Trước ngày giỗ ba, tôi thấy má lụi cụi chuẩn bị nào đậu đen, nào nếp, nào đường, rồi rang ít mè trắng, nhổ ít củ gừng trong vườn. Ấy là tôi biết má sắp nấu xôi đường. Món ăn dân dã xứ Quảng mà mỗi lần giỗ chạp má đều kỳ công chuẩn bị.

Tôi lại thấy mình như đứa trẻ năm lên mười, chờ má cắt xôi thành những phần vuông vức còn miếng rẻo bánh dư sẽ phần mình. Tôi vẫn còn nhớ như in những lần đứng tần ngần đầu ngõ đợi ba đi đám giỗ về. Tôi biết, thể nào trong túi quà ba treo lủng lẳng ở ghi đông xe đạp cũng sẽ có miếng xôi đường ngọt bùi, thơm ngon. Miếng xôi gói trong lá chuối như gói cả thơm thảo, tảo tần của người dân quê tôi.

     Ở quê tôi ngày xưa, xôi đường là món không thể thiếu trong các ngày giỗ Tết. Má bảo xôi đường nhìn bình dân vậy chứ khâu chuẩn bị kỳ công và phải có nghề mới nấu thành công được. Để nấu được mâm xôi đường ngon má tôi phải cẩn thận chọn từng loại nguyên liệu như nếp phải chọn loại mới dẻo thơm, đậu phải là hạt đậu đen bóng mẩy, căng tròn không lẫn hạt sâu, hạt mọt, rồi đường phải là đường tán (đường bát) của riêng xứ Quảng, gừng phải là gừng sẻ trong vườn, hạt mè phải rang vàng thơm lựng mới đúng ý má.

Trước khi nấu, nếp và đậu được má tỉ mẩn rửa, đãi sạch sẽ rồi ngâm qua đêm cho mềm. Đậu đen đem đi luộc chín, trong khi luộc má sẽ cho ít muối để hạt đậu đậm đà hơn. Công đoạn nấu xôi cũng quan trọng không kém. Phải canh nước sao cho thật khéo, xôi không được nhão quá cũng không được khô quá. Ở quê má tôi vẫn hay dùng bếp củi để nấu xôi. Mà không riêng gì nấu xôi, tất cả các món má đều thích nấu bằng bếp củi. Lúc trước tôi cứ hay cằn nhằn vì nghĩ má sợ tốn gas, cứ lọ mọ nhen nhen, thổi thổi nhưng má bảo món ăn có mùi vị của củi than mới nồng đượm, dậy mùi thơm ngon được. Tôi nhớ lại những ngày tuổi thơ cơ cực, nhớ lại những món ăn má đã nấu cho tôi những ngày khốn khó từ chái bếp đơn sơ, có lúc còn lõm bõm cả nước mưa. Tôi nhớ lại mình đã từng reo lên vui sướng “cơm má nấu là ngon nhất trên đời”. Và tôi nhận ra bất cứ món gì má nấu đều ngon.

     Sau khi đậu mềm, xôi chín má sẽ đi nấu nước đường. Công đoạn này đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo. Khi nấu nước đường phải đổ lượng nước vừa phải, không được lỏng quá, không được sánh đặc quá xôi sẽ không ngon. Đường sôi má cho thêm một ít gừng đã giã nhuyễn vào. Cả căn bếp sực nức mùi thơm. Sau đó má cho xôi và đậu vào nồi nước đường trộn đều lên rồi bắc lên bếp than hồng hông cho xôi dẻo. Lúc xôi còn ấm má sẽ bới xôi ra chiếc mâm đã được lót một lớp lá chuối. Vừa bới vừa ấn chặt tay để xôi kết dính với nhau. Và cuối cùng má rắc lớp mè trắng đã được rang thơm lên bề mặt xôi.

Nhớ có lần tôi bảo má nấu chi cho cực, để con chạy vù ra chợ mua cho khỏe. Má nói hồi ba bây còn sống có khi nào ổng ưng ăn đồ mua sẵn ngoài chợ đâu. Tôi im lặng. Thì ra, có những thứ người ngoài nhìn vào thì thấy vất vả, thấy cực nhọc nhưng người trong cuộc lại không nghĩ như vậy. Như tôi chỉ thấy được dáng vẻ lụi cụi, tỉ mỉ chuẩn bị những đậu, những nếp, những đường, chỉ thấy được những lọ mọ ngâm đãi của má mà không biết với má vậy là vui, là hạnh phúc. Bao nhiêu năm tự tay chăm bẵm, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng cho con chưa bao giờ má than nghèo kể khổ. Người đàn bà đi qua mưa nắng, đi qua bão giông, đôi bàn tay giờ đã run run vẫn cần mẫn nấu từng bữa ăn, chăm từng đứa cháu.

     Vẫn như năm lên mười tuổi, sau khi cắt xôi thành từng miếng vuông vức, những miếng rẻo bánh dư má lại chừa phần tôi. Cắn miếng xôi đường mà bao kỷ niệm ùa về. Hạt nếp dẻo thơm, đậu đen bở bùi, vị dịu ngọt của đường tán, mùi thơm thoang thoảng của đường, vị beo béo của mè. Tất cả hòa quyện lại cùng với tình yêu của má đã làm nên một miếng xôi đường mà tôi dám chắc rằng không có bất cứ món ngon nào có thể so sánh bằng.

Lam Khuê