Tiết trời đã vào xuân, nắng mới thắp lên, xanh bừng nhành lộc biếc. Vài cơn mưa phùn về đêm lất phất, mưa chẳng đủ dày để thấm ướt áo ai, mưa chỉ bay bay như màn sương nhòa mây phủ. Mùa xuân của đất trời và mùa xuân của đời người đã đi qua những ngày xanh cùng thời gian chảy trôi xoay vần. Tôi tự hỏi lòng rằng mình vui hay buồn một niềm thương nhớ?
Tết đến tôi trở về quê ngoại, ngôi nhà tôi xưa cũ, vẫn hanh hao một nỗi niềm riêng. Chiếc cổng sắt màu xanh đã hoen gỉ nhuốm màu cùng năm tháng. Ngày ấy, mẹ phải chắt chiu biết bao lần bán lứa lợn để Tết đến, chú Hưởng thợ hàn xì vào đo cổng sắt thay thế cổng tre. Nhà tôi nghèo, chẳng có gì ngoài chiếc cổng tre ọp ẹp, bụi cúc tần phất phơ cùng gió bấc, chẳng hiểu sao mùa đông mà lá cúc tần vẫn ngắt xanh. Có cổng mới rồi, ngày tôi mười tuổi, ngôi nhà ngói ba gian như được cài then chắn gió điệu đàng. Mùa xuân sang chúng tôi chơi trò nhảy dây, mấy bạn con trai còn nhìn qua khe cổng, mắt đứa nào cũng lấp lánh nụ cười trong veo.
Mẹ tôi biết sắp Tết nên sau vụ cắt lúa mùa từ hồi tháng Mười, mẹ đạp xe tranh thủ những ngày nông nhàn để sang các làng xã khác thu mua đồng nát. Có một hôm, mẹ mang về cho cả nhà một thứ đồ mẹ gọi là “món quà biết hát”, đó là chiếc ti vi đen trắng của người ta bán lại giá rẻ. Tôi vui vì người ta có ti vi mới, nhà tôi cũng vì thế mà có ti vi cũ để xem. Ăng ten bắc lên trên cây cột tre dựng ở đầu hè, xoay chếch về hướng Tây mặt trời lặn, ti vi rất nét. Bữa cơm hôm đó cả nhà tôi quây quần cùng nhau vừa ăn vừa xem chương trình ca nhạc những bài hát về mùa xuân. Lòng tôi ngân nga một cảm xúc lâng lâng, tự nhủ thầm: “Phải ăn thật nhanh để còn chạy sang khoe với cái Tình, nhà mình mới có ti vi!” Chỉ thế thôi mà rộn ràng, mà vui, chân chưa bước đi mà chân sáo nhảy tưng bừng trong lòng như mở hội. Và rất nhiều năm sau khi tôi lớn lên rồi vẫn nhớ khoảnh khắc ấy, niềm vui của trẻ con chỉ đơn giản như thế sao, vậy mà vui cho tới tận năm nào, khi những mùa xuân qua tuổi tôi đã lớn.
Những ngày giáp Tết, mẹ lên đồng tát thêm nước tưới cho cây mạ non khỏi rét. Tôi theo mẹ đứng bên góc ruộng, đùa với đám cải vàng cuối đông. Cải trổ ngồng, ra hoa, hoa cải vàng như nắng. Cải thật lạ, nhất định nở vào mùa đông, nhất định nhúm những sợi nắng thưa thớt trên đồng để vàng một màu thêm óng ả. Mẹ bảo ruộng đất ải đã phơi nắng mưa đủ tháng đủ ngày, đất tơi xốp, hi vọng vụ chiêm sang năm lúa tốt. Lúa chiêm hình thành từ cây mạ non mùa đông, mùa xuân gạn từng giọt mưa phùn hiếm hoi chút nước mà trổ đòng đòng, để đến mùa hè bung tỏa hạt bông lúa chín. Vậy hẳn là mùa đông mang hi vọng nối vào nhau bịn rịn, mùa đông ẩn tàng những niềm vui, để mùa xuân sau vươn mầm xanh mới. Mẹ cùng các bác nông dân mỉm cười, câu chuyện giòn giã trên đồng chẳng còn rét, tan trong ngọn gió bấc chiều cuối đông.
Đống đồng nát mẹ thu gom được, đối với tôi nó là cả một kho đồ chơi quý giá. Đối với mẹ tôi nó món tiền dành dụm, lo cho những ngày sắp đón xuân sang. Lũ trẻ quanh xóm chúng tôi tụ tập, băng bó cho con búp bê bằng nhựa gẫy chân. Nhà cái Huyền kề bên, mẹ tôi tặng em trai nó chiếc xe ba bánh bằng nhựa. Xe chẳng thể đạp bằng chân được nữa, bàn đạp văng đi đâu mất rồi. Nhưng không vì thế mà bọn trẻ chúng tôi mất vui, chúng tôi đẩy chiếc xe cho thằng Tú ngồi quanh sân cười tít. Tôi thích nhất những quyển sách cũ, tôi đọc được câu chuyện về loài dơi, chúng thông minh theo một cách riêng và có đôi tai rất thính. Cuộc hành trình của năm anh em nhà Aliolis, quyển sách rất nhỏ, cũ mèm, vậy mà tôi đọc ngay cả khi tối trời mất điện, bên ngọn đèn dầu ánh sáng lem nhem, như phiêu lưu cùng hành trình vào hang dơi kỳ bí.
Mẹ bán sắt vụn hỏng, có tiền rồi mẹ đạp xe lên buổi chợ phiên, mẹ mua về biết bao nhiêu lá dong và măng miến. Lá dong mẹ luộc trước, buộc vào cột khô ráo để chuẩn bị gói bánh chưng. Tôi thường đứng bên hít hà thật sâu mùi lá bánh, một mùi thơm đườm đượm, giống như hương mùa xuân sắp về. Khoảng sân nhà, nơi bầu trời mây xám se lành lạnh, chúng tôi mặc áo rét, tay đan vào nhau đọc những bài đồng dao. “ Năm, mười, mười lăm, hai mươi”- trò chơi trốn tìm, ú tim ẩn nấp. Mẹ ngâm thau gạo nếp, một rá đỗ xanh xay, hạt vàng ươm cả rổ, gạo trắng trong tròn đầy. Bánh vuông vức trong từng thớ lá, lạt mềm buộc chặt, mẹ bắc nồi lên bếp, chất nhiều củi cháy ngọn lửa bập bùng.
Hương vị Tết, đó là thứ mùi thơm âm ấm của bếp lửa, xám lạnh lạnh của chiều cuối đông, hồng phơn phớt chùm bóng bay lũ trẻ con xóm tôi tung lên trời rồi cười khúc khích. Và cả nỗi niềm khi nhìn lên bàn thờ có nén nhang trầm bay lên, bà ở đó một nụ cười hiền bên di ảnh. Mẹ lau cho khung kính thật sáng, như trò chuyện cùng bà ngày xưa.
Bao mùa xuân đi qua, tóc mẹ chẳng còn xanh, chân tay mẹ những đường gân chằng chịt. Tôi lớn lên, tôi đi qua cả những tủi hờn và thường trở về rưng rức nghe yêu thương mẹ thủ thỉ bên tôi. Mẹ bảo cuộc đời chảy trôi, chẳng ai đo nỗi buồn chờ mùa xuân ở mãi. Nhưng đã sống thì nên biết hi vọng vào tương lai, như ngày mai đến bên thềm gõ tia nắng vào phía cửa. Tôi hiểu những điều mẹ nói, tôi trân trọng những vần vũ gian khổ cuộc đời đi qua. Đầu năm là những ngày đặc biệt, tôi về ngồi cùng mẹ, ôn lại những câu chuyện mùa xuân.