Mỗi khi lời ru à ơi cất lên thì đứa trẻ trôi dần vào giấc ngủ, chìm dần vào yêu thương trong vòng tay ấm êm của bà, của mẹ. Nghe những lời ru sâu lắng bé yêu như cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của bà, của mẹ…
Lời ru đa số là những câu ca dao, những bài thơ lục bát có vần, có điệu, ngọt ngào tha thiết. Tiếng ru lại được cất lên bởi chất giọng quen thuộc của bà, của mẹ – người đã bế bồng, chăm bẵm từ khi lọt lòng – nên bé yêu nào cũng yên tâm ngủ ngon.
À.…á….à….ời. À.…á….à……….ơi!
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trích bài thơ Mẹ, tác giả Bùi Quốc Minh)
Từ khi thai nghén cho đến khi lọt lòng, mẹ và con đã có sợi dây tình cảm bản năng ràng buộc. Mỗi ngày con lớn lên trong bụng, mẹ đã bảo bọc, yêu con bằng tính mạng của mình. Con quấn quýt mẹ không rời vì quen hơi sữa, vì mẹ đã mang con đến thế giới này và cho con cả cuộc đời. Con ấu thơ mẹ bế bồng chăm sóc, con lớn khôn mẹ ân cần dạy nuôi, con trưởng thành bay cao bay xa mẹ vẫn luôn âm thầm dõi theo và chờ đợi. Ngọn gió mát lành từ mẹ thổi suốt cuộc đời con, chở che cho con khỏi nắng hè bỏng rát, xua tan đêm đông giá lạnh. Buồn vui hay sướng khổ, thành công hay thất bại con luôn có thể về bên mẹ để tìm sự bình yên cho tâm hồn.
Giây phút tiếng ru cất lên, mẹ ngưng hết tất cả mọi việc, đi thật khẽ, bước thật nhẹ để con không giật mình. Bồng con trên tay, ngắm nhìn con yêu say giấc, hai má phúng phính thơm mùi sữa, cả thế giới như thu nhỏ lại chỉ bằng một em bé. Chẳng có gì quan trọng bằng giấc ngủ của con lúc này. À ơi…Lời ru của mẹ nhỏ dần, nhỏ dần…
Bà ru mẹ, mẹ ru con,
Hỏi mai sau các con còn nhớ không?
(Trích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, tác giả Nguyễn Duy)
Những lời mẹ ru dễ gì con nhớ. Bằng chứng là cậu nhóc nhà tôi. Nhiều hôm đi học về cu cậu lại hỏi “Mẹ ơi, câu này nghĩa là gì? Mẹ ơi, câu kia nghĩa là sao? Con học mà chưa hiểu?” Nhìn vào trang sách, có những bài học chính là những câu ca dao, những bài thơ tôi đã hát ru cu cậu lúc nhỏ. Đến nhà ai chơi mà có em bé, nghe bé được ru ngủ cu cậu lại hỏi “Mẹ ơi, ngày trước mẹ cũng ru con vậy hả?”. Tất nhiên rồi, con yêu ạ!
Tôi cũng không thể nhớ lúc nhỏ bà và mẹ đã ru tôi những gì. Nghĩ đến bà ngoại, tôi như còn ngửi thấy mùi trầu thơm nồng ấm khi bà bế tôi trên vai. Nghĩ đến mẹ, tôi vẫn nhớ bàn tay thô ráp đều đều xoa xoa, vỗ vỗ trên lưng. Nhưng khi nghe thấy bất kì tiếng ru nào cất lên tôi cũng có cảm giác quen thuộc, thân thương, gần gũi.
Là con út trong nhà, không phải bế bồng, không phải trông em, ru em nên tôi chưa biết hát ru. Ý nghĩa của những lời ru ấy tôi cũng chỉ hiểu lờ mờ, sơ sơ trên bề mặt câu chữ chứ chưa thấm được sâu sắc, trọn vẹn. Phải đến lúc lấy chồng, sinh con, làm mẹ thì mới lần đầu tôi cất tiếng hát ru. À…ơi…Lời ru cất lên ban đầu mới ngượng nghịu, ngỡ ngàng, lạ lẫm làm sao. À…ơi.. tiếng ru thường xuyên đứt quãng vì chưa quen, cũng chưa mượt mà da diết, thậm chí có lúc còn lạc giọng, quên chữ quên từ. Mươi ngày rồi nửa tháng trôi qua, con học ăn học ngủ, tôi tập tành làm mẹ, tập tành học ru. Rồi cũng suôn sẻ cả. Ẵm con đã không còn sợ rớt, lời ru cũng tự nhiên hơn, đủ ấm áp để đưa con vào giấc ngủ.
Có sinh con, nuôi con mới hiểu thấu lòng cha mẹ. Những đêm thức chăm con ốm, niềm vui khi con chập chững bước được bước đi đầu đời, hạnh phúc vỡ òa khi con bập bẹ gọi mẹ…Hay cả gánh nặng áo cơm, học hành… phải chăm lo cho con không thua chúng thua bạn, bây giờ tôi mới hiểu, mới thực sự trải nghiệm một cách sâu sắc. Tôi thương con mình bao nhiêu thì bố mẹ cũng thương tôi bấy nhiêu, thậm chí là nhiều hơn vì bố mẹ sinh tôi ở thời bao cấp, tất cả mọi thứ đều khó khăn hơn bây giờ nhiều.
Ban ngày, con thường ngủ ngắn. Sữa, tã, áo quần, đồ ăn…bừa bộn nên lời ru cũng chỉ dừng lại khi con nhắm mắt. Chỉ kịp đặt con nằm xuống là tranh thủ, quáng quàng làm cái này, dọn cái kia. Nhiều hôm, cả ngày không kịp chải đầu, soi gương. Trên mình thì được tưới tắm bởi rất nhiều loại nước hoa đặc biệt. Cứ xoay như chong chóng gặp gió, như cù vừa thả khỏi dây, ăn tranh thủ, ngủ không đủ giấc. Tôi cá rằng tất cả các mẹ bỉm sữa đều có chung một ước mơ tưởng chừng như đơn giản nhưng rất xa xỉ đó là được ngủ một giấc thật ngon, thật đã.
Đêm về, giấc ngủ của con dài hơn, sâu hơn. Tôi cũng tạm xong công việc. Nằm trên võng đu đưa, ấp con trên lồng ngực, tôi lại cất tiếng ru. À …ơi…! Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. (ca dao)
Tiếng ru đêm nho nhỏ, con đã khép mắt, hơi thở đều đều, bình yên. Lời ru vẫn chưa dứt. Lúc này, ý nghĩa của lời ru mới thấm vào trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc của tôi. Có lẽ là tôi đang tự ru cho mình.
Tôi muốn hát, nhưng thế thì vô duyên quá. Ai lại hát khi con đang ngủ? Ai lại hát một mình giữa đêm? Mượn lời ru thay tiếng hát, tôi ru cho tuổi thanh xuân dần trôi qua, tôi ru cho những ước mơ còn dang dở, tôi ru cho những tổn thương sẽ được chữa lành, tôi ru cho những bất công ngang trái ở đời, tôi ru cho những hi vọng, tôi ru mình phải cố gắng lên…
Dãy phòng trọ tắt dần ánh đèn, bóng đêm và sự tĩnh lặng bao phủ. Đặt con nằm xong, tôi cũng ngả lưng sau một ngày rã rời. Hai mẹ con chìm vào giấc ngủ mà tiếng ru như còn vang vọng. Ầu ơ…
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời. (Ca dao)
Nguyễn Thị Minh