Sắp tới ngày giỗ mẹ, ngồi xem lại những bức ảnh khi xưa, kỷ niệm trong tôi bỗng chốc ùa về, ngập tràn tâm trí. Trong số những bức ảnh cũ có một bức mẹ tôi chụp cùng con gái tôi, lúc đó con bé mới vừa biết đi chập chững. Ngày tôi sinh con đầu lòng, là mẹ đã một tay chăm sóc và nuôi lớn con tôi, đứa cháu ngoại mà chỉ có bà mới ru ngủ được. Có lẽ nó cũng như tôi, luôn thích nghe những câu ca dao mẹ hát, chỉ cần nghe tiếng ầu ơ, ví dầu, một lúc sau đã nghe tiếng thở đều đều, thỉnh thoảng trong giấc ngủ con bé còn nhoẻn miệng cười, dường như đã mơ thấy điều gì đẹp lắm.
Tôi được sinh ra ở một vùng quê Nam Bộ, nơi có lũy tre làng kẽo kẹt mỗi trưa hè như tiếng võng mẹ đưa. Đàn còn trắng chấp chới bay trên những cánh đồng, bay vào trong giấc mơ tôi qua lời ru của mẹ. Cứ thế, tuổi thơ tôi được ấp yêu bởi sự ngọt ngào của những câu hát ru xưa, yên ả và lắng sâu, chứa chan tình yêu thiêng liêng của quê hương và mẹ. Lời ru hay là câu hát hồn quê, đã đằm sâu trong ký ức tôi. Lời ru đã nâng bước chân tôi đến những cung đường tương lai nhưng cũng là bến neo đậu tâm hồn những khi cần một chốn để mà đi về, những khi cần một nơi để mà nương náu. Ầu ơ… “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Dù là ngày hè nóng bức hay mùa thu mát mẻ, mùa xuân ấm áp hay mùa đông giá lạnh, mẹ cùng với những bài ca dao xưa luôn dịu dàng ôm ấp giấc mơ con. Lời ru là câu ca, nhịp võng là điệu nhạc, làn gió là bản hòa âm, tất cả cùng với tình yêu của mẹ tạo nên một khúc hát mãi mãi đi vào tâm khảm của bao người con đất Việt.
“Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm
Hỡi chàng là chàng ơi
Hỡi người là người ơi
Em nhớ tới chàng.”
Những ca từ mộc mạc dịu dàng, đơn thuần mà sáng trong, chứa đựng những điều thiêng liêng của tình mẫu tử.
Lời ru là tình yêu của mẹ mà cũng là tình yêu đối với quê hương đất nước. Làm sao quên được những bài hát ru chan chứa yêu thương, “ầu ơ… Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá về đồng ăn cua”.
Lời ru theo tiếng mẹ truyền tải bao điều, là nỗi lòng mà mẹ nào dám than, dám thở. Nhớ câu hát ru Nam Bộ nổi tiếng mà ai cũng thuộc nằm lòng: “Trời mưa ướt bụi ướt bờ. Ướt cây, ướt lá ai ngờ ướt em…”, hay “sông dài cá lội biệt tăm, phải duyên chồng vợ ngàn năm em vẫn chờ”, hình như không những ru con mà mẹ cũng tự ru mình. Lời ru dỗ con, lời ru dỗ mẹ, lời ru cùng mẹ và con đi theo những năm tháng đời người, đồng hành cùng với con trên bước đường khôn lớn. “À ơi… Không có gì bằng ăn cơm với cá. Không có gì bằng má với con. Bao giờ cá lý hóa long. Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”.
Lời ru của mẹ không những dành để ru con những ngày bé thơ mà theo con cả khi con dần khôn lớn. Đó là những điều hay lẽ phải ở đời, là sự chăm bẫm từng chén cơm, manh áo cho con đến trường, học hành… dạy con nghĩa nhân, ân đức. Nhìn vào ánh mắt mẹ, con học được tình thương và sự bao dung. Nhìn vào đôi bàn tay mẹ, con học được sự trân quý công sức lao động. Nhìn vào mái tóc ngày càng phai màu của mẹ, con biết thời gian không chờ đợi một ai. Ngày xưa mẹ hát ru con những lời yêu thương, nhân nghĩa, hay chính mẹ là bài hát ru mà thượng đế đã ban cho con người. Cuộc đời có mẹ như giấc ngủ có lời ru, ngọt ngào và ấm áp như khi còn trong lòng mẹ.
Những câu hát ầu ơ, ví dầu về hình ảnh con cá, con cua, dòng sông, cánh đồng… không biết từ bao giờ đã theo lời ru mẹ thấm đẫm vào máu thịt trẻ thơ từ khi mới chào đời. Lời ru như dòng sữa mẹ ngọt ngào, chảy vào huyết mạch của con. Nếu như hạt mưa tưới mát ruộng đồng thì lời ru mẹ cũng là dòng suối lành nuôi dưỡng tâm hồn. Lời ru như hạt giống mà mẹ đã gieo vào mảnh đất tâm hồn con, theo thời gian sẽ bén rễ, đâm chồi dâng cho đời hoa thơm, quả ngọt.
Khi con gái tôi hơn một tuổi thì mẹ tôi cũng xa đời, theo từng áng mây trắng trôi về đỉnh phù vân, lời ru từ đó cũng chỉ còn vọng về trong ký ức. Tôi nối tiếp mẹ hát những khúc ru cho con, như nối dài tình yêu của bao thế hệ. Mẹ hay hát nhất là câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, dù là những lời mộc mạc mà dễ nhớ, khó quên, tôi tự hỏi ký ức về mẹ sẽ là những gì nếu như không có những “lời ru”? sở dĩ tôi để nó trong ngoặc kép vì có những lời ru không nhất thiết phải là những câu hát mà chính là cách cha mẹ yêu thương, dạy dỗ con, cách mà cha mẹ chúng ta đã sống.
Không biết bây giờ các bà mẹ có còn ru con ngủ bằng những câu hát ru xưa không? Một thoáng chạnh lòng thương mẹ, thương quê, thương những điều xưa cũ. Nhưng dù thế nào thì bản thân tôi cũng không thể nào quên được những ngọt ngào giai điệu lời ru, hóa thành khúc hát thiên thu vẹn tròn.
Kim Loan