T

ôi không nghĩ mình sẽ thâu tóm nội dung cuốn sách dày 315 trang (chưa kể bìa) trong một vài trang cảm nhận ngắn ngủi như những review thông thường về một cuốn sách mới. Không chỉ vì sức chứa tri thức, trí tuệ, đặc biệt là sức nghĩ và chiều sâu tâm hồn người viết trong từng trang sách khiến người ta kinh ngạc và thấm thía, mà còn vì tôi muốn thử bắt đầu một hành trình mang tên “Đồng vọng” – như lòng mong mỏi tác giả gửi gắm trong chính nhan đề mang hàm nghĩa sâu xa, dư vang của cuốn sách này.

  1. Đồng vọng – Nhan đề ấy trước hết có lẽ bắt nguồn từ chính nội dung tư tưởng của tập sách, gồm 21 bài bình thơ, 16 bài bình văn, 34 bài tản văn. Tác giả gọi đó là “những vần thơ và những tiếng lòng”, ”bức tranh của đời, chân dung của người”“những tản mạn suy tư”. Chiều kích tư duy và biên độ cảm xúc mênh mông không chỉ nằm ở số lượng lớn bài viết mà còn ở đối tượng mà tác giả “đồng vọng”, từ văn học trong nước đến văn học thế giới, từ người “muôn năm cũ” đến những gương mặt văn chương ”đình đám” đương đại, từ thơ đến văn xuôi, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, chứng tỏ một sức đọc, sức nghĩ, sức cảm dồi dào, mãnh liệt. Đằng sau những trang viết là niềm rung động, đồng cảm sâu xa trước “nỗi day dứt”, “nỗi cô đơn”, “dự cảm lo âu”, “nỗi xao xuyến ngàn năm” của những đời thơ, đời văn, phận người, là những suy tư minh triết về văn chương nghệ thuật mang dấu ấn tư duy sắc sảo của một nhà phê bình tài hoa và của một nhà giáo trầm tĩnh, thông tuệ.

Nhưng Đồng vọng có phải chỉ là “tiếng nói tri âm” của tác giả cuốn sách với các cây bút văn chương? Hay còn nỗi mong ngóng nào khi có hơn 30 bài tản văn của chính tác giả được xếp ở nửa sau cuốn sách, như một sự đợi chờ được “đồng vọng” từ phía người đọc hôm nay, những người đang cầm trên tay cuốn sách này?

Xin được bắt đầu từ Lời tựa. Thú thực, lâu nay đọc sách, thỉnh thoảng tôi vẫn bỏ qua phần này, nhất là với những bài giới thuyết chung chung khách quan, có phần khô khan và lý tính. Nhưng Đồng vọng lại thu hút tôi ngay từ trang đầu tiên, bởi đó là những dòng tự sự sâu lắng của chính tác giả về sách cùng dấu ấn khó phai về những nhân vật văn học, những vui buồn mà sách đem đến, những chân trời mà sách mở ra, những trải nghiệm mà sách mang lại trong suốt cuộc đời. Hơn mọi lời giới thiệu, thay mọi lời khuyến đọc, tác giả Đồng vọng kể về sự hiện hữu không thể thiếu của sách trong những tháng năm dài của cuộc đởi, cách mà sách đã tác động đến tâm hồn, ý nghĩ, trí tuệ, làm dấy lên niềm tin yêu con người, vực dậy và an ủi tinh thần con người cả những ngày “mệt mỏi và hoang mang”. Bằng lối văn chân thực mà đầy xao xuyến, Lời tựa phần nào phác hoạ chân dung tác giả, một trí thức giàu vốn đọc, một tâm hồn phong phú tha thiết với văn chương, một con người ý thức sâu về giá trị sống, đi qua nhiều biến động của cuộc đời vẫn giữ một niềm tin sắt son vào khả năng kì diệu của văn chương, có một tình yêu thuỷ chung với nghệ thuật, với cái đẹp.

Qua Lời tựa, tác giả không chỉ đúc kết chiêm nghiệm giá trị của sách cho riêng mình, mà còn muốn chia sẻ “niềm hạnh phúc” và “lòng biết ơn” ấy đến nhiều người, để có thêm nhiều sự “nối dài” đời sống vốn chật hẹp hữu hạn ở mỗi chúng ta, mong có thêm những sự “đồng vọng” quý giá giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại.

  1. Thơ và những “đồng vọng”

Xưa nay, thơ vẫn được xem là nhịp cầu tri âm giữa thi nhân và độc giả, bởi thơ thường có vần điệu, có cảm xúc nên dễ đọc, dễ cảm, dễ khiến người ta rung động. Dù thực chất, cảm thơ, hiểu thơ, nhất là bình thơ là điều vô cùng khó. Thơ không chỉ là cái đẹp của ngôn từ, thơ còn là cái đẹp trong tư tưởng. Bàn về cái đẹp ngôn từ và làm sáng rõ cái đẹp tư tưởng trong thơ là điều không hề dễ dàng. Để “đồng vọng” được với thi nhân, đòi hỏi năng lực trí tuệ, tâm hồn và năng lực ngôn ngữ phải dồi dào, phong phú, đặc biệt cần cả đam mê, có khi là khổ hạnh của người viết.

Đọc “…những vần thơ và những tiếng lòng…” trong cuốn Đồng vọng của tác giả Trinh Thu Tuyết, tôi nhận ra đằng sau những trang chữ công phu không chỉ có sự tìm tòi, giải mã theo lối tư duy của một nhà phê bình, mà còn là sự cất tiếng đầy cảm xúc của một trái tim tìm thấy sự đồng điệu giữa hồn mình với hồn người. Nhan đề các bài viết luôn có các từ khoá “định danh”, “định tính” tư tưởng và phong cách hay một nét đặc trưng nào đó của một nhà thơ/ tập thơ/bài thơ mà tác giả khảo sát, như: “trái tim biết nhìn” của Nguyễn Việt Anh, “nỗi cô đơn” của Văn Cao, “tứ đẹp” hay “những lời yêu muộn màng” của Văn Công Hùng, “những cái tôi mang gương mặt đàn bà” của Xuân Quỳnh, “góc đắm đuối cô đơn” của Lưu Quang Vũ, “một quan niệm về thơ và về đời” của Lê Vĩnh Tài, “nỗi xao xuyến ngàn năm” của Vương Duy… Sự “định danh”, “định tính” đó ít nhiều gợi sự tò mò, dẫn dụ người đọc bước vào thế giới huyền diệu của thi ca, để cùng khám phá, giải mã những bí ẩn đằng sau những từ khoá ấy. Cho dù có những điều về tác giả, tác phẩm chúng ta đã quen, đã biết, vẫn có những bất ngờ, vỡ ngộ bởi những cách lí giải, khái quát mới mẻ mang tính chiêm nghiệm của người viết.

Điều tôi tâm đắc nhất khi đọc những tiểu luận về thơ của tác giả Đồng vọng là lối suy tư mang màu sắc triết lí, trí tuệ của một tâm hồn mẫn cảm với thơ, với đời, đặc biệt với những nghịch lí, bi kịch ở người nghệ sĩ. Tác giả đã đào sâu hình ảnh, tứ thơ, truy tìm ráo riết ý nghĩa tư tưởng và giải mã chúng không chỉ bằng kiến thức, kinh nghiệm mà cả trải nghiệm, để hạ bút thành châm ngôn, thành triết lí: “hoá ra cái nhìn bằng trái tim nhiều khi còn tinh tế, dịu dàng, sắc sảo gấp bao lần cái nhìn thị giác” (tr9), “ngộ ra, khi còn khóc được và được khóc, đó vẫn còn là hạnh phúc” (tr21), “những nhận thức thấm thía chất triết học thường được chắt ra từ nước mắt, có khi nhoè lẫn trong khói hương, tiếc là hầu hết chiêm nghiệm xưa nay đều chỉ dành cho đời, còn phần lớn là muộn với chính mình” (tr37), “gốc rễ thì chìm sâu lòng đất, móng nền thì khuất lấp dưới mọi thành trì, người dân tạo lập tất cả những giá trị hữu hình hoặc vô hình, chỉ bản thân họ thì luôn như vô hình bởi thực sự vô danh” (tr42), “tình yêu là thứ không bao giờ có thể rút kinh nghiệm” (tr54), “tình yêu luôn là lĩnh vực của cái duy nhất, người ta không thể yêu sự nhân bản” (tr64), “muôn đời nay, loài người luôn như thế, họ sống bên nhau, chen chúc cạnh nhau, nhưng hoặc chỉ nghe thấy mà không thể nhìn, hoặc nhìn thấy mà không thể nghe, sự giao cảm hoặc hoà nhập tận cùng giữa trái đất tương thông luôn là điều bất khả!”, (tr81), “và từ đó, tôi thấy mẹ tôi, thấy tôi, con gái tôi, những người đàn bà chúng tôi, gục mặt vào cái bất trắc, gập ghềnh, ngang ngửa của đời, lần bước đi trong trơn trượt…” bởi tác giả đã “đọc ra cái thực còn thực hơn cả hiện thực của đời, đó là cái thực chưng cất từ rất nhiều cuộc đời… cái thực tàn nhẫn và đau đớn… chạm cứa vào lòng người đọc” (tr83,84), “sự bất khả tri, bất khả hiện là bi kịch, nhưng thật ra đó cũng là điều làm nên sự hấp dẫn kì lạ của tình yêu! Bởi, sự khả tri, khả hiện nhiều khi lại là chặng cuối của đam mê!” (tr93).

Tiến sỹ văn chương Trịnh Thu Tuyết

Những đúc kết sâu xa trên không chỉ là kết quả của việc đọc hiểu thơ mà còn là hành trình “lấy hồn ta để hiểu hồn người” của tác giả Đồng vọng. Hành trình đó được diễn giải bằng lối văn tự nhiên dung dị, trí tuệ mà không bóng bẩy, đẹp lời sáng ý mà không hoa mỹ, chân xác mà vẫn sâu xa, một lối viết đằm và sắc! Trong thế giới thi ca muôn màu, việc nhận chân một gương mặt, nghe ra một tâm hồn đồng điệu, cất lên lời sẻ chia thấu cảm, chẳng phải là hạnh phúc lắm sao, với cả thi nhân và người đọc? Chẳng phải đích đến cuối cùng của thơ nói riêng và của văn chương nghệ thuật nói chung là chờ nghe một tiếng “đồng vọng” giữa nhân gian, như thuở trước Tố Như từng mong mỏi “bất tri tam bách dư niên hậu” đó ư?

    1. Văn và những tiếng nói tri âm

 Có lẽ phải thú thực rằng, tôi đã vội vàng, nông nổi khi nghĩ sẽ làm một hành trình “đồng vọng” cùng cuốn sách của tác giả Trịnh Thu Tuyết (như đã nói trong phần 1 của bài viết), dù mong mỏi đó trước hết xuất phát từ niềm yêu thích văn chương, sau nữa là từ lòng ngưỡng mộ cô giáo mà tôi rất kính trọng, yêu quý.

Nhưng, đọc hết phần 2 với nội dung “bức tranh của đời, chân dung của người”, tôi đã nhận ra tất cả sự nghèo nàn kiến thức, nông cạn vốn liếng của mình và vỡ lẽ về sự “đồng vọng” mà tác giả gửi gắm qua cuốn sách. Đó không đơn thuần là sự yêu thích cảm tính hay nhận thức lí tính về một tác giả, tác phẩm văn học, mà là khả năng thâm nhập tác phẩm nghệ thuật đạt tới cảnh giới, được chi phối bởi nhãn quan sắc sảo “tinh đời”, trực giác nhạy bén, vốn hiểu biết phong phú và trải nghiệm đời sống đa chiều của tác giả.

Trong Đồng vọng, tất cả thể hiện trước hết ở chính những đối tượng mà tác giả lựa chọn khảo cứu: tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Lập, Trần Thuỳ Mai, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, những trang viết về rừng của Nguyên Ngọc, khúc ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến…. Đó hẳn không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên hay tình cờ mà bắt nguồn từ “con mắt xanh” của tác giả. Chính nhãn quan tiếp nhận đi tìm sự đồng điệu hay sự đồng điệu tâm hồn đã dẫn tác giả đến với những cây bút luôn nặng nợ với văn chương, nặng nợ cả với đời. Và ở đó, họ đã gặp gỡ, đồng vọng với nhau, đồng vọng cả với đời.

Tôi không ngừng kinh ngạc với sức khái quát vấn đề, khả năng “soi rọi” làm sáng lên giá trị các tác phẩm với những suy tư mang chiều kích sâu xa, được cô đúc trong các mệnh đề vừa thống nhất vừa tương phản, vừa nhất quán vừa nghịch đối, ngỡ nhẹ như bấc mà lại nặng như chì: “Đất mồ côi, người lạc loài”, “tình người trong tình cát”, “những vụn vàng trong vụn văn”, “vấn đề lớn từ những chi tiết nhỏ”… Đó nhất quyết không phải là những nhan đề được đặt cho xong, cho có, mà là sản phẩm của lối tư duy chặt chẽ, nghiêm cẩn mang màu sắc Trịnh Thu Tuyết. Là kiểu nhan đề bung phá tác phẩm từ trung tâm đến ngoại biên, đem đến những khám phá vừa bao quát vừa cụ thể, vừa khách quan phổ quát như chân lí, vừa chủ quan với góc nhìn, suy tư chiêm nghiệm đậm tính cá nhân.

Đâu đó, trong các trang viết dày kín chữ vốn không dễ đọc hay dễ thấm, càng không phải để giải trí, người ta cảm được, nghe được lúc là nỗi đau xót day dứt, lúc là tiếng thở dài bất lực, lúc là sự truy vấn về “cái bất toàn, cái nghịch lý, thậm chí phi lý” của đời sống khi tác giả “đồng vọng” với nhà văn, cũng là đồng vọng với muôn nỗi của tha nhân giữa cuộc đời. Lối phê bình tinh sắc mà tha thiết đi kèm với lập luận chặt chẽ, lí lẽ minh triết, luôn có những câu cảm thán và những câu hỏi nhức buốt về sự sống, thách thức khả năng tư duy, đồng sáng tạo của người đọc.

Điều thú vị nhất trong phần 2 của cuốn sách này là tôi đã học được bài học mà chính cô đã tiếp thu được và truyền lại một cách khiêm tốn, giản dị qua bài viết: “Những tiếp nhận cho nghề từ cuốn sách “Nguyễn Duy, nhà thơ hiện- đại-cổ-điển Việt Nam” của nhà phê bình Lã Nguyên. Bởi đọc các bài viết của cô trong Đồng vọng, tôi cũng có cảm giác “những băn khoăn được tháo gỡ, những vướng mắc được sáng tỏ, những lộn xộn được sắp xếp/ tái thiết lại”, giúp tôi nhận ra các phương pháp, các cách thức tiếp cận, giải mã một tác phẩm văn học vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa so sánh, quy chiếu trên nhiều góc độ, bình diện để nhận thức đầy đủ, “sáng rõ nhất bản chất đối tượng”. Cũng từ phương pháp tiếp nhận của cô, tôi học được cách vận dụng vào việc khai thác, giảng dạy, đọc hiểu văn bản văn học, để những giờ văn không mất đi bản sắc đặc trưng của từng thể loại và vẻ đẹp riêng, chiều sâu của từng tác phẩm.

    1. Tản văn và những niềm ngóng đợi…

Tôi đồ rằng, khi xếp phần “…những tản mạn suy tư…” vào cuối tập Đồng vọng (thay vì nằm ở phần đầu hoặc giữa cuốn sách, thậm chí có thể in thành tập sách riêng), hẳn tác giả cũng đang âm thầm, rụt rè ngóng đợi những tiếng lòng đồng cảm, tri âm từ người đọc? 34 bài tản văn, tùy bút, bút kí thấm đẫm chất văn, chất đời, chất người, đủ sống đời độc lập của một cuốn sách, nhưng tác giả đã lặng lẽ ghép vào Đồng vọng, hoàn chỉnh bộ ba yếu tố không thể thiếu trong đời sống văn chương: nhà văn – tác phẩm – bạn đọc…  Tác giả vừa là người sáng tác, vừa là người tiếp nhận kiêm nhà phê bình, tác phẩm trình làng là sự kết hợp hoàn hảo hai vai trò ấy. Dẫu xét về danh vị, nhà giáo Trịnh Thu Tuyết không có tên trong Hội nhà văn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người ta không thể hoặc không có quyền sáng tác văn chương, nhất là khi sự viết lách ấy lại xuất phát từ những rung động, trăn trở, suy tư trước đời sống, mà không vì gánh nặng, trọng trách của một nhà văn hay vì áp lực áo cơm (như văn sĩ Hộ trong Đời thừa của Nam Cao thuở trước).

Đúng như đề tựa phần 3, “những tản mạn suy tư” không gò lại trong bất cứ khuôn khổ nào. Từ thể loại đã thấy đó là sự lựa chọn tất yếu để người viết dễ dàng bộc lộ tâm cảm, những nghĩ suy thăm thẳm về người, về đời. Dù đề tài viết về những sự vật, hiện tượng hay con người bình dị, thân thương, đã gắn bó, đã quen, đã gặp như ngôi nhà của ngoại, chiếc ấm sứt, chè thái, quán cóc…, những trang văn vẫn lay động lòng người bởi những triết lí sâu xa được đúc kết bằng suy tư và trải nghiệm của người viết. Đó là cái Tôi không nhòa mờ, trộn lẫn với bất kì ai. Cái Tôi ấy vừa tha thiết yêu thương con người, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, vừa xót xa trước những đảo lộn, phai nhạt giá trị, vừa lo âu trước sự suy tàn, mất mát của cái đẹp, vừa hốt hoảng trước sức tấn công của hư vô và nhạt nhẽo, nhưng cái Tôi ấy cũng không ngừng gắng gượng để tin yêu và phấp phỏng mong chờ, rằng chân – thiện – mỹ sẽ không mất đi chỗ đứng của mình trong lòng người và giữa cuộc đời.

Điều làm nên nét độc đáo cho những trang tùy bút, tản văn của tác giả Trịnh Thu Tuyết không chỉ là sức hấp dẫn về tư tưởng mà còn là vẻ đẹp của các yếu tố nghệ thuật. Là lối viết dung dị đến mức ngỡ không cần dụng công gọt chữ, nhưng chính cái mộc mạc của văn phong ấy lại là chiều sâu của trí tuệ và cảm xúc, lối văn ấy khước từ những sự hoa mỹ không cần thiết nhưng làm xao động tâm hồn người đọc bởi tính chân thật, tự nhiên cộng hưởng với sự luyến láy của lòng, như câu: Nhưng lau mùa đông cứ xao xác gọi vời tự cõi hư không, cứ thao thức một niềm nhung nhớ, cứ miên man trong lời ca Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…, không thể không đáp gọi! (Cỏ lau). Cũng bởi tác giả luôn quan niệm: mọi giá trị trên đời chỉ thực sự trở thành giá trị khi chạm tới sự dung dị, nhân văn (Chè Thái). Là yếu tố không gian nghệ thuật đặc sắc khi từ một không gian hữu hình cụ thể như ngôi nhà, quán nhỏ, nẻo đường, chốn tha hương… làm sống dậy một không gian vô hình trừu tượng khác, là kí ức tuổi thơ thơm ngát hương sen hương trà (Ngôi nhà của ngoại và hương sen tuổi thơ), là nỗi ưu tư về những cuộc đời miền biên viễn, những cuộc đời sống mà như tồn tại, tồn tại mà như hư vô bởi ngay cả ý thức về sự “rỗng” cũng không tồn tại với họ, cả trong ý nghĩ (Ngồi thế này thôi làm gì đâu), là không gian đem tới cho người ta cảm giác “như đang miên man ở cõi khác, yên tĩnh xa lạc với hoang vu…” (Quán cóc). Bên cạnh không gian, thời gian nghệ thuật cũng được tác giả khai thác triệt để. Đó là dòng chảy vừa tuần hoàn vừa tuyến tính nhưng luôn được tháo dỡ các vách ngăn để hiện tại hòa vào quá khứ, miên man dằng dặc bao nỗi vui buồn. Dù là Ngày bình thường hay Lễ Vu Lan, Xuân tha hương hay Nắng Đông, Ngày khai trường hay chiều cuối năm… người đọc đều thấy cái khắc khoải, da diết, đau đáu những luyến tiếc, nhớ nhung, buồn thương, day dứt, cả những vỡ lẽ về tình yêu, tình thương, trách nhiệm hay nhận thức muộn màng, rằng: chỉ cần bản thân mỗi con người phấn đấu sống đủ, không phải đầy đủ vật chất hay tiện nghi… mà là đủ hữu ích, đủ năng động, đủ lãng mạn, đủ ý nghĩa… là cuộc sống bình thường sẽ không bao giờ đơn điệu hay tẻ nhạt (Ngày bình thường).

Trong đời sống văn chương, có người viết nào lại không mong được “tỏ bày” và được “thấu hiểu”? Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ấy đôi khi không trọn vẹn, bởi sự thiếu hụt một trong hai yếu tố. Với Đồng vọng, tôi tin, tác giả không chỉ đang thấu hiểu, bắc nhịp cầu tri âm với những nhà văn, nhà thơ tài năng qua các bài tiểu luận phê bình, mà qua những tản mạn suy tư mang phong cách tài hoa, nặng tình đời tình người, cô cũng đang đón nhận niềm hạnh phúc được sẻ chia và thấu hiểu từ người đọc.  

  Xin được mượn lời tác giả để khép lại bài viết: “đọc văn bản là một hành trình đồng sáng tạo, mỗi người đọc là một chủ thể sáng tạo để có thể tìm ra hoặc những tri âm, kí thác, hoặc những thông điệp của tác giả, hoặc bổ sung nét nghĩa mới tuỳ thuộc vào trải nghiệm riêng của mỗi người”. Dù không tự tin mình đã làm được tất cả những điều đó nhưng tôi lại rất tin, rằng việc đọc luôn mang lại niềm vui ý nghĩa, bởi việc mở mang nhận thức có bao giờ là thừa, là đủ, đối với mỗi chúng ta!

Cũng như, đọc một cuốn sách hay tựa như được gặp tri âm; đọc một cuốn sách hay và hữu ích cho nhận thức và nghề nghiệp, chính là được gặp một người thầy. Tôi may mắn khi luôn được gặp những người thầy cả ngoài đời và trong sách như thế (Những tiếp nhận cho nghề từ cuốn sách)! Càng may mắn hơn với tôi, khi được làm một học trò của cô Trịnh Thu Tuyết, cả trong sách lẫn ngoài đời!

Hà Hoài Phương