Khi nắng xuân rót mật ngọt óng ả trải dài trên từng nụ hoa đang khoe sắc, nhìn dòng người xúng xính với bộ xiêm y lộng lẫy, tay trong tay dạo phố đương hối hả vào xuân. Cánh chim thiên di lưu lạc nơi đất khách lại khắc khoải vấn vương tổ ấm thân thương, nhớ miền cố hương với miền ký ức đậm sâu đang trào dâng trong lòng…
Tuổi thơ được nuôi dưỡng đong đầy với điệu lý, bài vè cùng tụi bạn đánh khăng, đánh đáo bên triền đê vùng quê lúa chiêm trũng. Nhưng tôi lại “phải lòng” với nắng gió phương Nam, để mỗi độ Tết đến xuân về lòng tôi đau đáu muốn ngả lòng mình vào rét ngọt dưới lất phất mưa bay giăng mắc dưới ngọn khói lam chiều.
Chuyến tàu cuộc đời đưa tôi đến những sân ga khác lạ để ủ ấm thanh xuân tươi đẹp. Những khung cảnh hữu tình, người bạn tương phùng qua ô cửa kính con tàu đã kéo tôi giữa những bon chen, tấp nập cuộc sống mưu sinh. Và khi những nụ đào phai đang cựa mình khoe sắc thắm, cơn gió bấc vội vã kéo về len lỏi từng lối nhỏ xóm quê như tiếng còi tàu đánh thức “sân ga đoàn viên” chuẩn bị cập bến đợi chờ.
Tôi nhớ quay quắt ngõ xóm lót gạch phủ rêu trơn trợt, nhớ bóng dáng cha mẹ đang ngóng chờ đàn con xa, nhớ cổng gỗ phai màu khi xuân đến, nhớ mái nhà, nhớ làn khói bồng bềnh bên chái bếp ấm áp tình quê. Những bài học vỡ lòng, những tình cảm nồng đượm, mẹ chỉ dạy bên chái bếp bồ hóng đơm kết hăng hắc tuổi thơ nơi miền quê nghèo.
Trong miền ký ức thẳm sâu, dạo từ đầu tháng Chạp, chái bếp nhà tôi đã đỏ lửa xôm tụ tiếng nói cười. Những bó củi cha kéo cưa trước đó, bên cạnh những đọn rơm rạ sót lại sau vụ mùa được dùng làm chất đốt. Tụi tôi háo hức với nét mặt hớn hở khi ngồi cạnh bà sên mứt Tết, những mẻ mứt dừa, mứt gừng được bà khéo léo đảo quanh trên chảo khiến chúng tôi phát cuồng, thỉnh thoảng láo liên lại bốc một hai miếng cho vào miệng để tận hưởng vị ngọt ngào, vị cay nồng trong giá rét se se, trong lòng khẽ reo lên vị Tết đang về.
Ngoài sân, cha và mấy chú thoăn thoắt lọc xương con lợn cỏ béo ú mẹ nuôi từ đầu vụ mùa để làm giò, chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ vẫn tỉ mẩn bên giếng vo gạo nếp cái hoa vàng để đồ xôi gấc. Tiếng nói cười rôm rả, con cháu quây quần trong không khí đoàn viên đón cái Tết với niềm hân hoan rạng ngời.
Tiếng củi kêu lách tách phả hơi ấm vào đôi má chị em tôi đỏ ửng bên mẹ chất nồi bánh chưng sôi sùng sục, nước bắn xèo xèo. Những củ khoai, những bắp ngô được tôi dúi vào tàn tro đỏ lửa. Nồi nước mùi già cũng được mẹ chuẩn bị để gia đình tẩy trần bụi bặm cuối năm, đón chào xuân mới. Hương thơm dịu ngọt bảng lảng níu kéo đến hết mấy ngày xuân.
Căn bếp đơn sơ, mộc mạc nhưng lưu giữ bao kỷ niệm thuở ấu thời. Từ những tiếng ê a, nét chữ đầu đời mẹ dạy tôi với bút viết là cây củi cháy dở và bảng đen là thành bếp vôi vữa đã ám màu. Đến những lần mẹ dạy nấu cơm, kho cá bằng xoong gang bếp củi để có bát cơm dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần; những món ăn, những bí quyết nấu nướng ngoại chỉ dạy trước khi mẹ theo cha về nhà chồng cũng được mẹ ân cần cầm tay hướng dẫn.
Quên sao được những trận đòn ngay bên chái bếp bằng que tre cời than mẹ đang nấu cơm dở, cũng bởi mải chơi theo lũ bạn ngoài triền đê để đàn bò ăn cỏ đi lạc, cha phải tất tả đi tìm. Rồi những giọt nước mắt mẹ vội giấu đi nơi chái bếp ngày chị gái tôi xuất giá theo chồng. Nước mắt thì chảy xuôi mà lòng mẹ thẫn thờ ngược lối. Những lời dạy “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” gói ghém đủ đầy để giữ lửa hạnh phúc gia đình, giữ cho căn bếp luôn đỏ lửa, ấm áp tình thân được mẹ căn dặn chị trong buổi chiều nắng hao gầy cuối xóm. Căn bếp tình thương chứng kiến bao buồn vui trong nếp nhà đơn sơ…
Trong tâm khảm mỗi trái tim thiên di luôn có miền cố hương để hoài niệm, bồi hồi. Mỗi khi cánh đào phai mỏng manh dưới giọt sương chùng chình trước ngõ, lòng tôi vấn vương nhớ chái bếp năm nào. Nghe vọng trong thinh không cha đang thủ thỉ với mẹ: “Xuân này, không biết tụi nó có về thăm?”
Khói lam chiều vờn quanh mái tóc hoa râm của cha, thấm những nếp thời gian phảng phất trên làn da của mẹ, ngập ngừng mong ngóng cánh chim thiên di về thăm chốn cũ. Giữa bộn bề lo toan, có khi nào ta một lần dừng lại để cảm nhận hương vị tình thân đong đầy trong ánh mắt, để đoàn tụ hạnh phúc, cảm nhận nụ cười của mẹ cha. Chái bếp bao mùa qua, liệu còn được bao nhiêu lần đoàn tụ, sum vầy, quây quần đông đủ tình thân như thuở nào…
Mỗi khi xuân về, dẫu chùn chân mỏi bước trên hành trình nào, ta luôn mong ngóng ngả lòng mình vào hồn cốt quê hương. Nếu phương Nam ngập tràn trong sắc nắng hoa mai thì cánh đào phai là linh hồn của mùa xuân xứ Bắc. Dù phải lòng với nắng gió phương Nam nhưng mỗi khi thấy bóng dáng hoa đào, tâm hồn tôi lại bồi hồi xao xuyến, khắc khoải mái ngói rêu phong tựa gió mát, tựa niềm hân hoan đoàn tụ hối thúc những bước chân đáp mùa xuân xuống “sân ga” quê nhà.
Mùa xuân này! Tôi đã về lại quê hương để khơi vị ấm nồng bên chái bếp, cảm nhận vị cay xè ngọn khói thân thương, chái bếp đã bên tôi trên bước trưởng thành. Và để thốt lên rằng: “Con đã về bên ngọn khói lam chiều đoàn viên!”
Tặng Vũ