Bây giờ là mùa mùa đông. Tại cánh đồng hoa Chim Cút của thành phố Đà Lạt những bông hoa Cải trắng tinh khôi, hoang dại đua nhau khoe sắc trong làn sương mỏng mảnh, dịu dàng.

     Tôi biết đến địa danh Đà Lạt từ rất sớm qua các bài giảng của cô giáo thuở Tiểu học. Và đến năm mười một tuổi tôi đã đặt chân đến mảnh đất mang tên sứ sở ngàn hoa này để sống với bà ngoại. Thú thật, Đà Lạt tựa như một Pari thu nhỏ của Việt Nam với những sắc hoa riêng biệt. Không lẫn vào đâu với sắc hồng thắm rực rỡ, dịu dàng của mai anh đào khi mưa xuân gõ cửa làm sáng bừng khắp triền núi đến các ngõ ngách trung tâm của thành phố. Phượng tím buồn man mác mỗi độ hạ về khiến cho lòng người ngất ngây. Đẹp ngỡ ngàng một mảng trời với lá phong biến đổi sắc màu, càng vào thu càng đỏ rực mang nét riêng cho phố núi mộng mơ. Và không thể lãng quên nét đẹp giản dị, chân chất của màu hoa cải trắng mỗi độ đông về.

     Nhà tôi thuộc xã Tà Nung nằm ở phía Tây Nam của thành phố Đà Lạt và cách trung tâm của thành phố khoảng chừng 15km. Tà Nung chỉ là một thị trấn nhỏ; với những con đường ngoằn ngoèo, quanh co, uốn lượn; người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt. Ngoài các cây trồng chủ lực như chè, cà phê… thì hoa Cải Trắng cũng là một loại cây ngắn ngày được các hộ dân nơi này chú trọng trồng trọt để tăng thêm thu nhập. Hoa Cải trắng được gieo hạt vào đầu mùa mưa và trong vòng từ 3 đến 5 tháng thì hoa sẽ nở rộ. Chúng có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, thích nghi với không khí lạnh. Hoa thuộc giống cây thân thảo, thẳng đứng, có nhiều nhánh xum xuê. Nếu điều kiện tiết trời thuận lợi cây cao đến 1m. Hoa cải thường mọc từng chùm nhỏ đan xen nhau. Quan sát kĩ sẽ thấy rõ từng cánh hoa bé li ti mềm, mịn. Thân cây thẳng đứng nghiêng mình trong ánh nắng yếu ớt của mùa đông. Bề mặt lá sần sùi, màu xanh thẫm nhưng đặt biệt không có lông khác xa với lá của hoa Dã Quỳ – một loài hoa dại hoang sơ của núi đồi Tây Nguyên vừa tàn, trước khi hoa Cải trắng nở rộ hay lá của một vài lòai hoa khác. Giữa lá có một đường gân xanh nổi trội.

     Nếu như hoa cải vàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc đẹp ngỡ ngàng, lộng lẫy, kiêu sa thì hoa Cải trắng mang một vẻ đẹp thuần khiết, trinh nguyên. Màu trắng ấy cho ta liên tưởng về người con gái trong sáng đang ở tuổi mới lớn. Cánh hoa nhỏ nhắn, trắng muốt, hòa tan vào những đám mây trắng bồng bềnh, thoảng cơn gió lướt nhẹ làm cánh đồng hoa cải uyển chuyển, lắc lư như một bản nhạc tình đang ở độ cao trào nhất. Dưới tiết trời đông lành lạnh của Đà Lạt, cánh đồng cải trắng đẹp mơ màng, huyền ảo khiến cho tôi có cảm giác mơ hồ giữa thực và hư.

     Tuổi thơ của tôi, bà vẫn thường bảo cây hoa cải trắng dùng để chữa ho lâu ngày và điều trị cả bệnh đau mắt. Phần lá của hoa kết hợp với một ít gừng giã nát vắt lấy nước uống chống kháng khuẩn rất tốt. Cải trắng được trồng trải dài thành những cánh đồng để thu hạt ép lấy dầu. Vào những đêm trăng rằm; với không khí se lạnh, ấm trà hoa cải cũng làm xóa tan bao nỗi nhọc nhằn của một ngày làm việc mệt nhọc. Những bài thuốc nhân gian tuy giản đơn nhưng rất hiệu quả từ lâu đã ăn sâu vào nếp sống của người dân nghèo quê tôi.

     Bao năm rời xa ngoại nhưng mỗi lần đông chạm phố tôi lại bùi ngùi nhớ đến quê nhà, nhớ đồng cải trắng khôn xiết. Ngày nay, con người được sống trong thời đại mới, bước ra ngõ đã thấy những loài hoa sang trọng, đắt tiền đua nhau khoe sắc, có ai còn nhớ đến loài hoa bình dị, mộc mạc đã gắn liền với một thời xa xưa.

Cải xanh hoa nở trắng đồi
Những đàn bướm trắng dạo chơi khắp vùng
Lả lơi tóc nhẹ gió rung
Hình như xuân đến ở cùng bên nhau.

     Hoa Cải trắng đã đi vào thơ ca một cách chất phát nhất, thật nhất nhưng tinh tế nhất. Tôi bắt gặp bức tranh làng quê Việt Nam, thơ mộng qua từng câu chữ thấm đượm tình quê.
Với tôi, hoa cải trắng mãi là biểu tượng đẹp nhất trong kí ức tuổi thơ. Mỗi độ đông về lòng tôi lại xốn xang, miên man thấy lạ.

Hương Cỏ