Đọc bài viết thấy nhẹ như sương, bảng lảng xa xăm mà sao da diết cảm thương, thương phận người xưa, thương nỗi mình nay, thương cái thực mỏng manh ngắn ngủi, thương cái ảo dằng dặc miên man như ẩn ức giữa sương mờ.
Đọc bài viết thấy nhòa như sương, huyền hoặc, hư ảo mà sao vẫn mơ hồ nhói buốt, xót buốt vì nỗi bất lực khi “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” hay vì niềm bâng khuâng bởi “Nhân diện bất tri hà xứ khứ”, chỉ còn kẻ hậu sinh tiếc ngọc thương hoa giữa sương nước Dâm Đàm?
Nhiều khi ngắm một sắc hoàng hôn, một trùng điệp núi rừng hay mênh mang sóng nước; khi nghe một bản nhạc chạm vào nơi yếu đuối nhất của lòng; khi lạc bước trên nẻo đường hiu hắt sắc lau…, những lúc ấy, không biết sao cứ muốn khóc. Hóa ra người ta khóc không chỉ vì buồn khổ, người ta còn có thể khóc khi bắt gặp cái gì đó đẹp quá, hay quá, ngọt ngào quá, có phải đó là nỗi xúc động trước sự ân thưởng tuyệt vời của tạo hóa, hay là cảm giác lo âu tiếc nuối cho cái Đẹp đoản mệnh mong manh? Nên hình như tôi hiểu cảm giác của tác giả Đoàn Văn Mật, chàng trai trẻ khi ngồi bên cô bạn lãng mạn, trong khung cảnh lãng mạn, nghe lời nói cũng mềm nhẹ như sương của nàng về “cuộc đời là một màu sương”, vậy mà vẫn có thể để lòng mình rời hiện tại mà phiêu bạt, “như đã luân lạc từ kiếp nào”…
Tác giả viết rất “có nghề” khi dựng lại hình bóng người ngọc ngàn năm trước, huyền ảo, mơ hồ cả khi nàng hiện diện lẫn khi nàng rời bỏ cuộc đời, hình bóng người xưa dừng lại tuổi nhị thập tam niên ấy khiến sương nước Tây Hồ như mang màu cổ tích, đẹp hơn và buồn hơn bởi sự mơ nhòa trong cả không gian và thời gian. Tác giả dùng khá nhiều hình dung từ, những từ láy có sức gợi hình và biểu cảm đặc biệt, khả dĩ làm hiện lên cái đẹp khó hình dung, khó hiện hữu của yên ba sương nước hồ Tây. Tản mạn chảy trôi ngẫu hứng, dòng văn phiêu bồng nhẹ như sương khói đã kết nối cái đẹp xưa với cái đẹp nay, giữa người đẹp Vườn Thanh ngàn năm trước với cô gái có nụ cười “miên miết xa xôi […] muốn lúc nào mình cũng trẻ như cái mặt hồ này” của hôm nay – họ đều gắn bó với sương nước Dâm Đàm, người xưa vì nỗi niềm của phận hồng nhan bạc mệnh, người nay vì nỗi liên tài tiếc ngọc thương hoa, họ đều nương vào chút yên ba mà xưa buồn, nay mộng.
Nhưng có lẽ cũng vì chất huyền hoặc khói sương nên cấu trúc bài hơi phiêu diêu, thông điệp chưa thật đậm. Rất may có những điểm nhấn của chiêm nghiệm, triết lý neo giữ người đọc trong suy tư, dù những suy tư ấy thật buồn, thật chua xót – ví như xung quanh cuộc đời của người đẹp, kể cả cái chết của nàng cũng luôn được/ bị người đời “dệt gấm theo hoa” bằng những huyền thoại, giai thoại, có hay có dở…, và tác giả cho rằng âu đó cũng là cái kết của những kiếp hồng nhan!
Từ suy ngẫm này, biết đâu ai đó lại muốn tới với những nhòa nhạt ảo huyền của khói sương, vì biết đâu, giữa bảng lảng yên ba ấy, họ lại thành Từ Thức gặp cái đẹp hi hữu trong đời.
Đọc Sương nước Dâm Đàm, tôi bỗng nghĩ phải chăng một trong những tiêu chí của cái đẹp là sự mơ hồ sương khói, bởi cái đẹp thường khó nắm bắt; là sự ngắn ngủi, mong manh, vì “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”!
Nhưng người thực sự yêu hoa, họ sẽ yêu từ khi hoa hàm tiếu, khi bung nở ngát hương, và cả khi hoa tàn hoa rụng, có ai yêu hoa mà tìm tới hoa giả – thứ hoa không chết bởi chưa bao giờ sống!
Trịnh Thu Tuyết