“Ầu ơ…
Một ngày bằng mấy trăm năm
Mẹ ngồi khâu vá nhọc nhằn đời con
Mẹ chờ từ bữa trăng non
Đến nay trăng cũng chỉ còn chênh chao
Yêu thương ở tận nơi nào
Về mẹ ôm nhé, nép vào yêu thương…”.
Lời ru của mẹ, lời thơ của mẹ, lời nhắn nhủ của mẹ đã theo tôi trên quãng đời rệu rã, trên quãng đời lấm lem bụi đời mà dụi mắt cay tận trái tim. Lời ru vỗ về những ẩn ức, những hi sinh, lời ru chữa lành bao xước trầy ngỡ không thể nào liền da trở lại, lời ru hồi sinh khát khao tận đáy cùng tâm khảm, lời ru như nắng mai xua vần vũ cuộc đời, lời ru dẫn đường tôi trở về nhà khi yếu đuối bơ vơ…
Bữa ấy, khi mảnh vườn của mẹ tỏa hương tinh khôi từ bông ổi trắng, khi cô gà mái khản lời gọi tìm bầy con chíp chiu gõ gõ đòi chui ra khỏi lớp vỏ sần sùi trong cái ổ rơm lót cành xoan mẹ vừa tỉ mẫn hoàn thành, cha đỡ đàn heo con ụt ịt tìm ti bởi đôi mắt tí hi còn chưa kịp làm quen với ánh sáng ngoài bụng mẹ. Gà mẹ xù cánh, heo mẹ gầm gừ bản năng bảo vệ đàn con, như con người vậy.
Tôi cũng trở dạ sau tháng ngày thai nghén, khi cơn đau và thuốc tê còn râm ran sau sống lưng của bà mẹ ” vừa gãy chiếc xương sườn”, sau cuộc vượt cạn khó khăn tưởng rằng không thể nào ở lại.Tôi mơ hồ nửa tỉnh nửa mê, nửa kiệt sức nửa tràn đầy năng lượng, nửa muốn nhắm mắt thả lỏng cơ thể trôi vào thế giới bên kia, nửa muốn tỉnh táo ôm bé thơ vào lòng chở che bảo vệ, bỗng nghe ai đó khẽ khàng cất tiếng hát “Ầu ơ”.
” Ầu ơ…
Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây…”.
Giọng ai khàn đặc, giọng ai nghèn nghẹn, lời ru bé con đang khóc lại kéo tôi mạnh mẽ trở về như cô gà mái xù lông, dang đôi cánh xác xơ ấp ủ những đứa con. Lời ru đưa tôi vào giấc ngủ chập chờn, giấc ngủ chạm giọt mồ hôi tí tách rơi xuống chiếc giường bệnh viện, chạm vào giấc mơ vừa đến, giấc mơ có mẹ, giấc mơ yên bình.
Giấc mơ sáng sáng ra đồng gieo cấy, chiều chiều dắt trâu sau triền đê, tối tối nằm võng nhắm mắt chui vào nách mẹ. Tiếng mẹ ầu ơ, tiếng quạt mo cạch cạch, tiếng võng đưa kẽo kẹt như bản hòa ca ru thơ bé giấc nồng.
Giọng mẹ trong như suối, mẹ biến tất cả các bài ca dao thành lời ru, mẹ biến tất cả những bài thơ thành lời ru, mẹ biến câu chuyện thành lời ru, lời ru nhẹ như hương lúa thơm vừa dậy thì trước ngõ.
Giấc mơ những tháng ngày tôi lang thang giữa phố thị, bon chen với những xô bồ, những tháng ngày trầm cảm tỉnh mơ, những vết cắt trên thịt da không biết đau, những buổi chiều đứng trên chiếc cầu chênh chao nhìn xuống dòng sông và khát thèm được một lần nhảy xuống. Những lúc như vậy, tôi lại khe khẽ ru mình như mẹ từng xoa xoa bàn tay nhăn nheo vỗ về cùng tiếng thở dài và cất tiếng ” ầu ơ..”
Với tôi, lời ru của mẹ như phương thuốc chữa lành những vết xước bởi cuộc đời mang lại, là tiếng gọi trở về khi tôi trôi trong hoang tưởng thương đau, là ánh sáng ở phía cuối con đường ngỡ đã đen tối nhĩ nhàu, là cánh cửa tiếp theo sau cánh cửa này khép lại.
Rồi tôi làm mẹ, tôi vẫn duy trì những khúc hát ru con, những lời ru ngày xưa của mẹ, những lời ru hôm nay của tôi lại đưa các con vào giấc ngủ, vào cuộc đời luôn có mẹ đợi chờ làm điểm tựa bình yên. Lời ru từ ca dao có cánh cò, có cánh đồng, có con trâu, có con ve cái kiến..
” À ơi…
Nghé ơi ta bảo Nghé này
Nghé ăn cho béo, Nghé cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”.
Thỉnh thoảng, tôi lại ru những lời ru từ các câu thơ chắp vá của ai đó tôi vô tình nghe qua, của tôi tự buột miệng thốt ra, của những nhà thơ tôi biết…
” Ầu ơ…
Hôm nay mẹ bỗng nhớ nhà
Nhớ bát cơm nóng mà bà nấu cho
Thèm ăn một miếng cá kho
Thèm được bà ngoại bế con để nằm “.
Thỉnh thoảng tôi ầu ơ như kể lể, như tâm sự với chính mình, như khóc, như cười. Thỉnh thoảng hạnh phúc, thỉnh thoảng đau buồn, thỉnh thoảng bất lực, thỉnh thoảng trách hờn…
Những điều không thể nói ra, những tâm tư không có người chia sẻ, những trách hờn không biết để vào đâu, không ai muốn nghe, không ai muốn hiểu, không ai đồng cảm, tôi đều cho vào lời ru ầu ơ như thế.
Lúc con thức tôi ru, lúc con say giấc mà tiếng ru của tôi vẫn khẽ khàng bài này qua bài khác, chuyện này qua chuyện khác, tâm tư này qua tâm tư khác, miên man trong cái thinh lặng của đất trời, chỉ có tiếng tôi và tiếng khuya đang tí tách rơi rơi…
Chao ôi, là tôi đang ru tôi đấy chứ, tôi đang ru những mệt nhoài năm tháng, ru trái tim tổn thương lành lặn trở về. Có lời ru bên nôi, có lời ru bên bếp lửa xì xào mắm tôm dầu mỡ, có lời ru bên trang vở trắng với bài tập làm văn đứa lớn, bài toán đứa nhỏ, có lời ru theo tôi ra chợ nấu bữa chiều hối hả những nắm rau con cá con tôm.
Lời ru đâu chỉ để ru con ngủ, lời ru để ru tôi mạnh mẽ mỗi ngày. Chỉ cần “ầu ơ” thôi, và những nỗi lòng cứ thế bung ra nhẹ nhàng. Chỉ cần ” ầu ơ” thôi, mà bình yên như những hoàng hôn bên chiếc võng đung đưa, bên dòng sông thì thầm, bên cánh đồng lúa thơm thì thầm, nghe cánh diều thì thầm, và tiếng mẹ ngân nga ngọt như sương rơi trên bờ môi nứt nẻ tuổi phai chiều heo may trở giấc.
Như một thói quen, như một đam mê, như một món ăn tinh thần không thể thiếu với tôi và các con. Dù tôi đã vượt qua căn bệnh trầm cảm kéo dài, dù cuộc đời đã vui như những giai điệu mùa xuân, dù các con đã lớn, đã đến trường, dù có smartphone với các mạng xã hội đua nhau mời gọi, dù hàng ngày chúng vẫn nghêu ngao những bài hát tuổi trẻ, thì mỗi khi lên giường vẫn nài nỉ mẹ hát ru.
Chỉ cần là mẹ hát thôi, chỉ cần là” ầu ơ ” thôi thì bất cứ là bài ca dao, bài thơ, câu chuyện, kể cả những chuyện tiếu lâm dí dỏm mẹ chế ra, các con vẫn nghe say mê, ôm chặt mẹ, vào giấc ngủ ngon như mẹ chúng nó đã từng.
Tôi thấy bình yên trong nhịp thở nhẹ nhàng con trẻ. Tôi thấy bình yên đậu trên đôi môi đang chúm chím cười cùng gương mặt thanh thoát vô tư.
Bình yên ấy, thanh thoát ấy, vô tư ấy có được phải chăng bởi các con lớn lên trong vòng tay yêu thương vô điều kiện, và từ nhỏ đã được đắm chìm trong thế giới ngọt ngào của những khúc hát ” ầu ơ”…
Nguyễn Mỹ Hạnh