Cuốn lịch trên vách gạch tường loang chỉ còn lại những tờ mỏng manh cuối cùng. Tháng Chạp cạn dần, mùa đông đang nghiêng rót những ngày cuối cùng. Mẹ tôi những ngày giáp tết thế này bận rộn lắm trong công việc chợ búa, nhà cửa.
Mẹ tôi đã làm bạn với đôi quang gánh chông chênh từ lúc còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, giờ mái tóc pha sương vẫn gánh hàng trên vai ra chợ. Cứ độ nắng chưa lên đến nữa đoạn sào là mẹ đã “sương” muối trắng ra chợ Hải Hòa(Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị) để bán, rồi khi trời gom nắng đổ về đông, mẹ tôi cứ thế mà gánh hàng về chợ hôm (chợ họp vào buổi chiều). Dáng người nhỏ, đôi vai gầy, trên vai là đôi quang gánh nặng trĩu với hai đầu thúng muối trắng cứ nhịp nhàng mà bước, đến lúc mỏi thì đổi đòn gánh sang vai một cách thoăn thoắt mà không cần phải dừng bước. Làm nghề buôn gánh bán bưng, nhưng tết năm nào mẹ vẫn sắm sửa chu toàn trên bàn thờ ra đến ngõ.
Những ngày cuối năm, góc bếp trong nhà luôn rực lửa từ tay mẹ nhóm. Cứ sáng 28 tết mẹ ra chợ bán muối, chiều muộn mẹ về hai đầu thúng nào là nếp, đậu xanh, lạc,… để chuẩn bị gói bánh chưng. Đêm muộn ngày 28, mẹ tranh thủ ngâm nếp, lau lá chuối, nấu đậu để sớm mai gói bánh. Thau nếp trắng ngần, hạt nếp mây mẩy đều nhau, đậu xanh vàng ươm thơm nức mũi, lá chuối được cha cắt từ buổi sớm mơi ngày hôm qua; tất cả được bày biện ở góc thềm để gói. Đêm 29, góc bếp đỏ lửa nấu bánh.
Ngày còn là đứa trẻ, anh em chúng tôi luôn đòi canh nồi bánh chưng cùng mẹ. Tiếng nói, tiếng cười của những đứa trẻ hồn hậu bên ánh lửa hồng pha với thanh âm lách tách từ củi cháy rực, tiếng mưa rả rích ngoài trời và gió bấc “bòn” những ngày cuối cùng thổi hun hút đến ngủ quên lúc nào không hay. Nghe tiếng gà gáy đầu, tôi vội vàng choàng dậy, thấy bóng mẹ chập chờn in trên vách phên tre sẫm màu. Như vậy là một năm nữa tôi lại ngủ quên, giờ nhìn lại vẫn không một cái tết nào tôi thức trọn vẹn để canh nồi bánh chưng cùng mẹ.
Bánh mẹ tôi gói vội, nhân bánh chỉ là một ít đậu xanh mà sao anh em chúng tôi ăn ngon đến lạ. Phải chăng vì cái đói, cái nghèo hay từ bàn tay mẹ gói và nấu.
Nhiều lần tôi đứng tần ngần ở góc sân để nhìn ngắm thật rõ chái bếp, ngẫm nghĩ mà thương cho làn khói bếp, thương cho lớp “mồ hóng” rồi thương cho mẹ. Chiều về, mẹ thổi cơm làm làn khói lam chiều cứ bay bãng lãng chẳng muốn rời, ngọn khói phả vào tàu lá chuối làm khói tản ra nhiều phương. Từ lúc nào mà những tàu lá chuối đã phủ nhẹ một lớp bụi mịn từ lửa rơm, có phải mẹ tôi cũng như tàu lá chuối, mỏng manh và mái tóc pha sương bởi ngọn khói lam chiều hoang hoải góc bếp ấy.
Những ngày đông giáp tết, hiếm hoi lắm mới có cái nắng hừng đông, nắng không gắt gỏng mà nhẹ nhàng. Vạt nắng hồng hào len qua ô cửa sổ. Sợi nắng mảnh mai như tơ hồng chiếu vào lớp “mồ hóng” giăng đầy trên vách phên tre, cũng ưa nắng như lòng người, chúng óng ánh, nhảy múa nũng nịu dưới làn nắng xuân.
Trong lúc mẹ chuẩn bị mâm cỗ cuối năm ở bếp, tôi xuống nhìn thoáng qua một vòng, bỗng bất giác mà giật mình. Ánh lửa hồng, bóng đèn lu hay nắng xuân làm tôi nhận ra da mẹ giờ đã nhăn nheo và đầy vết chân chim, tóc mẹ điểm bạc và lưng gù đi từ lúc nào. Thương biết mấy cho đôi vai nhọc nhằn.
Mưa phùn lất phất bay, đỏng đảnh mà đọng trên chiếc nón lá rách tưa của mẹ, vương trên hàng mi, mái tóc. Đó là dấu hiện của mùa xuân đương chùng chình về trước ngõ. Mẹ vẫn hay kể tôi nghe cái tết đầu về làm dâu. Người ta vẫn hay nói rằng: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Sau khi nấu mâm cúng ngày 30 để mời ông bà về ăn tết, sáng đầu năm mẹ tôi phải lọ mọ từ sớm cùng bà nội để nấu xôi, chè. Gọi là cúng đầu năm.
Chuẩn bị xong hai mâm cúng, mẹ thầm nghĩ bụng mai mùng 2 sẽ được về nhà mẹ. Nhưng đến sáng, cả nhà lại chuẩn bị mâm cúng, gọi là cúng “Tết nhà”. Sáng mùng 3 là nấu cỗ tiễn đưa ông bà. Mẹ tủi mà trào ngược nước mắt, hai hàng nước mắt ướt đầm trên gối. Mái nhà mẹ tôi muốn về thăm ngày tết chỉ cách một cánh đồng, ở ngay làng bên. Kể lại chuyện cho tôi nghe với giọng nói nặng trịch của người miền Trung, mẹ dõng dạc:
– Nhập gia thì phải tuỳ tục thôi con, mền phận dâu con mà.
Biết là chuyện quá khứ mà sao tôi thương mẹ vô cùng, thương cho ba ngày tết ấy quanh đi quẩn lại góc bếp, sót cho cái bỡ ngỡ lần đầu làm dâu của mẹ. Sáng ngày thường hay tết, mẹ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa nấu nước chè xanh. Mẹ đội nón ra vườn hái lá chè, chè hái từ buổi sớm mơi khi hạt sương còn đỏng đảnh trên lá. Chè được rửa sạch qua vài gáo nước giếng mát lành, rồi vài lát gừng để nấu cùng. Chế nước sôi vào ấm, mùi chè xanh thêm cùng gừng cay nồng bốc hơi. Ngày nhỏ tôi không thích uống nước chè vì đắng, nhưng lại thích hít hà cái mùi thơm nồng ấy. Một đoại nước chè xanh trong sóng sánh, nhâm nhi cùng lát mứt gừng mẹ làm vội, thật ấm lòng, ấm dạ cho ngày đầu năm.
Ngày còn bé, tất cả những đứa trẻ đều hiếu kì với thế giới ngoài kia, mong đi thật xa. Để rồi những đứa con xa quê lại nhung nhớ về bóng dáng mẹ, thương ngọn khói lam chiều, ụ rơm góc sân, góc bếp mộc mạc. Tết về, những nụ mai đang ngần ngần khoe sắc, nắng xuân ấm áp rọi soi làm đất trời bừng tĩnh sau một giấc ngủ dài mộng mị và lòng người cũng thêm khoan khoái. Là đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, lớn lên bên vành nôi, cánh võng và lời hát ru của mẹ; góc bếp của mẹ, tôi mãi gói ghém cẩn thận để đem theo trong kí ức cả cuộc đời.
Nguyễn Đức Anh