Hồ Huy khá giống người cha nhạc sỹ của mình về vẻ hình phong trần và tính cách hào hoa, lãng mạn. Dù vậy, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đọc tập bản thảo tản văn “Tháng Mười bẻ nắng sau lưng chiều” của Huy. Được biết Huy tuổi trẻ mà cuộc sống sớm bươn chải thăng trầm.
Học về ngành quốc tế, rồi chẳng bao lâu Huy lại rẽ sang nghề hàng hải. Xem ra, công việc của người thủy thủ luôn được ngao du Nam, Bắc, Á, Âu thích hợp với tính cách Huy hơn. Dấu tình mê miết nơi từng trang văn thấm tháp vào cảnh sắc địa danh, bao nguồn cơn mưa nắng những miền quê mà Huy đi đến đã chứng cho điều đó. Mới hay việc lưu động phơi nắng đạp gió mới là chốn an thân, và chính ở chốn này đã nở hoa kết trái nên văn Huy.
Giở từng trang sách người đọc được cùng Huy trải nỗi niềm khói sương nóng lạnh, sớm trưa chiều tối, xuân thu đông hè, khi trà lúc rượu, khi đàn ca đông vui bạn bầu, lúc côi cút độc hành… đủ cả.
Huy trải lòng mình rộng dài, thấm tình mình sâu lắng với các cung bậc đời sống. Những thắng cảnh, di tích văn hóa hầu khắp các tỉnh thành có dấu chân Huy. Tìm đến để hòa mình, để nếm trải. Qua đó, thật hân hoan, khi biết đây mới là tập sách đầu tay mà người yêu tản văn đã thấy tác giả có chủ ý tìm giọng cho văn.
Văn Huy khi phóng túng, tung tảy, lúc chắt chiu gạn lọc, giầu dư vị phong hóa: “Có những buổi hoàng hôn quê vàng rơm rạ. Xứ lúa. Thái Bình. Mái tranh rầu rầu. Khói bếp chao nghiêng bóng mẹ…”; và đây, điểm một câu dẫn tưởng giản dị mà khó gặp: “Huế, mượn câu Nam Ai Nam Bằng dẫn dắt hương sen ngan ngát…” (Cái bóng của hoàng hôn); rồi đây nữa dòng văn thao thức ngàn xưa chảy từ cổ tự Kinh Bắc tới Hà Nội bây giờ: “Có vẻ như những đan cài phân lưu khá đặc biệt của dòng sông đã khiến Đuống là một cái tên có phần quê mùa thô kệch nhưng lại đẹp đến mê màng và trở thành dòng chảy linh ứng với bộn bề giai tầng văn hóa…; Lặng lờ quyến luyến Đông Anh, dòng Đuống loanh quanh giã bạn Long Biên rồi nó mềm môi cười hiền như một cô gái ngoan che tay ngoảnh mặt nhìn Gia Lâm thêm một lần nữa để dốc lòng phụng sự quê chồng…” (Dòng Đuống);
Xin dẫn dụ thêm một nét tình thầy trò: “Lạ lắm thay những thứ nhẹ nhàng mênh mang chẳng thể gọi tên người ta cũng cho rằng đó là thứ buồn cố hữu. Đẹp hình hài, đẹp cội rễ, đẹp tạc khắc vào thời gian, ra đi và không bao giờ trở lại…” (Gửi người bụi phấn hương tay). Đó là những dòng cảm xúc về cảnh về tình thật nhiều da diết. Đượm một vẻ buồn, một cái đẹp!.
Có những tản văn, đoạn văn lận sâu hơn vào trầm tích văn hóa, phong hóa bản địa: “…Đêm đêm, ngọn gió từ Chư Yang Sin trở về luồn vào bếp lửa giữ ấm nhà sàn siết chặt tay những người đồng tộc. Khi cần rượu như thác chồng Đray Sap nức nở đổ tìm thác vợ Đray Nu, trên chiếc chóe cổ ủ bao đời men lúa mẹ nồng nàn vít xuống là lúc tiếng chiêng ngân lên những cung bậc khắc khoải sinh sôi…” (Nụ cười Tây Nguyên). “Ấy là người đàn bà Chăm của Ninh Thuận, người đàn bà mẫu hệ, người đàn bà tôi gọi từ đất, tôi gọi từ cát, tôi gọi từ những đam mê tổ nghề Po Klong Garai mà hình thành nên một nền văn hóa gốm – làng gốm Bàu Trúc danh bất hư truyền…” (Người đàn bà của đất). Ấy là góc nhìn, cách thể hiện của riêng Hồ Huy về văn hóa Chăm, văn hóa Tây Nguyên – xứ sở của những thiên niên kỷ được ký âm trong ngàn bản trường ca bất tận.
Người sáng tác văn chương hi vọng đi xa, định danh tác phẩm tác giả vào lòng bạn đọc, thường ngay thuở ban đầu tác giả đó đã bộc lộ ý thức tìm giọng cho văn mình. Làm sáng tác văn chương nghệ thuật mà không tìm được giọng, tạo lập nên phong cách thì công việc sáng tác cũng tựa như người đánh số cầu may cho từng tác phẩm, và tất nhiên, tác giả đó khó có thể tạo ra sự độc đáo, xuất sắc. Để tìm cho riêng mình một cái giọng, như chim có giọng chim, đàn có giọng đàn thì đòi hỏi tác giả phải có năng khiếu và năng lực tư duy đủ mạnh, phải có lòng đam mê không ngừng cho công việc sáng tác.
Mong sao Hồ Huy giữ mãi được niềm đam mê du ngoạn đó đây để khám phá và trau dồi thêm nghệ thuật viết tản văn, để sau đây sẽ là những sáng tác qua loại hình văn học khác. Huy sẽ đi được trên đường dài. Con đường đang dần lộ ra trong từng trang “Tháng Mười bẻ nắng…”
Đỗ Trọng Khơi