Một vài mùa thu đã thu qua, từng nhiều mùa đông đã đông xa, năm năm tháng tháng xếp hàng trong những trong những dấu chân chim của chuyến đi đời người sương khói. Và đời một người cha, đời một người thầy có phải là đời của ngày nay, ngày mai trong đôi mắt tôi?
Cứ mỗi khi loài hoa sao nháy hiền hòa sắc màu bên những khuôn viên, dọc những hành lang giảng đường, trong những tinh mơ bụi phấn thì ngày của cha tôi, ngày của những người thầy cận kề rồi đấy. Ngày nhà giáo Việt Nam.
Nói như vậy là bởi trong trí nhớ của tôi nụ cười của cha luôn rạng rỡ trong những màu hoa quen, những màu hoa còn tươi nguyên ngay cả khi thời gian đã nhá nhem cơn chiều. Nhiều lúc tôi vẩn vơ mơ tưởng, ở một nơi nào đó, ở một ban mai nào đó, ở một giảng đường nào đó, ở một khuông nhạc nào đó, ở một dấu lặng nào đó và ở một hành lang nào đó những cánh hoa sao vẫn đang lặng lẽ xinh tươi trong tiếng cười của cha. Hình như làm một người đàn ông khó khăn nhất vẫn là nụ cười, nụ cười chỏng chơ, nụ cười thương hại, nụ cười khờ dại, nụ cười ban ơn, nụ cười hồ nghi, nụ cười dạn dĩ, và cha tôi có một nụ cười hiền. Sao trang giáo án của cha không nói về nụ cười.
Tôi theo cha đi học trên tỉnh từ nhỏ, cứ thứ Bảy hai cha con lại lặn lội về với mẹ tôi ở một thị trấn ven biển. Làm cha, rồi làm mẹ, nhiều đêm tôi biết cha lặng lẽ ở ngoài hành lang phòng mình, nhiều cơn mưa cha cũng làm thân cò đi đón con học ở trường xa. Sao trong những bài hát cha viết không nói về sự lặng im? Hình như một khó khăn lớn với mỗi một người đàn ông cũng là sự lặng im, lặng im dối trá, lặng im vinh quang, lặng im đồng lõa, lặng im tù đày, lặng im ngờ vực, lặng im để thở, còn cha tôi lặng im để yêu thương.
Và cũng bởi vậy chăng mà những buổi chiều cuộc đời tôi luôn luôn có sắc màu im lặng? Những không gian và thời gian luôn ám ảnh tôi bằng thứ mùi dầu hỏa từ cái bếp mà cha tôi thường nấu ăn trong những hình dung cũ kỹ. Nhiều khi đi ngang qua một con ngõ, hay chạy xe dưới tầm của một động cơ máy dầu, tôi lại như bước vào “lỗ đen” của mình. Sao cha chưa bao giờ nói cho con nghe về những cái “lỗ đen” ấy?
Cũng là dường như, một khó khăn cũng vô cùng để nắm giữ cho bất kể một người đàn ông nào, đó là việc tạo ra cho chính mình và những người thân yêu những cái “lỗ đen” vượt ra ngoài sự chi phối của không gian và thời gian. Ai cũng muốn bất tử để yêu thương. Sao cha chưa bao giờ nói về sự bất từ? Hay sự bất tử cũng chỉ đơn giản như loài hoa sao nháy kia, tôi mơ ban mai bao năm tháng qua chưa hề phôi pha? Hay sự bất tử cũng chỉ đơn giản như một thứ mùi chất đốt khét lèn lẹt mỗi bữa cơm chiều, cơm trưa, cơm sáng, cơm một đời nuôi ai vươn vai lớn khôn?
Tôi không phải là nhà giáo nhưng tôi hiểu lắm cảm xúc của những người thầy trong ngày 20 -11. Mỗi năm đến ngày này cha tôi khác hẳn, niềm vui sự hứng khởi cứ bày biện ra cả nét mặt, giọng nói, nụ cười.
Khi học trung học tôi đã hiểu và thương ông lắm! Ông vốn là người phóng khoáng, hào sảng, nghệ sỹ nhưng luôn phải tự cầm cương mà chừng mực trong giới hạn của một người thầy. Lại là dường như, khó khắn lớn nhất của một người đàn ông là sự tự giới hạn chính mình. Cha cũng chưa bao giờ nói với con về điều đó…
Giờ đã nghỉ hưu nhiều năm, những ngày lễ tết học trò đến thăm, ngồi uống rượu mà có những anh khóc dễ dàng như trẻ con, nước mắt lòng tong khi nhắc lại chuyện ngày sinh viên rượu chè, quán xá bê bết, thầy phải đi trả nợ cho trò. Có dễ lắm không khi một người thầy đi nhận và trả nợ cho trò. Hình như cũng chưa ai nói cho con nghe về điều đó?
Cha tôi là một người thầy giản dị, giản dị từ nụ cười, lời nói đến cả ca từ và giai điệu trong các tác phẩm của ông. Và đặc biệt cha đề cao những giá trị tinh thần cho dù vô cùng bé nhỏ.
Ví như sắp đến ngày 8-3 là kiểu gì ông cũng gọi điện nhắc nhở tôi gọi về chúc mừng mẹ, các cô các dì…Hay mỗi khi ai có vui này buồn kia cha lại hối tôi gửi lời chia sẻ.
Hôm kia, hôm qua bận hết chuyện nhà rồi chuyện công chuyện tư, đến mãi tối muộn ngày nhà giáo tôi mới gọi về nói với ông được mấy lời. Tôi biết cha tôi cả ngày chờ điện thoại của con. Tự thấy mình trở nên nhỏ nhoi vị kỷ. Và tôi biết làm một người đàn ông vị kỷ thật quá đỗi dễ dàng. Tôi lại nhớ mấy câu cha thường bảo tôi mỗi lần tôi hư hỏng: Sống cho bản thân thì quá dễ. Sống cho người khác mới khó.
Vậy mà tôi đã từng nghĩ và có thể nhiều người khác cũng nghĩ như tôi: mấy cuộc điện thoại hỏi thăm nhau như thế loàng xoàng quá, chỉ là tiểu tiết nên đôi lúc quên mất cũng không phải điều nghiêm trọng. Vậy nên những giá trị tinh thần mà được thực hiện kém nhiệt huyết thì sẽ chẳng bao giờ có bài học từ người Thầy…
Một năm nữa đã lại qua, thêm một năm khói sương luênh loang trên mái đầu tóc quên thôi bạc. Thời gian của người già, viển vông của người trẻ. Giờ tôi đã bớt hư, đã biết hạnh phúc khi hàng ngày nhiệt thành mang đến cho người khác niềm vui dù là bé nhỏ.
Mấy hôm trước cha tôi gọi điện thoại, nói chuyện một hồi xong ông hỏi: tình hình kinh tế thế nào, có khó khăn không?
Tôi bảo: nhà chẳng có gì, giờ toàn sách là sách (thì cũng đúng dịp sách in xong đóng kiện để khắp nhà). Ông phá lên cười sảng khoái: tốt con ạ, tri thức mới là tài sản. Tôi chợt nhận ra một điều, sẽ không ai nói về nụ cười cả, chỉ nụ cười mới có thể nói về chính nó.
Và vẫn biết nghe câu đó cũng chẳng mới mẻ gì, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh, đủ sự thấm trải bể dâu mà thốt ra được. Phải chăng hạnh phúc của sự im lặng là khi được thốt ra những lời bình thường?
Hàng ngày cha vẫn đọc tản văn của tôi viết. Hàng ngày đám hoa sao nháy vẫn nở trong những khuôn viên giảng đường. Hàng ngày bụi phấn vẫn rơi rơi như chưa từng có nụ cười, như chưa từng có hơi thở, như chưa từng có sự im lặng, như chưa từng có thời gian, không gian, như chưa từng có bữa cơm chiều khét mùi dầu hỏa, như chưa từng có, từng có…
Chỉ có có tôi ngồi đây, nhìn thấy bàn tay của chính mình, nhìn thấy bàn chân của chính mình, nghe hơi thở của chính mình tái sinh từ những điều thầm lặng…
Hồ Huy