Thời gian vời vợi, cuộc sống lên thác xuống ghềnh, nhưng những lời ru năm xưa vẫn như khoảng không vô tận êm đềm, sâu lắng. Từng giai điệu ngọt ngào cứ như mạch nước ngầm xoa dịu những vết thương lòng, làm dịu vợi vị đời mặn chát. Để rồi, tôi chợt nhận ra, có những điều chưa bao giờ là cũ.

Tiếng ru đâu đó vút lên, lời ru lúc mượt mà, trầm bổng, lúc tha thiết, lúc lại như thủ thỉ tâm tình. Tôi nghiêng tai nghe tiếng thì thầm của những ngày xưa cũ. Tôi chạy về miền ký ức xa xăm để thấy mình may mắn biết nhường nào khi cả tuổi thơ được “tắm đẫm” trong lời ru của bà, của mẹ. Tôi vùng vẫy trong khoảng mênh mông hoài niệm, vùng vẫy trong men say của hạnh phúc, của những tiếng ru hời bên chiếc võng kẽo cà, kẽo kẹt. Những giấc ngủ êm đềm cứ đến với tôi như thế. Từng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và ân tình đó như một sợi dây vô tình bồi đắp hồn tôi, gạn đục khơi trong…

Chẳng hiểu sao, những tâm hồn non nớt ấy chưa hiểu được nội dung, ý nghĩa lời ru, nhưng mỗi khi giai điệu ngọt ngào ấy cất lên, đứa trẻ lại dễ dàng chìm vào giấc ngủ trong vòng tay âu yếm của bà, của mẹ. Dường như, chúng cảm nhận được tình cảm bao la, sự quan tâm, che chở của người ru trong từng giấc ngủ say nồng. Với những đứa trẻ, lời ru càng tha thiết, say mê.
Tôi nhớ mẹ. Nhớ khi màn đêm buông xuống, bên ngọn đèn dầu leo lét, mẹ ru con để trải lòng mình. Mẹ đã gửi gắm bao điều muốn nói, nhưng lúc đó tôi chẳng hiểu gì. Chỉ cần mẹ cất tiếng hát ru là tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ một cách ngon lành. Khi con thơ chìm vào giấc ngủ, mẹ nhẹ nhàng, buông màn, lặng lẽ tiếp tục những công việc còn đang dang dở. Cơn gió lạc đi qua khiến ngọn đèn phập phồng sáng tối trong đêm như chính cuộc đời mẹ vậy.

Từ ngày có chúng tôi, chẳng khi nào mẹ được yên giấc, mẹ chẳng còn những giây phút thảnh thơi. Cả cuộc đời mẹ quẩn quanh sau lũy tre làng, quẩn quanh bên những đứa con bé bỏng. Công việc đồng áng, gia đình, con cái quanh năm tất tả ngược xuôi, nhưng trong mắt mẹ luôn đong đầy hạnh phúc. Chị em tôi cứ hồn nhiên lớn lên trong lời ru ngọt ngào, trong tình yêu thương vô bờ bến của bà, của mẹ mà không chút nghĩ suy. Cuộc sống vất vả, mệt mỏi là vậy nhưng chưa bao giờ mẹ than vãn, muộn phiền. Những câu hát dịu êm vẫn luôn đi vào khoảng không sâu lắng:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Tất cả yêu thương của mẹ gói gọn trong từng câu, từng chữ. Chất chứa biết bao tình yêu thương bao la như trời biển của bà, của mẹ nên mới ngọt ngào đến thế. Những đứa con của mẹ cứ tung tăng tới trường, còn mẹ cứ rong ruổi trên đường đời bất tận với bao gập ghềnh, sóng gió. Lời ru cứ thế theo con đến lớp mỗi ngày. Có tình yêu nào bao la hơn tình yêu của mẹ? Có lời nào ngọt ngào hơn lời mẹ ru con?

Trong giấc mơ trưa, có cánh diều nghiêng nghiêng chao lượn, có dáng mẹ hao gầy đang cõng nắng trên đê. Có tiếng sáo ngân nga, vi vu của chú mục đồng thong dong trên lưng trâu lúc chiều tà. Là hình ảnh người vợ chờ chồng trong đêm khuya thanh vắng… Lời ru gói trong chất giọng êm dịu của mẹ, lời ru mang dáng hình thân thuộc của làng quê. Lời ru của mẹ dịu dàng, chở che, ấm áp.

Trong ký ức của tôi, lời ru ấy là những bài học về nghĩa vợ chồng, tình cảm anh em, cách đối nhân, xử thế… Là những hình ảnh mộc mạc, giản dị, chân tình trong đời sống thường nhật. Là những khúc hát ngợi ca hướng về cuội nguồn, về tinh thần lao động, về những giá trị văn hóa lịch sử… Và những lời ru mượt mà, sâu lắng ấy như những lời tâm tình, thủ thỉ gắn kết tình yêu thương vô bờ bến của bà, của mẹ dành cho con trẻ:

“Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.

Không biết từ bao giờ, cây đa, bến nước, sân đình, con cò, con vạc, con nông… cứ thế uyển chuyển đi vào trong câu hát một cách tài tình. Những câu hát ru với lời lẽ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha như chính cuộc đời của mẹ quanh năm tảo tần hy sinh cho chồng con, cho gia đình:

“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non”.

Khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng, đây còn là những thông điệp, lời gửi gắm, nỗi niềm thầm kín, là những ẩn ức được bày tỏ khéo léo qua từng câu hát:
“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy, còn trông nhiều bề…”

Có lẽ, trên dải đất hình chữ S này mới có những câu hát ru sâu lắng, thiết tha, chứa chan tình cảm đến vậy. Bao năm trôi qua, hình ảnh dưới giàn thiên lý, mẹ bên tiếng võng kẽo kẹt, nhịp nhàng vẫn còn đó. Những lời ru của mẹ ngân nga giữa trưa hè, hay trong đêm tối tĩnh mịch vẫn làm tôi không khỏi ngậm ngùi:

“Thương chồng nên phải gắng công
Nào ai xương sắt da đồng chi đây?”

Mỗi khi mệt nhoài, tôi lại muốn chạy về tìm mẹ. Để được sà vào lòng mẹ, để được cưng nựng, dỗ dành, để được nghe những tiếng à ơi, để được sống trong cái âm sắc dịu dàng ngày ấy.

Thời gian vời vợi, cuộc sống lên thác xuống ghềnh, nhưng những lời ru năm xưa vẫn như khoảng không vô tận êm đềm, sâu lắng. Từng giai điệu ngọt ngào cứ như mạch nước ngầm xoa dịu những vết thương lòng, làm dịu vợi vị đời mặn chát. Để rồi, tôi chợt nhận ra, có những điều chưa bao giờ là cũ.
Trong nhịp sống hiện đại, những lời ru cũng dần dần mai một theo thời gian. Nhưng giây phút thảnh thơi bên cánh võng đung đưa cùng lời ru trầm bổng, mượt mà, thánh thót gần như không còn nữa. Mấy ai còn được nghe những giai điệu “à ơi”. Nhưng với tôi, những lời ru xưa không chỉ là lời ru, mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tạc nên nhân cách.

Hóa ra, tạo hóa ban lời ru cho con người là để nâng niu, vỗ về con trẻ. Và giờ đây, mỗi khi nhớ lại, cả một bầu trời ký ức trong tôi hiện lên vẫn đẹp đẽ, tươi nguyên.

Hà Đan