Tôi lớn lên trong thời bình nhưng ông bà tôi, bố mẹ tôi lại thuộc về thời chiến. Thời của lửa khói đạn bom, của hy sinh mất mát, của thương nhớ đầy vơi. Cũng là thời mà tinh thần dân tộc cao như núi, rộng như sông. Tinh thần ấy vút cao như gió lớn, mạnh mẽ như bão giông, đẹp như quê hương Tổ quốc và vang vọng đến cả ngàn đời sau.

Tôi chưa từng chứng kiến chiến tranh thống khổ thế nào. Dân tộc tôi kiên cường ra sao. Thế nhưng qua những lời bà ngoại ru tôi ngày đó, cứ thấm dần từng câu chuyện lịch sử. Thấm từng giọt tình yêu quê hương. Để rồi, khi lời ru vừa cất lên, đứa trẻ hờn giận là tôi cũng dễ dàng đi vào giấc ngủ tròn vo.

“Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay ơi
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội..
Con mơ cho mẹ hạt lúa lên bông
Mai sau con lớn vung chày lún sân..
Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều, à ơi à ơi..
Giặc Mỹ buộc ta phải đi xa con suối
Các anh cầm súng với các chị cầm chông..
Mẹ thương a kay ta quyết giành sự sống..”

Câu hát đơn sơ, từng lời mộc mạc mà như mang đầy ước mơ của bà của mẹ. Mẹ thương con, ấp ôm con từng ngày như mẹ chưa từng ngừng thương bộ đội. Tình thương hoá vào ruộng bắp, nương ngô. Tình thương đỏ rực như mặt trời “mặt trời của bắp thì nằm lưng núi, mặt trời của mẹ con nằm trên lưng”

Tình thương đắp thành ước mơ. Mẹ thương nên mẹ sẵn sàng lao động. Dù công việc có vất vả đến mấy, có phải một mình làm đủ mọi việc thì người mẹ chưa từng thấy mệt. Ánh nắng chói chang là mặt trời nuôi hạt bắp lớn. Con là mặt trời mang ước mơ ruộng nương được mùa dưới bàn tay của mẹ.

Tại sao lời ru ấy lại đẹp đến thế, lại rung động lòng người đến thế? Tại vì tiếng ru cất lên từ tiếng lòng thăm thẳm dịu hiền, biến thành khúc ca mạnh mẽ. Biến thành hành động cầm súng, cầm chông. Và thành quyết tâm giành lại sự sống. Có những ngày xưa ấy, các bà các mẹ đánh giặc từ tiếng ru. Khi ấy lời ru không chỉ đơn thuần đưa con vào giấc ngủ mà còn là lời nói từ trong chính mình thốt ra. Nhẹ nhàng, mãnh liệt.

Tiếng hát ru còn là những lời tự sự, là tâm tình da diết mẹ dành cho con, niềm hạnh phúc vô bờ khi được sinh con ra khi đất nước thái hoà. Là niềm biết ơn dạt dào vô hạn gửi đến kháng chiến, dành lại đất nước thái bình:

“À ru hời, ớ hời ru
Mẹ thương con có hay chăng
Thương từ khi thai nghén trong lòng..
Kháng chiến đã dành đất nước về cho mình
Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi
Ôm con ra mái hiên, nhìn đàn chim rộn ràng hót..
Giữa mùa xuân mừng con sẽ góp phần
Tương lai con đẹp lắm..
Mẹ hát muôn lời, à ru hời ơ hời ru..”

Tiếng ru cất lên đẹp vĩnh hằng! Hẳn là ánh mắt người mẹ ấy đã hạnh phúc lắm, mãn nguyện lắm. Bởi hai thứ hạnh phúc thiêng liêng đang hoà vào làm một: hạnh phúc được làm mẹ, hạnh phúc đón hoà bình. Hai niềm vui thiêng liêng như một bản mashup hoà hợp đến lay động đất trời. Và tôi thấy không còn gì đẹp hơn như thế!
Bởi bóng dáng con thơ đã thành hình trong bóng hình đất nước. Để con tự hào trưởng thành nối tiếp những mùa xuân, những mùa dựng xây đất nước.

Hẳn là không thể viết được cảm xúc rộn ràng của người mẹ khi ôm con dưới hiên nhà nhìn đàn chim tung những đôi cánh hoà bình. Chỉ biết rằng từ nay, mẹ yên tâm cất những lời ru êm ả đến muôn đời sau nữa..
Ngày xưa, lời ru được cất lên từ mọi nơi mọi lúc. Có lúc bà ru tôi dưới ánh trăng chạy qua khung cửa sổ. Ngoài cửa sổ, hoa quỳnh hương nở trăng trắng mà tưởng như quỳnh hương đang ngó trăng, chờ trăng lên rồi mới nở. Tôi tỉnh dậy giữa đêm, bà lại phe phẩy chiếc quạt nan be bé, lại khẽ cất tiếng à ơi! Cũng có lúc mẹ ru tôi trên cái võng dưới gốc cây vải thiều có tán ôm trọn mái nhà của ngoại. Tôi nằm lim dim nghe tiếng ru của mẹ hoà lẫn trong tiếng ve kêu. Gió mùa hè thổi nhẹ, nắng cứ tìm cách len lỏi qua tán vải đầy lá mà không thể soi được mặt tôi.

Những đứa trẻ ngày xưa chỉ cần nghe thấy tiếng à ơi, ầu ơ là tự thả hồn trôi vào giấc mộng. Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em..lời ru ngàn đời cất lên trong vắt. Chẳng ai cần phải học, cứ nghe từ bà từ mẹ rồi thuộc nằm lòng lúc nào không hay.
Tôi nhớ thuở lên ba. Nhà trẻ là những chiếc chõng tre, được treo lên chiếc khung sắt. Trong nếp nhà mái ngói, các cô trông trẻ ngồi đưa chõng hát ru. Tiếng hát luôn say sưa ngay cả khi những đứa trẻ chúng tôi đã ngủ. Hoặc đứa khó ngủ như tôi cũng chẳng thể quấy khóc mà chỉ nằm lặng yên lắng nghe như để ngấm hết những dịu ngọt êm ru ấy. Rồi cũng ngủ lúc nào không hay.

Thuở chúng tôi lớn lên bằng những tiếng ru mang đầy tâm tình yêu thương, đầy giấc mơ được gửi gắm trong đó. Chỉ tiếc rằng khi đó còn quá nhỏ để thấu hiểu được lời ru.

Dù mỗi đứa chúng tôi đều thuộc rất nhiều bài hát ru nhưng cũng phải mãi đến sau này khi làm mẹ, khi cuộc sống đổi thay nhiều quá mới ngỡ ngàng tìm về những tiếng ru xưa để một lần được thấu hiểu. Giờ đây, thoảng khi thèm một lời ru ngọt cháy, tôi cũng lại tự mình hát ru. Tự mình đưa mình vào giấc ngủ tròn vo thơ ấu. Chỉ để tâm hồn mình được tận hưởng những êm đềm sâu lắng đó. Để nhớ bà nhớ mẹ, để lòng mình trọn vẹn khúc bình yên.

Cũng để hiểu phần nào trong bao lời ru mênh mang xưa ấy, các bà các mẹ đã gửi gắm những gì cho chúng tôi. Ngày xưa, cái gì cũng đẹp chân chất đơn sơ bởi tất cả đều được cất lên từ tiếng lòng. Tiếng ru là bản tình ca mượt mà của những tiếng lòng thấm đẫm thương yêu.

Lam Trang