi lại đơm những nụ hoa. Những nụ hoa ấp ủ bấy nhiêu năm chờ lúc tưởng hoang tàn nhất lại vươn mình hé nụ. Có phải hoa muốn nói cùng ai đó về một sự sống mãnh liệt chẳng dễ tàn phải, về những mầm xanh của hôm qua, hôm nay – những mầm xanh còn mãi!

Và có khập khễnh không nếu ta thấy có một cô Hiền trong Một người Hà nội hãnh diện và tin yêu về sự tuần hoàn của đất trời khi thấy cây Si cổ thụ của Hà Nội sống lại sau trận bão. Còn trong Hoa vườn mẹ là một cô Tuyết rưng rưng tiếng gọi mẹ ơi với biết bao bất ngờ, yêu tin, vui sướng, hạnh phúc về một đoá hoa nở muộn sau cơn bão khủng khiếp Yagi!

Mai Nga