K hi cầm trên tay Đồng vọng thì trái tim tôi đã đồng vọng tự bao giờ. Và tôi luôn thầm nhủ: chị là một người bạn lớn.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành với 361 trang. Tôi gọi đó là 361 trang cuộc đời.
Nhìn vào gia tài của chị, với những đầu sách mà chị đã in, người ta biết ngay chị là một người giàu có. Tại sao tôi gọi Đồng vọng là những trang sách cuộc đời? Phải bắt đầu như thế này…
Dù đã là bạn bè từ lâu trên mạng xã hội, là “đồng nghiệp” trong Group Tản Văn Hay… nhưng mãi đến dịp Tết Nguyên Đán vừa qua tôi mới được vinh hạnh gặp chị ở ngoài đời. Nhà giáo – tiến sỹ văn chương Trịnh Thu Tuyết (không hiểu sao tôi vẫn thích từ văn chương hơn là văn học).
Thú thật tôi không mấy khi quan tâm đến tuổi tác, thậm chí nếu bất ngờ có ai hỏi tôi bao nhiêu tuổi thì tôi phải làm phép tính nhẩm để trả lời, hoặc giả nếu trong trường hợp phải trả lời nhanh thì tôi sẽ khai báo năm sinh với người hỏi để cho họ tự tính tuổi của mình.
Trịnh Thu Tuyết chắc hẳn đã chẳng còn trẻ nữa vì trong trang lý lịch có ghi: giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An Hà Nội (đã nghỉ hưu). Nhưng với đôi mắt sáng, với những hành động cử chỉ rất mau lẹ trước mặt, tôi đã biết và khẳng định thêm rằng chị có một khối óc vô cùng thông minh, một tâm hồn thanh xuân – thứ thanh xuân của những nụ cười.
Cũng thật tình cờ, cả hai chúng tôi cùng hẹn gặp nhau ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Mặc dù đã từng sống và học tập tại Hà Nội ngót 10 năm nhưng khi gặp chị tôi trở thành khách đúng nghĩa. Hình như những người đã trót dấn thân vào nghiệp văn chương nghệ thuật đều đối đãi với bạn bè bằng những ân cần như vậy. Cảm giác với tôi lúc đó thật ấm áp…
Vậy những trang sách cuộc đời bắt đầu từ đâu? Nó – thứ văn chương ấm áp, dung dị nhưng luôn đa nghĩa đa tầng ấy cũng bắt đầu từ một thơ ấu văn chương. Đọc phần lời tựa do chính chị viết tôi xúc động lắm. Xúc động bởi ở đó là cả một khối chân thành và có lẽ cũng bởi tôi đã từng trải qua một tuổi ấu thơ êm đềm với những con chữ như chị.
Vì là những trang sách cuộc đời nên Đồng vọng không phải là một cuốn tiểu luận, không phải là một cuốn phê bình hay tạp văn, càng không phải là một cuốn sách dành riêng cho nhà trường. Đồng vọng bản thân nó đã hàm chứa tiêu đề của thể loại. Những đồng vọng tri thức, những đồng vọng tâm hồn, đồng vọng để khát vọng…
Mặc dù bản thân là dân học chuyên văn chính tông nhưng tôi khá bất ngờ với cách đưa ra vấn đề và tiếp cận vấn đề trong các bài viết của chị. Một lối viết minh triết, vừa hàm chứa đầy đủ thứ tư duy logic của người nghiên cứu, vừa có sự trải đời thấm tháp bể dâu, vừa đầy đủ những lập luận sắc bén và cũng vừa đầy đủ sự phiêu lưu trong từng con chữ phiêu lưu. Bản chất của văn chương kỳ thực cũng là một sự phiêu lưu.Sự phiêu lưu hay nói đúng hơn là hành trình đi tìm cái đẹp. Nếu trên hành trình đi tìm cái đẹp, bạn phải trả giá bằng sự phiêu lưu, thậm chí là mạo hiểm thì sự phiêu lưu ấy, sự mạo hiểm ấy là cái giá chẳng hề đắt.
Tôi không quá ngạc nhiên khi Đồng vọng lại đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến sự kiện, đến con người, đến văn học nghệ thuật đương đại đến như vậy. Nhưng đọc mỗi trang Trịnh Thu Tuyết viết tôi thấy mình nhỏ bé. May thay sự nhỏ bé lại làm tôi lớn lên.
Ấy là bởi tôi đã tiếp cận được khối tri thức khổng lồ từ chị. Và chỉ đọc sách chúng ta mới có cơ hội cưỡi lên trên lưng của những người khổng lồ. (Tôi không tán thành cách đặt tiêu đề cho những bài viết của một số người làm phê bình, đại loại như: Bài thơ hay đáng đọc… Cuốn sách hay đáng đọc… Vì với tôi chưa có gì gọi là: Không đáng đọc).
Đồng vọng có 3 phần. Phần đầu là “…những vần thơ và những tiếng lòng…”. Phần kế tiếp là “…bức tranh của đời, chân dung của người…”. Và phần cuối là “…những tản mạn suy tư…” Tôi đọc rất kỹ 2 phần đầu, còn phần cuối gần như tôi chỉ đọc những bài mà chị chưa đăng tải trong Group Tản Văn Hay.
Lại nhớ một lần tôi tá hỏa nhắn tin cho chị: Chị ơi, sao tiêu đề bài viết chị vừa đăng trong Group Tản Văn Hay chị lại không viết hoa? Chị trả lời: Ấy là chị muốn ám chỉ cho sự diễn tiến của các vấn đề em ạ! Và khi đọc cuốn sách này, nhìn vào các tiêu đề của các phần tôi lại càng hiểu hơn về Trịnh Thu Tuyết. Các bạn đang đọc một cuốn sách của một người đàn bà Á Đông với tư duy đậm chất triết học phương Đông. Tôi cho rằng tư duy có sự ảnh hưởng từ triết học phương Đông là lối tư duy vô cùng hiện đại, hiện đại cho đến khi loài người không còn biết đến triết học là gì nữa…
Đọc lại Thương những mùa Đông cũ và Cô đơn đá ngẫm nghĩ. Tôi nhớ hôm ấy mình có dựng podcast Thương những mùa Đông cũ trên Tạp chí Sông Lam điện tử với bản thu của Hồ Nữ Thị. Nhưng điều kiện để tôi có thể tự tin và đầy đủ tâm thế khi làm podcast này việc đầu tiên tôi cần là phải hiểu thêm về Trịnh Thu Tuyết, cho dù viết một vài lời bình, chọn một vài đoạn nhạc thì không nhất thiết khiến bạn phải mất nhiều thời gian như thế.
Tôi không lên mạng để tìm kiếm thông tin về chị như cách mà đa số mọi người vẫn làm. Tôi vào vai một cậu học sinh trung học và đăng ký một tài khoản tại trang Học mãi để có thể đối diện với những bài giảng sinh động của chị. Nghe Trịnh Thu Tuyết nói về Xuân Quỳnh, giảng về thơ Xuân Quỳnh khiến buổi chiều của tôi như vừa bước ra từ thi ca. Tôi cũng rất hài lòng với quyết định đăng ký thành viên của Học mãi và mất nửa ngày ngồi nghe chị giảng. Bấy nhiêu đó đủ để tôi dựng một podcast rất thành công.
Những gương mặt thi ca hiện hữu trong những lát cắt hiện hữu. Những đồng vọng thi ca hiện ra trong những đồng vọng thi ca. Từ những thi nhân lớn đến những người thơ đương đại, Từ Văn Cao đến Văn Công Hùng… từ Xuân Quỳnh đến Nguyễn Văn Song… những gương mặt thơ chan chứa thơ qua những dòng văn đầy trách nhiệm và tâm hồn của Trịnh Thu Tuyết.
Và có thể nói tôi khá bất ngờ ở phần “…bức tranh của đời, chân dung của người…”. Dường như Trịnh Thu Tuyết đang cố thoát ra khỏi văn chương để để đưa các sự kiện, các nhân vật của mình lên trang sách bằng chính sắc màu vốn có của cuộc sống. Văn chương là sự khúc xạ hình ảnh cuộc sống lên trang sách, nhưng giá trị cuối cùng của văn chương vẫn là cuộc sống, bởi vậy khi văn chương thoát được khỏi văn chương tức là những trang sách của bạn đã trở thành những trang sách của cuộc đời…
Tôi sẽ không nói quá nhiều về cuốn sách, thậm chí chi tiết về cuốn sách như cách mọi người thường làm. Đương nhiên là các bạn phải đọc nó chứ, phải khám phá nó chứ… Bởi tôi là tôi và sự đồng vọng giữa các cái tôi luôn là vấn đề khó. Nhưng có lẽ Trịnh Thu Tuyết đã làm được điều đó. Tôi gọi đó là những đồng vọng lương tri. Nếu không có lương tri bạn sẽ không bao giờ viết nổi một trang sách chứ đừng nói gì đến một cuốn sách…
Hôm nhận được sách chị tặng hai vợ chồng tôi, tôi có nhắn tin cảm ơn chị bằng một câu vỏn vẹn: Em sẽ đọc nó từ từ… Và hình như chị tâm đắc với sự “từ từ” của tôi lắm.
Quả đúng như vậy, trong chuyến đi công tác dài ngày chừng một tháng trên biển, cuốn sách mà tôi mang theo, cuốn sách mà tôi đọc chậm từng trang mỗi giờ hết ca làm việc chính là Đồng vọng.
Khi đọc những trang cuối cùng của Đồng vọng là lúc tôi đang ngồi trên biển nước mênh mông, nhìn đồng hồ đã 4h30 phút sáng, nhìn qua ô của kính ngoài kia mưa chan chứa mưa. Nhưng những ánh lửa từ cây đuốc của những giàn khoan trên mỏ vẫn đang rừng rực sáng. Tôi chợt liên tưởng đến những ánh lửa của đồng vọng, tôi chợt liên tưởng đến những vẻ đẹp từ đồng vọng… Và yêu thương ư… Đồng vọng hay còn là hành trình cho những vẻ đẹp cuộc đời nương náu?
Hồ Huy
Mỏ Ruby – Việt Nam ngày 21.5.2024