
Q
uê tôi không nằm trên bản đồ du lịch tấp nập, không có cánh đồng lúa bát ngát, cũng chẳng có tiếng ve râm ran dưới những tán phượng đỏ rực như trong tranh vẽ… Chỉ có lau lách, cỏ dại và bầu không khí trong vắt đến mức nghe rõ tiếng chim gọi nhau qua thung.
Ở đó, mùa hè là những ngày nắng cháy sém đá sỏi, là những con đồi dốc uốn lượn giữa núi rừng hoang vu, là mặt hồ mênh mang nước rút để lộ ra những dải đất đá nhấp nhô như vết sẹo cũ của thời gian. Là những mái nhà sàn người Mường thấp thoáng giữa lưng chừng núi, ẩn hiện dưới tán rừng xanh thẫm.
Vậy mà chính nơi ấy, nơi từng nhường đất đai, nhà cửa, mồ mả tổ tiên để xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, đang từng ngày thay da đổi thịt, từ một vùng quê nghèo thành điểm dừng chân cho bao người mộng mơ…Không biết từ khi nào, những đoàn xe to – nhỏ bắt đầu len lỏi từ phố thị đông đúc nối đuôi nhau đi trên con đường uốn lượn giữa lưng đồi. Con đường ngày xưa tôi từng đi bộ tới trường, toàn đá hộc và bùn trơn, nay đã được bê tông hóa, sạch sẽ và phẳng phiu. Hai bên đường, những khóm hoa dại mọc lên chen giữa cỏ xanh, có đoạn còn thấy cả những bụi sim tím hay những vạt cúc quỳ nở muộn. Khách du lịch tìm đến ngày một đông, họ không đến vì sự trù phú, mà đến vì vẻ đẹp nguyên sơ và bình yên hiếm có – đến để lắng nghe một miền ký ức, để chạm tay vào cuộc sống mộc mạc như chính hồn đất, hồn người nơi đây.
Ngày xưa, quê tôi chỉ biết đến sắn khô, ngô luộc, chứ chẳng ai nghĩ một ngày nào đó, mâm cỗ lá của người Mường lại trở thành đặc sản được thực khách thành thị trầm trồ khen ngợi. Những món ăn đơn sơ, toàn thứ “cây nhà lá vườn” như gà chạy bộ thơm thịt, lợn đen thả rông béo tròn, cá sông, cá suối tươi rói vớt trong lồng dưới bè, rau rừng, măng chua, xôi ngũ sắc… tất cả được bày trên những tấm lá chuối xanh rì, kết thành mâm cỗ vừa đẹp mắt vừa đậm đà bản sắc núi rừng. Người dân không cần học công thức ẩm thực, chỉ cần làm đúng như cách mẹ và bà đã từng nấu – mà hóa ra, chính cái “thật thà” ấy lại khiến người ta nhớ mãi. Người đàn ông vốn quen cầm cuốc, nay học cách bưng bê, pha trà, đón khách. Trẻ con trong bản cũng dạn dĩ hơn, biết nở nụ cười chào người lạ từ xa.
Du khách tới không chỉ để ăn – họ đến để sống. Họ chèo thuyền kayak, ngồi bè mảng thả trôi theo sóng nước, ngẩng đầu ngắm mây trời phản chiếu lên mặt hồ mênh mang, lặng người trước vẻ đẹp hoang sơ của sông núi. Có những buổi sớm tinh mơ, làn sương mỏng giăng ngang mặt hồ khiến cả không gian như chìm trong mộng. Những hang động kỳ ảo, những bãi đá ngầm, những lối mòn xuyên rừng cũng trở thành điểm đến không thể bỏ qua. Vào bản, họ được mò ốc suối, đan rọ tôm, gói bánh chưng, nướng cá, đốt lửa trại… cùng người dân – những trải nghiệm tưởng chừng rất đỗi bình thường với chúng tôi, nay lại trở thành kỷ niệm đáng nhớ với biết bao du khách. Cảnh vật quê tôi vẫn vậy, nhưng con người thì đã bắt đầu biết mở lòng để kể chuyện, để trao đi và nhận lại.
Những mái nhà sàn người Mường thấp thoáng giữa lưng chừng núi, ẩn hiện dưới tán rừng xanh, giờ không chỉ là chốn ở của cư dân bản địa, mà còn là những homestay ấm cúng đón khách bốn phương. Những người phụ nữ Mường nơi đây vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống đậm nét văn hóa bản địa. Họ đón khách bằng nụ cười hiền hậu, trò chuyện rôm rả bên bếp lửa, buổi tối lại cùng nhau biểu diễn những tiết mục văn nghệ mộc mạc nhưng đầy bản sắc – khi thì gõ nhịp chiêng Mường, khi lại nắm tay nhau múa xòe quanh lửa trại rực hồng. Tiếng hát dân tộc vang lên giữa núi rừng như đánh thức một miền ký ức xa xưa, làm dịu lòng cả những tâm hồn bộn bề nơi phố thị.

Du khách tới không chỉ để thưởng ngoạn, để hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống bản địa – mà sự hiện diện của họ còn mang lại cho người dân nơi đây những nguồn thu nhập mới, những cuộc gặp gỡ mang tính giao lưu văn hóa. Từ những bữa cơm bản, những điệu múa xòe quanh lửa trại cho đến từng nụ cười, ánh mắt – tất cả như một cây cầu nối liền hai thế giới, để người vùng cao được kể câu chuyện của chính mình bằng cách mộc mạc và chân thành nhất.
Những mùa hè nơi quê tôi giờ thật sự đã khác rồi. Không còn là những chiều vắng lặng và mùi nắng cháy khét da, mà là những ngày nhộn nhịp tiếng nói cười của du khách, của trẻ con trong bản ríu rít chạy theo bè nước, lửa trại. Những bếp lửa đã cháy sáng hơn – không chỉ để nấu ăn, mà để thắp lên cả hy vọng cho một vùng quê từng nghèo đói, khép mình.
Tôi vẫn thích ngồi một mình ở bến nước cũ, nơi con suối chảy qua vách đá rêu xanh, nhìn hoàng hôn đỏ rực phản chiếu lên mặt hồ như ánh lửa. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy lòng rưng rưng. Quê hương tôi vẫn là nơi ấy – vẫn là sông, là núi, là những triền đất cằn không có lấy một thửa ruộng – nhưng đã học được cách kể một câu chuyện khác, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Không phải bằng lời, mà bằng chính những đổi thay âm thầm nhưng bền bỉ trong lòng người và đất.
Tôi yêu quê hương mình hơn bao giờ hết – không chỉ bởi vẻ đẹp nguyên sơ mà bởi hành trình vươn lên không mỏi. Và tôi tin rằng, ai đã một lần ghé qua nơi này, đều sẽ giữ trong tim mình một mảnh nắng vàng, một làn nước trong veo, và một chút bồi hồi chẳng thể gọi thành tên…
Ngân Dung