Làng tôi nằm kẹp giữa hai con sông, một đầu gối vào cánh đồng Thượng, rồi kéo dài xuống tận cánh đồng Thanh Quan cách đó chừng dăm cây số. Con sông ngoài làng – một nhánh của sông Hồng ngăn làng tôi với huyện bên, con sông trong làng, người ta gọi tên theo cánh đồng nó chảy qua là sông Thanh Quan, ngăn làng tôi với các làng khác cùng xã. Ngày tôi bắt đầu đi học cấp ba trên trung tâm huyện, lũ bạn xã khác thường khen đểu làng mày chả có đặc sản gì ngoài khoai ngứa nấu cám nuôi lợn và chuối. Nhà tôi cũng có một thổ chuối sau nhà rộng chừng nửa sào. Trước nhà là một khoảng vườn trải rộng trồng dăm ba cây hòe, vài gốc táo và một vườn rau. Sau đó mới đến ao cá, xung quanh bờ ao xanh mướt khoai ngứa, nhà tôi trồng để nấu cám nuôi lợn.

     Vườn rau bố tôi trồng quanh năm, có nhiều loại như mồng tơi, rau đay, cải thìa, cải cúc… và năm nào cũng có vài luống bí ngô bò dài loằng ngoằng vươn ngọn, xòe lá xanh rì ra cả bờ rào ngoài ngõ. Ngày tôi còn nhỏ, bố mẹ thường cắt ngọn bí về bắt tôi ngồi tước thân, cuống lá bí và vò lá cho rụng lông để đem xào tỏi. Tôi ghét đám lông bí già, rặm rặm, mỗi lần đâm vào tay là thấy rùng cả mình nhưng lại rất khoái món rau bí xào tỏi với tóp mỡ. Thi thoảng bố tôi làm đôi chén rượu với đồ nhắm đơn giản chỉ là đĩa rau bí xào tỏi ăn kèm với vài nhúm lá húng chũi hái ngoài vườn về, vừa ăn ông vừa khen ngon, bùi khin khít.

     Tôi hay lén lút khoắng đũa mò tóp mỡ mỗi khi mẹ vừa đặt đĩa rau bí xào còn nghi ngút khói xuống mâm. Khi vườn bí ngô đậu quả bố tôi thường đợi cho đến lúc dây bí già héo mới cắt quả mang vào nhà. Lúc này vỏ bí đã già cứng như một lớp gỗ mỏng chuyển màu vàng gạch và phủ một lớp trắng bờn bợt như phấn bên ngoài. Mỗi lần thu hoạch quả tôi cũng ì ạch giúp bố bê từng trái bí ngô vừa cắt vào xếp cẩn thận xuống dưới gầm giường, để dành dùng dần trong những tháng tiếp theo.

     Làng tôi cách cửa biển Ba Lạt khoảng chục cây số. Những cơn bão biển như những vị khách không mời cứ đều đều ghé thăm mỗi năm. Những tấm gỗ bịt ô gió, những cuộn dây thép, dây thừng neo cửa được bố tôi lưu giữ cẩn thận để dùng đi dùng lại vào mỗi mùa bão về. Một cơn bão về thường thì kéo dài hai đến ba ngày mưa giông gió giật, trong đó có một đêm căng thẳng nhất mà căn nhà phải gồng mình chống đỡ là đêm tâm bão đi qua. Để đảm bảo an toàn người ta sẽ cắt điện toàn khu vực. Những lúc như thế bố tôi sẽ dùng bếp củi để nấu món cháo bí ngô. Những trái bí ngô chín già to bằng hơn nửa cái nồi cơm điện được bố dùng dao rựa bổ ra làm tư, lấy một phần đem nấu cháo với hai bò gạo nếp mỗi bữa. Màu bí ngô vàng đỏ rất đẹp, tôi hay giúp bố móc và tách hạt bí ngô ra để sau cơn bão sẽ đem phơi khô, trước khi ăn sẽ đem rang lên thơm phức, ngồi lai rai với vài chén trà mạn.

     Nồi cháo bí ngô nghi ngút khói trong đêm mưa bão lạnh làm anh em tôi rất háo hức. Chúng tôi hay tranh nhau vét phần cháo hơi khê dưới đáy xoong gang, phần cháo có hơi đặc lại so với phần còn lại và có vị thơm nồng ngòn ngọt. Sáng sớm hôm sau khi bão đã đi qua tôi thường chạy ra xung quanh làng để xem toàn cảnh thiệt hại và mót quả rụng, khi thì là quả ổi khi thì là vài quả nhãn. Cảnh tượng vườn chuối đổ rạp, lộ ra khoảng trời trắng xóa sau nhà, và khuôn mặt buồn rượi của bố tôi đứng nhìn vườn chuối là hình ảnh thường thấy sau mỗi cơn bão đi qua. Mặc dù trước chiều hôm bão về ông đã buộc một con dao phay vào chiếc sào tre bằng sợi dây co cao su làm từ săm xe để phát bớt lá chuối, giúp cây đỡ bị gió lay. Sau mỗi cơn bão hai ba quả bí ngô lại được đem ra dùng. Đôi khi không phải là mùa bão, có những hôm mưa to cả ngày, chợ thì xa không đi mua thức ăn được, bố tôi cũng hay đem một trái bí ngô ra làm nồi cháo ăn trong ngày mưa gió. Hương cháo bí thơm nồng quyện cùng mùi thơm của gạo nếp trong cái lành lạnh chiều mưa dần dần trở thành một phần không quên trong ký ức tuổi thơ tôi.

     Học xong lớp mười thì tôi xin bố mẹ cho chuyển trường cấp ba, tìm kiếm cơ hội vào một đội tuyển nào đó, để có thể tích lũy kiến thức, tăng khả năng thi đậu đại học sau này. Trường mới tôi chuyển đến nằm ở làng Hành Thiện cách nhà hơn mười lăm cây số nên tôi phải đi ở trọ, thi thoảng mới đạp xe về nhà thăm bố mẹ và xin thêm tiền và gạo. Ngày đi, ngoài cái hòm tôn, bên trong đựng toàn sách vở, bên trên, mẹ buộc thêm một bao gạo nhỏ đựng bằng túi cám con cò và một trái bí ngô lấy dưới gầm giường ra cho tôi mang đi. Cuộc sống xa nhà của tôi những tháng năm sau đó được bố mẹ chăm lo nhiều hơn, bố mẹ muốn tôi tập trung học hành, tiền ăn uống học phí không để tôi thiếu thốn dù đôi khi phải đi vay thêm họ hàng xóm giềng. Món bí ngô tôi nấu cũng sang chảnh hơn, khi thì xào tỏi, xào thịt, khi thì hầm xương với đủ các loại gia vị.

     Hai năm sau tôi đậu đại học, lên Hà Nội bắt đầu với cuộc sống nơi đô thị ồn ào. Năm thứ nhất đại học tôi thường xuyên bắt xe về thăm nhà. Mùa bão, tôi xin nghỉ học về quê giúp bố mẹ chống bão. Cùng thanh niên trong làng ra gia cố đoạn đê bị yếu đến tận chiều muộn trước đêm bão về. Dần dà việc học ngày càng bận bịu hơn, tôi còn lao đi làm thêm để bớt phải xin tiền bố mẹ, thời gian về quê của tôi ít dần. Mùa bão, mỗi khi đài báo có cơn bão về tôi cũng chỉ biết gọi điện hỏi han bố mẹ, nhắc bố mẹ giữ gìn sức khỏe, chống đỡ nhà cửa cẩn thận. Kinh tế có khá hơn xưa, bố mẹ tôi đã cho thay những cánh cửa yếu, nên mỗi khi bão về cũng phần nào yên tâm. Những ấn tượng về sự khốc liệt của đêm bão phai nhạt dần trong tôi cùng với hương thơm nồng nàn của món cháo bí ngô tuổi thơ ngày nào.

     Tôi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá, xin vào được một công ty nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn. Tôi về chào bố mẹ lên đường Nam tiến quyết tâm lập nghiệp. Thế rồi dịch bệnh Covid bùng phát, sản xuất ngưng trệ, công ty không trụ được phải đóng cửa. Thành phố phong tỏa, tôi tiêu hết sạch khoản tiết kiệm trong vài tháng vào tiền nhà trọ và tiền ăn. Những ngày qua sống nhờ vào mì gói và đồ ăn cứu trợ của các mạnh thường quân. Chiều nay có người hàng xóm tốt bụng để trước cửa nhà một rổ nhỏ, bên trong đựng ba gói mì tôm, dăm quả trứng gà và một góc trái bí ngô vàng sậm còn chưa nạo hạt.

     Tôi run run nhận lấy rổ thực phẩm trong cái đói cồn cào, nhìn miếng bí ngô sống mũi cay cay rồi bất giác tôi bật khóc. Ngoài kia, trời chiều Sài Gòn từng đám mây đen vần vũ kéo về, tiếng sấm đì đùng cuối chân trời cùng những cơn gió lạnh phả vào mặt báo hiệu một cơn mưa tầm tã đang tới gần. Mắt tôi nhòe đi, những ký ức về mùa bão năm xưa cùng hương thơm nồi cháo bí ngô bố nấu ngày nào nơi quê nhà ùa về, len lỏi trong từng giác quan của tôi. Cái hương vị ngọt ngào tuổi thơ mà tôi đã vô tình đánh rơi mất từ bao giờ. Tôi tự dặn lòng sẽ quay về thương lại từng khóm chuối, vườn rau. Thương lại hương cháo bí ngô trong những đêm mưa dầm bão gió, quay về với bố mẹ, quê hương đã nuôi nấng tôi tự thơ bé ngày nào.

Ngọc Châu