Một chiếc cầu đá con con.
Một mặt nước gờn gợn.
Một màu xanh biêng biếc.

Tôi lặng im bên song ngắm nhìn những vòng tròn đang lan toả và chồng lấp lên nhau như đùa giỡn, rồi bâng quơ chép miệng: “Lại mưa!”. Từng giọt len lén men theo đám chồi non vừa mới nhú trên những đọt cây đã quá mùa hoa nở. Mưa đem đến một màu xanh tươi cho đất trời. Chúng ve vuốt những phiến lá rồi lơ ngơ rơi tõm xuống mặt ao tạo thành vô số bọt khí hình cầu trôi nổi khắp nơi. Vài cành sen nghiêng mình trong gió như mỉm cười chào đón những người bạn vừa mới đến từ trên cao. Bọt khí theo dòng xa dần rồi tan biến dưới gầm chiếc cầu đá nho nhỏ. Cái này mất đi, cái khác lập tức thay thế. Vòng lặp cứ tiếp tục như vậy khi ít, lúc nhiều.

TẢN VĂN LỜI RU

“Bong bóng mưa!”, tôi khẽ thốt, rồi bất giác chạnh lòng. Có một điều gì cũng len lén trong hồn như giọt mưa đang mơn trớn trên lá ngoài kia. Là gì vậy? Hình như nỗi nhớ. Tôi nhớ về một âm hưởng tuy nay đã xa xôi nhưng tưởng chừng như mới vừa hôm qua. Đâu đây văng vẳng vọng về câu hát ru thuở nào.

“Trời mưa bong bóng bập bồng,
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”

Ngày xưa, cạnh chái nhà tôi cũng có một ao nhỏ. Bắc ngang đó là một một thân tràm cong queo làm chỗ đưa chân sang bờ bên kia. Lòng ao không có sen mà rải rác là những bụi bông súng mọc lơ thơ, phiến lá vật vờ trên mặt nước cùng với mấy con ốc bươu trôi nổi khắp nơi. Nước ao trong đến nỗi thỉnh thoảng thấy cả cá uốn mình. Ba tôi lấy tre chẻ ra để lót thành một sàn nước cho cả nhà sử dụng. Thường trực trên bộ vạt kê bên chái này là chiếc võng dây chuối được giăng hai đầu lên đòn tay. Mỗi bận cả nhà ăn cơm, để dọn chỗ, má bảo tôi cuốn võng rồi chỉ vào nó âu yếm nói: “Tụi con đứa nào cũng lớn lên từ đây!”.

Anh em tôi lớn lên trên chiếc võng dây chuối đong đưa bên chái, đắm mình nghe tiếng thở hai mùa mưa nắng, rồi trôi trên lời ru âu yếm ngọt ngào.
Mùa nắng. Tiếng tre kẽo kẹt ngoài bờ. Con trâu già gõ sừng lộp cộp. Dỗ Út, má ầu ơ giữa trưa hè xao xác tiếng gà trống tơ.

“Nắng ơi! Nắng cứ lên cao
Đừng đem mưa đến, (chớ) đừng đem mưa đến (mà) lạnh người tôi thương”

Trời mưa. Giọt rì rào trên mái lá. Bọt khí hình cầu trôi khắp ao. Bầy ốc bươu nổi lên chìm xuống đây đó. Ru Út, má lại hát câu trời mưa bong bóng bập bồng.

Sẽ là tiếc nuối khi tôi không còn hình dung được ngày xưa má ru mình như thế nào bởi ký ức tuổi thơ đã nhạt nhoà. May thay vẫn còn bé Út. “Út nhõng nhẽo!”, tôi hay trìu mến gọi nó như vậy. Mỗi bận thấy Út “mít ướt”, má tôi lại đặt nó lên võng và ầu ơ. Lúc nào, má cũng mở đầu bằng câu hát mưa bong bóng.

Mấy lúc má bận tay, cái võng đưa Út dừng lại làm nó trở mình thức giấc. Vậy là ba tôi bước đến với tay đong đưa và bắt chước ngâm nga câu hát ru mưa bong bóng của má. Ba vốn quen làm những việc nặng nhọc cho nên việc hát ru bé Út thật là một điều đặc biệt. Đặc biệt lắm! Một sự kiện mà sau này không thể nào quên đối với Út và có lẽ cả chính tôi. Giọng ba trầm ấm, không cao như tiếng má. Vậy mà bé Út vẫn nằm yên để tiếp tục say giấc nồng.

Rồi hết ba dỗ thì đến chị. Chị gái vốn thương em nhiều, lại có tánh chu đáo. Trước khi đặt bé Út lên võng thì lúc nào chị cũng pha nước ấm tắm rửa cho nó sạch sẽ, rồi còn chuẩn bị khăn gối thật ấm êm. Má nói làm như vậy cho em nó mát mà ngủ ngon. Chị làm theo lời má. Quả nhiên, con bé ngủ ngon và sâu nên người lớn cũng an tâm và có thời gian làm được nhiều việc. Chị vốn có năng khiếu ca hát và thuộc lòng nhiều bài nhờ nghe được từ cái máy thu thanh cũ của ba. Vậy là ru em bằng nhiều giai điệu. Rồi lắm khi cũng càu nhàu, tao không hiểu nổi là tại sao hát hết các bài mà mắt nó vẫn mở trao tráo, vậy mà tới khúc mưa của má thì ngủ liền.

Nghe vậy, tôi thử để ý tới các anh mình. Mấy anh thì không được chu đáo với em như chị gái. Mỗi lần bé Út khóc là ẵm ngay lên võng mà đong đưa chớ không chuẩn bị đầy đủ khăn ấm, gối êm. Rồi cũng nằm lên võng mà ru em ngủ. Các anh quen với việc đồng áng nên đâu có nhiều thời gian để nghe máy thu thanh. Cho nên kiến thức âm nhạc cũng không phong phú. Dường như biết mình kém nên anh sử dụng những gì quen thuộc nhất. Vậy là câu hát ru của má lại được cất lên bằng cái chất giọng ngang phè. Vậy mà con bé vẫn ưng và ngủ ngoan.

Nhiều hôm mưa, tôi đong đưa em ngủ. Rồi cũng tập tành hát bài mưa bong bóng. Thỉnh thoảng ngắm nó và nhủ thầm: “Bé sướng ghê! Ai cũng lo cho cưng!”. Út mà! Rồi tự nhiên lại liên tưởng chắc trước đây tôi cũng được như vậy. Ấm êm quá đỗi! Rồi chừng nghe đâu đó có một tình thương vô bờ lan toả khắp châu thân như những bong bóng mưa mát dịu.

Vậy là cả nhà tôi hết má rồi tới ba, hết anh rồi tới chị, ai cũng ru Út. Nhiều cung bậc của lời ru được cất lên bằng những chất giọng khác nhau cứ thay phiên đưa con bé vào miền mộng đẹp. Tuy vậy có một điều không bao giờ khác. Đó là câu hát trời mưa bong bóng bập bồng. Dường như má tôi đã gieo vào tâm khảm của cả nhà cái giai điệu buồn buồn, thương thương ấy mãi mãi không phai nhoà.

Tôi lặng im bên song nhìn cơn mưa từ từ nhẹ hạt. Giọt không còn len lén trên cây. Giọt cũng không còn rơi tõm xuống mặt nước. Bong bóng vỡ tan hết theo gió. Nỗi buồn trong tôi cũng vơi dần. Trả lại niềm vui và một chút an yên khi nhớ lại ngày xưa anh em tôi đã có một thời ấm êm bên những tiếng ru hời.
Dẫu trời đã dứt hạt nhưng bài hát mưa bong bóng chừng như vẫn còn vọng mãi…

Lê Trung Lương