Câu ngạn ngữ Pháp “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim” đã trở thành điều căn dặn thật xác tín trong lòng tôi, là lý do cho ngực trái tôi vẫn rung lên nhịp bồi hồi mỗi khi khi tìm về ký ức để rồi niềm thổn thức luôn bắt đầu từ những năm tháng tuổi thơ. Cánh võng mềm vương hạt nắng trưa, vành nôi chạng vạng một ráng chiều, bên song cửa từng sợi trăng đêm thêu, có tiếng à ơi lặng thầm ru tôi vào giấc ngủ. Một ngày rồi bao ngày lớn khôn trong tôi vừa đủ, chẳng còn nũng nịu với lời ru nhưng những âm điệu ngọt ngào ấy đã trở thành mạch ngầm quê hương chảy mãi những yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.
Như một người đàn bà điềm đạm ân cần bên con thơ, Hát ru mang một tiết tấu nhẹ nhàng cùng giai điệu mộc mạc dịu êm bước ra từ chốn quê hiền đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian đầy giá trị. Một di sản quý báu được truyền qua bao thế hệ xuyên suốt dòng chảy văn hoá lịch sử của dân tộc từ thuở khai thiên lập địa, đấu tranh giữ nước, mở mang bờ cõi non sông… Với hình thức diễn xướng đơn diễn tự nhiên, sân khấu mộc mạc là đây, bên hoa lá vườn cây, bên cửa nhà, ruộng đồng nương bãi, bao trẻ thơ còn quàng cổ chiếc yếm dãi, mắt miệng chúm chím chờ được mớm những lời ru…ngả vào lòng bà êm, gối lên vai ông hiền, nằm bên tay mẹ đưa, dựa lưng cha cả bốn mùa, giấc ngủ ấu thơ cứ vậy mà cuộn tròn trong lời ru yêu thương từ gia đình và quê hương xứ sở.
Ai đó ví Hát ru như một thiên thần hộ mệnh chăm bẵm vỗ về trẻ thơ bên những giấc ngủ bình yên mau lớn thì tôi ví bà, ví mẹ tôi hay những người đang hát ru trong cuộc đời cũng chính là những thiên thần có trái tim nhân hậu ấm áp. Tôi nhớ nụ cười thắm đỏ hương trầu, chiếc quạt nan gọi gió theo tay cùng lời ru của bà dỗ dành chan chứa : “À a à ời, À a à ơi/ Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…” Bà thương cha mẹ tôi tần tảo hôm sớm bao nhiêu thì càng thương chăm đứa cháu nhỏ bấy nhiêu từng miếng ăn giấc ngủ. Một đời bà trải thăng trầm ngược xuôi, những lo toan đã lắng dần vào sâu trong nếp nhăn và chấm đồi mồi. Tôi chỉ nhận ra điều ấy tận lúc sau này ngắm bà trên di ảnh. Tiếng bà đâu đó khẽ à ơi…Rồi cả ấu thơ tôi cứ thương mãi loài cò bé nhỏ lận đận trong câu hát mẹ ru: “À a à ời, À a à ơi/ Con cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” hay “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…” cho tới những tháng năm sau ngày ấu thơ, tôi bật khóc khi thấy mẹ dãi nắng dầm mưa hệt thân cò ướt sũng trong lời ru xưa…
Từ những vần ca dao, dân ca lục bát trữ tình trong dân gian mà thành điệu Hát ru mượt mà, diết da lay động tâm can người sâu sắc. Hẳn là mẹ tôi cũng như những người mẹ hát ru con trên đời. Tôi chẳng thể nhớ được ngày mẹ ru tôi khi nằm lọt trong võng, trong nôi nhưng cứ bắt gặp hình ảnh người mẹ bế bồng ru con, tôi ngỡ chính mình của ngày thơ ấu…Và sau này mẹ kể lại, những khoảnh khắc quá đỗi êm đềm: “ À a à ời, À a à ơi/ Cái Bống là cái Bống bang/ Mẹ Bống yêu Bống, Bống càng làm thơ…”. Câu hát cứ mềm mại ngân nga, như mẹ, như bà đẹp biết bao hai từ thiên chức. Tôi đã thấy câu hát ru của người mẹ câm trong căn phòng nhỏ cách phòng tôi một bức tường trong khu nhà trọ. Chỉ bằng những tiếng ê a nương theo làn điệu, những câu hát ru không tròn trịa mượt mà nhưng tấm lòng bao la của người mẹ ấy dành cho đứa con bé bỏng thật đủ đầy chưa một ngày khiếm khuyết. Đứa bé có khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt tròn đen láy, tay nắm áo mẹ không rời. Tình mẫu tử chẳng thể nói lên lời nhưng mọi cử chỉ yêu thương thật nồng ấm.
Và cứ thế, những câu hát ru như dòng sông xanh êm đềm bồi đắp phù sa cho cây đời tươi tốt, bồi đắp tình cảm gia đình thêm bền chặt, cho trẻ thơ gần gũi với thiên nhiên đẹp đẽ mà liên tưởng diệu kỳ: Ánh trăng sao bừng sáng ước mơ hy vọng, bến nước con đò bịn rịn nỗi nhớ mong, cánh đồng lúa cùng hoa màu chờ ngày thu hái, những loài vật thân thương vui sống chan hoà. Trẻ thơ thêm nhận ra và thấu hiểu cội nguồn đạo lý về công ơn của cha mẹ và lòng hiếu thảo của người làm con trong cuộc đời: “À a à ời, À a à ơi/ Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hát ru cứ nhịp nhàng du dương và chắp cánh yêu thương cho tình cảm các thế hệ trong gia đình thêm khăng khít. Hát ru ngọt ngào nơi đất Bắc, da diết phía trời Nam, gửi miền Trung lời sâu lắng. Khi những khúc ru thuộc về bản địa cũng đồng nghĩa Hát ru có từng làn điệu quy định riêng với các tộc người: Hát ru người Việt, hát ru người Tày, người Thái, người Dao, người Mường… khắp 54 dân tộc trên đất nước sẽ có những làn điệu đặc trưng riêng. Nhưng điểm chung lớn nhất của mọi bài hát ru đều chứa đựng những giá trị tốt đẹp về đời sống, văn hoá và cốt cách con người, gieo những mầm xanh tốt tươi trong tâm hồn thơ ngây của biết bao đứa trẻ. Hát ru gửi gắm ước vọng cho con trẻ nên người cùng niềm tin, ấm no hạnh phúc. Đâu đó một khúc hát ru, một câu vọng cổ, bài chòi, hát ngâm, ca xướng…đều bắt đầu với những ca từ mộc mạc nhưng chan chứa nghĩa tình dắt trẻ thơ an tâm vào giấc ngủ.
Tôi đã ru đứa con bé bỏng của mình trong vòng tay, trong vòng nôi bằng lời hát ru mà các bà các mẹ đã ngân nga một đời. Bé con của tôi luôn mỉm cười trong veo trước khi say giấc. Con lảnh lót mà lớn khôn như chú chim non bên vườn nhà, con hoà vào thiên nhiên, vào làng quê như thân quen từ lâu lắm. Con vẫn đợi nghe những lời hát ru từng đêm rồi tấm tắc với mẹ rằng Hát ru là âm điệu hay nhất. Lời ru theo chân con đến trường mà trau dồi học tập và có buổi con tíu tít khoe môn âm nhạc tìm hiểu về Hát ru. Giọng con véo von theo làn điệu… Tôi nhìn con mà mường tượng thơ ấu của chính mình. Hồn nhiên đẹp xinh cùng một trái tim thiện lương ấm áp. Ngày tháng sau này chỉ mong con mạnh khoẻ bình yên để vun vén cho đời những điều chân chính.
Giữa nền văn hoá hôm nay, có vô vàn dòng nhạc thời thượng đang kiếm tìm chỗ đứng thì Hát ru vẫn lặng lẽ và bền bỉ theo cách của riêng mình. Hát ru vốn đẹp lại càng trở nên quý báu giữa guồng quay chóng mặt của thời cuộc. Hát ru có đang dần bị mai một hay lòng người lạnh nhạt thờ ơ. Thứ âm nhạc được cha ông truyền lại chẳng thể nào lạc lõng bơ vơ khi cộng đồng vẫn giữ gìn lan toả. Tôi đã thấy quanh mình những người bà, người mẹ, người chị chọn hát ru cho cháu, cho con, cho em mình khi ngủ. Văn hoá dân gian mãi là một tượng đài bất tử mà ở đó Hát ru còn ngân nga thổn thức cùng bao thế hệ trong đời. Luôn cảm tạ những tiếng À ơi…Trái tim tôi đã lưu vào ngăn nhớ…
Mộc Nhiên